Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi ông Trump liên tục thực hiện nhiều đợt áp thuế quan.
Trung Quốc khóa đòn thương mại Mỹ bằng phá giá nội tệ?
- Cập nhật : 04/07/2018
Sự giảm giá của CNY có thể được xem như tín hiệu gửi tới Mỹ về một công cụ khác trong ‘kho vũ khí’ chiến tranh thương mại của Bắc Kinh...
Trong tháng 6/2018, đồng nhân dân tệ (CNY) đã giảm giá 3,3% so với đồng USD, đánh dấu tháng giảm tệ nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối của nước này vào năm 1994.
CNY có tháng giảm giá mạnh kỷ lục so với USD đã làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh sẵn sàng phá giá đồng nội tệ để dùng làm vũ khí tấn công, nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bùng nổ.
Ông Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc Công ty nghiên cứu TS Lombard, cho rằng Bắc Kinh có thể đang sử dụng chiến thuật giảm giá CNY để gửi tín hiệu đến Washington, nhưng CNY giảm giá sâu có thể phản tác dụng với TQ.
"Nhiều chuyên gia thị trường đồn đoán rằng Trung Quốc đang dùng CNY như một vũ khí, dùng sự giảm giá của đồng nội tệ để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này, cho dù các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc được cho là cũng đang cân nhắc việc phá giá CNY như một lựa chọn", chuyên gia kinh tế Bo Zhuang nhận định.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhận định của ông Bo Zhuang thực ra là một sự thận trọng quá mức, và cũng không loại trừ đó là việc đánh lạc hướng dư luận trước dấu hiệu giảm sâu của CNY, để đảm bảo cho mục đích của Bắc Kinh.
Nghĩa là việc CNY giảm sâu là có ý đồ của Bắc Kinh và nó được sử dụng để khoá đòn tấn công của Washington, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra. Tại sao lại nhận định như vậy?
Thứ nhất, việc giảm giá sâu của CNY so với USD sẽ giúp cho Trung Quốc "thiệt đơn, lợi kép" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Có thể thấy rằng, việc thực hiện hàng rào thuế quan dưới dạng gói trừng phạt báo trước giá trị của Tổng thống Trump đối với hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ là con dao hai lưỡi.
Điều đó một mặt giúp cho Bắc Kinh dễ dàng lựa chọn đòn đáp trả của mình. Trong khi hiệu quả từ việc tái cơ cấu đã khiến cho kinh tế Trung Quốc có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó giúp Bắc Kinh có thể tung đòn đáp trả tương xứng với Washington.
Mặt khác, Tổng thống Trump cảnh báo trừng phạt Trung Quốc ngay khi còn tranh cử đã giúp cho Bắc Kinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc đối đầu với Washington, vì vậy việc "rung chà cho cá nhảy" đã không mang lại hiệu quả trong trường hợp này.
Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, để giành chiến thắng hay giảm thiểu thiệt hại, vấn đề cốt lõi lại không nằm ở thương mại, nằm ở vấn đề tài chính. Bắc Kinh đã chuẩn bị được một nền tảng tài chính tốt nhất, đảm bảo sẵn sàng chơi tay đôi với Washington.
Tổng thống Trump chưa phá được thế của Chủ tịch Tập Cận Bình để lấy lại cho Mỹ những gì đã bị "cướp mất"
Trong các công cụ tài chính hỗ trợ, thì tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ là công cụ có thể mang lại hiệu quả cao nhất và trong bối cảnh nền tảng tài chính của Trung Quốc mạnh mẽ như hiện nay, thì phản dụng rất hạn chế.
Khi Tổng thống Trump nêu ra các gói thuế quan trừng phạt với hàng hoá TQ có giá trị 50 tỷ USD, nếu CNY mạnh so với USD thì các thực thể kinh tế TQ bị tác động ít về số lượng, nhưng nặng về thiệt hại.
Song nếu CNY yếu so với USD thì các thực thể bị tác động sẽ nhiều về số lượng, thiệt hại dàn trải hơn và có thể tự đứng vững mà không cần chính phủ hỗ trợ hay hỗ trợ chỉ mang tính tượng trưng.
Hiểu nôm na: với gói trừng phạt của Mỹ là 50 tỷ USD. Nếu CNY mạnh thì chỉ cần 1.000 doanh nghiệp TQ xuất khẩu vào Mỹ đã đạt tới 50 tỷ USD và 1 doanh nghiệp TQ bị thiệt hại trong giá trị 50 triệu USD Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Nếu CNY mạnh thì phải cần tới 1.100 doanh nghiệp TQ xuất khẩu vào Mỹ mới đạt tới 50 tỷ USD và lúc này 1 doanh nghiệp TQ bị thiệt hại trong giá trị 45,4 triệu USD. Với sự dàn trải này, hiện tượng phá sản có thể không xảy ra.
