Sản lượng xuất khẩu dầu và LNG của Qatar khó bị ảnh hưởng, ngay cả nếu các con tàu của họ bị cấm đi qua vùng biển của Arab Saudi và UAE.
Ông Trump đang vô tình biến 'nước Mỹ đầu tiên' thành 'Trung Quốc đầu tiên'?
- Cập nhật : 08/06/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần rút khỏi trường quốc tế, để lại một khoảng trống cho quốc gia đông dân nhất thế giới lấp đầy.
Các mối quan hệ của tổng thống Trump với Nga và sự đồng cảm của ông với tổng thống Vladimir Putin (cả trên thực tế và bị cáo buộc) từng thu hút rất nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, một ứng cử viên hợp lý khác cho danh hiệu "người bạn của ông Trump" là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Rút lui khỏi vị trí lãnh đạo
Trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả hợp tác quốc phòng, một vấn đề lớn cho nhà lãnh đạo Mỹ ở châu Á đang bắt đầu xuất hiện đó là nhiệm vụ đối phó với nhiều điểm nóng chính trị và an ninh trong khu vực. Bỏ rơi các nguyên tắc của Mỹ lâu nay là làm việc trong các nhóm hay tổ chức quốc tế, vị tân tổng thống sử dụng “cách tiếp cận giao dịch” theo kiểu kinh doanh với từng nước để giải quyết các vấn đề chính sách nan giải. Có vẻ như ông Trump đang cố gắng đáp ứng áp lực trong nước và bộc lộ một thái độ cứng rắn hơn đối với các đồng minh.
Từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Mỹ lần lượt rời TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), đe dọa rời NAFTA (Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ), chỉ trích các đồng minh trong khối NATO (Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) là đang đóng góp quá ít ỏi cho tổ chức, và gần đây nhất là rời hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, dù thiếu Mỹ thì các nước vẫn tiếp tục theo đuổi những mục tiêu từng đề ra. Sau bài phát biểu của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26-27/5 ở Ý, thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định châu Âu cần tự lo cho vận mệnh của mình trong bối cảnh trật tự thế giới không đáng tin cậy như hiện nay. 11 nước thành viên TPP cũng đang họp bàn tiếp tục TPP 11 hay TPP không Mỹ.
Mỹ lui xuống, Trung Quốc âm thầm tiến lên
Các nhà phân tích bình luận rằng việc Mỹ rời TPP chẳng khác nào "trao tặng" Trung Quốc cơ hội tạo mối quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước trong khu vực và thậm chí thay thế vai trò của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Còn ngay sau khi tổng thống Trump công bố quyết định rút ra khỏi hiệp định Paris, Trung Quốc và Liên minh châu Âu EU nhanh chóng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại, và nhấn mạnh rằng năng lượng sạch là "trụ cột chính" của 2 bên. Châu Âu và Trung Quốc đã đồng ý về một "liên minh xanh" để thúc đẩy chương trình khí hậu.
Chủ tịch Trung Quốc cũng từng nghi hoặc về biến đổi khí hậu như ông Trump. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos năm nay, ông Tập phát biểu, "Điều quan trọng là phải bảo vệ môi trường trong khi theo đuổi tiến bộ kinh tế và xã hội để đạt được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, và sự hòa hợp giữa con người và xã hội".
Tham vọng “Một vành đai, một con đường”
Một cách thức mạnh mẽ hơn để cường quốc châu Á phát triển chính sách đa chiều của mình là thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, một kế hoạch để phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu ở châu Á và châu Âu, giờ lan rộng đến Australasia và Đông Phi, bao gồm khoảng 60 quốc gia.
Đây có thể coi là một tham vọng khổng lồ của ông Tập khi Trung Quốc đặt mục tiêu đầu tư trong nhiều thập kỷ và từ nhiều nguồn khác nhau từ khoảng 4 nghìn tỷ đến 8 nghìn tỷ USD để xây dựng đường xá, đường sắt, cảng biển và các cơ cấu hỗ trợ thương mại khác. Nước cờ này, như các quan chức Trung Quốc nói rõ, được thiết kế để khuyến khích việc quốc tế sử dụng đồng Nhân Dân Tệ nhiều hơn nữa trong đầu tư, thanh toán và như tiền tệ giao dịch để một ngày nào đó sẽ thách thức đồng USD.
Hệ thống ngân hàng kiểu Trung Quốc
Hơn nữa, nỗ lực của Trung Quốc cũng nhằm mục đích xây dựng một hệ thống ngân hàng và quy định tài chính kiểu Trung Quốc ở các nước trong chương trình “Một vành đai, một con đường”. Điều này đáp ứng 3 mục tiêu: tăng cường hệ thống kinh tế và tài chính, bảo vệ tín dụng và đầu tư của Trung Quốc trên khắp khu vực rộng lớn này và tạo cơ hội cho việc mở rộng các dịch vụ tài chính của nước này.
Trong biến đổi khí hậu, Trung Quốc có thể đưa ra cam kết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về giảm 26% lượng phát thải từ năm 2005 đến năm 2025. Jerry Brown, thống đốc bang California, vừa đến Trung Quốc để nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh về việc phối hợp các công nghệ xanh mới được sản xuất bởi các công ty nước này.
Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, quỹ đầu tư quốc gia của nước này, từng theo dõi chương trình cơ sở hạ tầng của ông Trump trị giá 1 nghìn tỷ USD như cơ hội để tăng cường mối liên hệ với Mỹ. Nhưng bây giờ có vẻ cường quốc châu Á đang coi quyết định rút khỏi hiệp định Paris của ông Trump như một thời cơ mới để hợp tác với Mỹ ở cấp thành phố và tiểu bang.
Điều rõ ràng là Trung Quốc hiện có một loạt các kênh giá trị để tăng cường hợp tác quốc tế. Theo thời gian, sợ rằng câu khẩu hiệu "nước Mỹ đầu tiên" sẽ biến thành "Trung Quốc đầu tiên".
Trang Hồ/ Theo Market Watch, Bloomberg,NDH.vn