Liệu Liên minh châu Âu (EU) có đứng về phía Trung Quốc để chống lại chính sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ hay không, khi bản thân khối này còn lắm vấn đề?
Tuyên bố trả đũa Mỹ, Tân Hoa Xã: 'Lấy chiến tranh chấm dứt chiến tranh!'
- Cập nhật : 18/06/2018
Trong một động thái được coi là mạnh mẽ một cách hiếm thấy, Tân Hoa xã- cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 17/6 đã phát đi bài bình luận nhan đề “Lấy chiến tranh chấm dứt chiến tranh, không thể không ra tay!” nói về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gia tăng thuế suất 25% đối với số hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ USD và hành động đáp trả tương tự của phía Trung Quốc.
Trung Quốc: không thể không “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Bình luận của Tân Hoa xã nhắc lại lập trường của Trung Quốc “không muốn đánh cuộc chiến tranh thương mại, nhưng trước hành vi có tầm nhìn hạn hẹp, hại người không lợi mình của phía Mỹ, Trung Quốc buộc phải ứng chiến và mong “lấy chiến tranh chấm dứt chiến tranh”, áp dụng những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích bản thân chính đáng của mình”.
Bài báo nhắc lại việc “Trung Quốc từng dốc sức thông qua đàm phán với Mỹ để mong giải quyết bất đồng, thực hiện hai bên cùng thắng; nhưng chính phủ Mỹ đã vứt bỏ những thỏa thuận chung đạt được giữa hai nước, ngang nhiên xé bỏ những thỏa thuận chung phải khó khăn lắm mới đạt được, chơi trò lật mặt thay đổi nhanh như trong kịch mặt nạ Tứ Xuyên”. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không thể không “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Bài báo viết: trước hành vi lật lọng bất thường, gây nên chiến tranh thương mại, vừa làm tổn hại quan hệ hai bên, vừa phá hoại trật tự thương mại quốc tế của phía Mỹ, Trung Quốc không thể giả câm giả điếc, ngồi im chịu trận. Trước hành vi có nhãn quan hạn hẹp, vừa hại người lại không lợi mình của phía Mỹ, Trung Quốc không thể không đáp trả mạnh mẽ, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và của nhân dân mình; kiên quyết bảo vệ kinh tế toàn cầu hóa và thể chế mậu dịch đa phương hóa.
Bài báo nêu rõ: trước sự lật mặt của Mỹ, Trung Quốc không phải không hề có sự chuẩn bị sẵn về tư tưởng. Trước đây Trung Quốc đã bày tỏ, nếu Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mậu dịch Trung Quốc trong đó bao gồm áp đặt gia tăng thuế quan thì mọi thành quả kinh tế - thương mại đạt được trong các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực. Theo luật pháp Trung Quốc, bất cứ quốc gia hay khu vực nào áp dụng biện pháp kỳ thị, cấm đoán, hạn chế… về mậu dịch với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ căn cứ tình hình thực tế để có biện pháp giáng trả tương ứng.
Tân Hoa xã nhấn mạnh: Trung Quốc chú ý đến việc phía Mỹ bày tỏ, nếu Trung Quốc có biện pháp đáp trả, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế; nhưng trước logic đe dọa đó, Trung Quốc sẽ không lùi bước mà đã chuẩn bị để áp dụng biện pháp tiếp theo của mình.
Bài báo cho rằng, trong thời đại ngày nay, phát động chiến tranh thương mại là hành động đã lỗi thời, lạc hậu, hiệu quả thấp. Mỹ quen thói dùng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ để phá hoại quy tắc mậu dịch quốc tế; những chính sách mậu dịch của họ đã gây nên sự phản cảm sâu rộng, ngay cả đối với những đồng minh của chính họ.
Cuối cùng, bài bình luận khẳng định: Trung Quốc thông qua biện pháp phản kích cứng rắn, lấy chiến tranh chặn đứng chiến tranh, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn để đối phó với kẻ hiếu chiến. Nếu Mỹ tiếp tục tùy tiện hành động ngang ngược, gây tổn hại lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, phía Trung Quốc tất phải tiếp tục dùng đòn “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Ông Vương Thần bị Mỹ làm mất mặt trong vấn đề trừng phạt thương mại khi đang ở thăm Mỹ
Chuyến công du của ông Vương Thần: xôi hỏng bỏng không
Vì sao Trung Quốc lại nổi xung, thể hiện lập trường, thái độ quyết liệt trước tuyên bố gia tăng thuế quan của Mỹ như thế? Giới quan sát cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là việc Washington “vuốt mặt không nể mũi”, tuyên bố áp đặt biện pháp trừng phạt này ngay trong khi một quan chức cấp cao của giới lãnh đạo Trung Quốc đang tới Mỹ để bàn cách tháo ngòi nổ cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước!
Đó là chuyến đi Mỹ của ông Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc) Trung Quốc từ ngày 13 đến 16/6, (nhưng Tân Hoa xã mãi đến ngày 17/6 mới đưa tin). Theo các nguồn tin thì tại Mỹ, ông Vương Thần đã lần lượt gặp Chủ tịch Hạ nghị viện Mỹ Paul Ryan, Chủ tịch lâm thời Thượng nghị viện (the president pro tempore of the United States Senate) Orrin Hatch, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ nghị viện Nancy Pelosi, và một số quan chức như hạ nghị sỹ Larson ở Tổ công tác Mỹ - Trung Quốc của Hạ nghị viện Mỹ, nhóm thượng nghị sỹ Dyans và Phó Quốc vụ khanh John Sullivan.
Trong các cuộc gặp gỡ, hội đàm này, Vương Thần đã trình bày lập trường chính thức của Trung Quốc về “các vấn đề kinh tế mậu dịch, bản quyền sở hữu trí tuệ và lập pháp”, mong muốn phía Mỹ xử lý ổn thỏa “những vấn đề nhạy cảm và bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc”. Thế nhưng, trong khi ông Vương Thần còn đang tất bật gặp gỡ giới cấp cao Mỹ thì ngày 15/6, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố biện pháp áp mức thuế gia tăng 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Những sản phẩm này bao gồm nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Nguyên nhân chủ yếu của hành động lần này là nhằm trừng phạt việc Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Hành động trừng phạt của Mỹ đưa ra ngay khi Vương Thần đang ở Mỹ khiến ông cảm thấy “bối rối, không được tôn trọng” và cho thấy chuyến đi của ông là vô ích.
Một mục đích khác trong chuyến du thuyết Washington lần này của Vương Thần là liên quan đến vấn đề Mỹ trừng phạt Công ty ZTE (Trung Hưng). Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur L. Ross hôm 7/6 nói: Mỹ đã đạt được thỏa thuận với ZTE, tức ZTE phải nộp 1 tỷ USD tiền phạt cộng thêm 400 triệu USD tiền đặt cọc và chấp nhận để Mỹ cử nhân viên giám sát vào nằm trong công ty để đổi lại việc Mỹ cởi bỏ lệnh cấm ZTE mua chip điện tử và các sản phẩm phần mềm khác của Mỹ trong 7 năm.
Ông Vương Thần (trái) gặp gỡ hội đàm với giới chức Mỹ
Thế nhưng, một số thượng nghị sỹ Mỹ ngay trong ngày hôm đó đã đệ trình một bản tu chính án với nội dung định phục hồi lệnh trừng phạt ZTE; tu chính án này còn cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua các sản phẩm và dịch vụ của ZTE và Huawei, cấm chính phủ Mỹ sử dụng các khoản tiền để trợ cấp cho 2 công ty này. Khi lên đường thăm Mỹ, Vương Thần nói, chuyến đi của ông nhằm “giúp tăng cường giao lưu, hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước”, có lẽ ám chỉ việc ngăn chặn lưỡng viện Mỹ có hành động lập pháp đối với ZTE, nhưng xem ra mục đích này cũng khó thành.
Được biết, Vương Thần là Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thứ ba tới Mỹ để hội đàm sau khi quan hệ căng thẳng về thương mại giữa hai bên leo thang. Hai người trước đó là các ông Dương Khiết Trì và Lưu Hạc.
Thu Thủy
Theo Viettimes.vn