Mỹ và các đối tác thương mại đã và chuẩn bị áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, làm dấy lên lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu...
Chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa toàn cầu điêu đứng vì cuộc chiến thương mại
- Cập nhật : 22/06/2018
Đôla Australia (AUD) giảm giá, đậu tương dao động mạnh và cổ phiếu của các hãng ô tô Đức lao dốc. Các thị trường tài chính toàn cầu trở nên nhiễu loạn bởi lo sợ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà đầu tư bán đổ bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao để tìm tới những tài sản an toàn hơn như yen Nhật hay trái phiếu chính phủ Mỹ.
Mọi sự bắt nguồn từ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này rằng sẽ áp thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc ngay lập tức đáp trả sẽ trả đũa xứng đáng.
Và đây là những tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa dễ bị tổn thương nhất khi xung đột thương mại leo thang:
Tiền tệ
Những thị trường có nền kinh tế mở cửa phụ thuộc vào thương mại toàn cầu dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra chiến tranh thương mại quốc tế.
Đôla Australia nằm trong số này. Australia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, và tiền tệ của họ có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư xếp đồng AUD vào vị trí quan trọng trong thương mại toàn cầu hơn là đôla Canada (CAD) – đồng tiền cũng bị biến động mạnh trong các đợt thương lượng về Hiệp ước thương mại Bắc Mỹ - NAFTA. Do đó, tuần này đồng AUD giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng, và tương lai có thể sẽ còn tiếp tục giảm giá hơn nữa.
Một đồng tiền khác cũng có nguy cơ giảm mạnh là crown của Thụy Điển (SEK) do Thụy Điển là nền kinh tế rất mở của khối Nordic, và sở hữu những ngành xuất khẩu quan trọng. Đồng tiền này đã giảm khoảng 2,5% giá trị chỉ trong 3 ngày vừa qua xuống mức thấp nhất 6 tuần so với euro (EUR).
Các đồng tiền châu Á, theo nhận định của người phụ trách mảng tiền tệ toàn cầu của State Street Global Advisors (trụ sở ở London), “có mối liên quan rất mật thiết với tăng trưởng toàn cầu nên sẽ chịu áp lực nặng nề ngay lập tức nếu tranh chấp thương mại có bất kỳ “động thái leo thang” nào. Do đó tương tự như các đồng tiền nêu trên, những tiền tệ châu Á như won Hàn Quốc (KRW), đôla Singapore (SGD) hay đôla Hongkong (HKD) cũng sụt giá trong tuần này bởi những lý do tương tự.
Chứng khoán
Ngân hàng Merrill Lynch vừa tiến hành một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy rõ sự lo lắng về việc Mỹ áp thuế cao lên các hãng sản xuất ô tô Đức. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu mỗi năm xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD sang thị trường Mỹ. BMW phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường này bởi 1/5 doanh số bán hàng toàn cầu có được từ thị trường Mỹ. Việc Trung Quốc trả đũa bằng thuế nhập khẩu tô tô Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới các hãng châu Âu bởi nhiều hãng xuất khẩu sang Trung Quốc từ các nhà máy đặt tại Mỹ.
Do đó, dễ hiểu khi cổ phiếu của Volkswagen và Daimler đã giảm mạnh, khiến chỉ số chứng khoán ngành ô tô châu Âu rơi xuống mức thấp nhất 7 tháng.
Ngành sản xuất máy bay, trong đó có Boeing và Airbus, cũng là môt trong những chỉ báo rõ rệt về tác động của cuộc chiến thương mại, bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào dây chuyền cung ứng toàn cầu mở.
Boeing là hãng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang thị trường Trugn Quốc nên cổ phiếu của hãng này, cũng như của đối tác Airbus của châu Âu, đã trồi sụt rất mạnh theo diễn biến căng thẳng thương mại.
Thép và nhôm là những mục tiêu đầu tiên trong các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế. Việc Mỹ đánh thuế mạnh đối với thép nhập khẩu đã ảnh hưởng tới cổ phiếu của các hãng xuất khẩu thép châu Âu như Thyssenkrupp, Salzgitter và Voestalpine.
Các hãng sản xuất đặt tại châu Âu nhưng nhập khẩu thép từ các nhà máy ở Mỹ có thể cũng bị vạ lây bởi cuộc xung đột này, nơi mà nếu có người hưởng lợi thì, nếu là các hãng sản xuất châu Âu thì đó là ABB và Siemens sẽ có cơ hội mở rộng thị phần ở Trung Quốc khi các dối thủ Mỹ như Honeywell bị giảm thị phần. Nhưng những rào cản thương mại gia tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các nền kinh tế nên kể cả những người chiến thắng cũng sẽ không trọn vẹn.
Hàng hóa
Trung Quốc mua 1/3 tổng đậu tương xuất khẩu của Mỹ nên khi Bắc Kinh áp thuế 25% đối với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ đã khiến mặt hàng này trở thành một “chiến trường” thực sự.
Điều đó sẽ làm tăng chi phí đậu tương – được Trung Quốc sử dụng rất nhiều để làm thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm. Giá khô đậu tương tại Trung Quốc đã tăng 4,2% trong ngày 19/6.
Giá đậu tương từ trước tới nay thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết hơn là các yếu tố kinh tế, nhưng thuế quan mới có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại. Do đó đậu tương kỳ hạn giao sau tại Mỹ cũng bị giảm giá xuống mức thấp nhất nhiều năm do nông dân Mỹ lo ngại bị mất thị phần ở Trung Quốc về tay các đối thủ Mỹ Latinh.
Và không thể không nhắc tới mặt hàng đồng – kim loại được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và năng lượng. Giá đồng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 31/5 và dự kiến sẽ còn giảm nữa nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm sút.
Nguồn: VITIC/Reuters/ Vianet