Trong khi đó, CNY yếu thì giá hàng hoá Trung Quốc rẻ hơn và lượng hàng hoá nhập vào Mỹ sẽ nhiều hơn. Điều đó giúp thiệt hại của từng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm đi rất nhiều.
Hiệu ứng "thiệt đơn, lợi kép" đó giúp TQ không cần chọn gói đáp trả ngang bằng, nhưng tác hiệu thì không hề thua kém, thậm chí còn khiến Mỹ nhận lãnh hậu quả năng hơn. Và đây là lý do Bắc Kinh có thể chọn phá giá CNY.
Thứ hai, chủ động cho CNY giảm giá sâu giúp cho sức mạnh kinh tế Trung Quốc không quá bị sút giảm, dù quy mô kinh tế bị co lại
Trong cuộc chiến thương mại, sức mạnh nền kinh tế đóng vai rất quan trọng vì dựa vào đó mà chính phủ có thể lựa chọn những công cụ để tấn công hay đáp trả đối phương. Hiện nay, sức mạnh nền kinh được dựa trên 2 thước đo là GDP và PPP.
Nếu như GDP là dựa trên tổng giá trị sản phẩm xã hội tạo ra quy về USD thì PPP lại dựa trên sức mua của đồng tiền quốc gia. Vì vậy, GDP được xem là sức mạnh danh nghĩa, còn PPP là sức mạnh thực tế.
PPP ngày càng được các tổ chức tài chính - thương mại quốc tế cũng như các tổ chức đánh giá, xếp hạng kinh tế - tài chính quốc tế sử dụng làm thước đo đánh giá sức mạnh nền kinh tế của mỗi quốc gia hơn là GDP, vì nó thực chất hơn.
Trên thế giới ngày càng có nhiều quốc gia "yếu danh nghĩa - mạnh thực tế" khi chính phủ có chính sách tiền tệ phù hợp, cơ cầu nền kinh tế hợp lý, đảm bảo cho sức mua của đồng nội tệ. Và trong số đó có kinh tế Trung Quốc.
Xin lấy ví dụ. Theo tài liệu của CIA, GDP năm 2017 của Trung Quốc là 11.900 tỷ USD và GDP/đầu người là 8.481 USD, song PPP năm 2017 của Trung Quốc lại có giá trị tới 23.200 tỷ USD và PPP/đầu người là 16.676 USD.
Trong khí đó GDP và PPP năm 2017 của Mỹ là 18.980 tỉ USD, GDP và PPP/đầu người là 58.536 USD. Rõ ràng, về mặt sức mạnh danh nghĩa thì kinh tế Mỹ đứng trên kinh tế TQ, nhưng về sức mạnh thực tế thì kinh tế Mỹ thua xa kinh tế TQ.
Trong khi đó, với kết quả của tái cơ cấu, kinh tế tiêu dùng và kinh tế dịch vụ đã dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nến kinh tế Trung Quốc. Trong khi đây là hai lĩnh vực đóng góp vào việc đảm bảo sức mua của đồng tiền mạnh nhất.
Khi CNY yếu sẽ khiến cho giá cả hàng hoá giảm, lợi nhuận doanh nghiệp cao, giá trị thu nhập của lao động xã hội cao và thực tế, từ đó thúc đẩy kinh tế tiêu dùng và kinh tế dịch vụ - sức mua của CNY mạnh.
Điếu đó cho thấy, việc CNY yếu đã giúp cho Bắc Kinh gia cố cả sức mạnh cho kinh tế đối ngoại lẫn kinh tế nội địa. Nhiều chuyên gia nhận định việc CNY giảm sâu có thể khiến kinh tế Trung Quốc đối mắt với cơn hoảng loạn tài chính như tháng 8/2015.
Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra, bởi cơ cấu kinh tế Trung Quốc đã thay đổi, nền tảng tài chính của Trung Quốc vững vàng, đặc biệt CNY đã vào Giỏ tiền tệ quốc tế, nên tác động trái chiều của việc CNY khó gây hậu quả lớn cho kinh tế TQ.
Vì vậy, theo giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nguyên trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Trung Quốc thì : "Khi mâu thuẫn kinh tế-thương mại Mỹ -Trung gia tăng, biến động tỷ giá có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bình thường".
Và vị chuyên gia tài chính này nhận định rằng, sự giảm giá của CNY có thể được xem như tín hiệu của Trung Quốc gửi tới Mỹ về một công cụ khác trong ‘kho vũ khí’ chiến tranh thương mại của Bắc Kinh.
Rõ ràng, nước đi của Tổng thống Trump không thể là nước đi hoàn hảo và thậm chí có thể phản tác dụng, giống như việc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng kỷ lục ngay trong năm đầu Trump nắm quyền lực.
Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn