Quan chức ngoại giao Nga không thấy nỗ lực cải thiện quan hệ Nga- Mỹ từ phía Washington, khả năng sẽ kiện Mỹ.
IMF cảnh báo kinh tế châu Á đang đứng trước rủi ro
- Cập nhật : 07/06/2017
Sự thiếu rõ ràng về kích cỡ gói kích thích tài chính sắp tới của Mỹ và sự tăng trưởng tín dụng trong nước nhanh chóng mặt của Trung Quốc là những rủi ro tác động đến triển vọng kinh tế châu Á, một quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Phó Giám đốc điều hành IMF, ông Mitsuhiro Furusawa, cho biết hệ quả của việc tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ khiến đồng USD tăng mạnh, điều này sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần lên các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vì những khoản vay phần lớn đều bằng đồng USD.
"Châu Á tiếp tục là khu vực dẫn đầu thế giới về tăng trưởng do nhu cầu ngày càng mạnh mẽ và các chính sách điều tiết phù hợp,” ông Furusawa nhận định trong một bài phát biểu tại một hội thảo ở Tokyo về chính sách tài chính và nhân khẩu học của khu vực
“Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn hiện nay đang bị che khuất bởi sự thiếu chắc chắn và rủi ro lớn, như việc thiếu minh bạch trong chính sách kinh tế của Mỹ về kích cỡ và thành phần gói kích thích tài chính do ông Trump đề xuất.”
"Quá trình tái cân bằng của Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng sự tăng trưởng vẫn dựa vào tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong nước có thể gây ra một số vấn đề,” ông Furusawa nói thêm. Đồng thời ông cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Á áp dụng các chính sách tài khóa để đối phó với tốc độ tăng trưởng dân số đang giảm và tốc độ già hóa dân số tăng mạnh trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng dân số của châu Á dự kiến sẽ về mức 0% vào năm 2050, và tỷ lệ người già trong lực lượng lao động sẽ lớn gấp 2,5 lần hiện nay, ông Furusawa cho hay.
Các nhà hoạch định chính sách châu Á có thể đối phó với các thách thức về nhân khẩu học bằng các biện pháp cải tổ để hạn chế chi phí chăm sóc sức khỏe và hệ thống lương hưu, cung cấp các ưu đãi thuế để tăng lực lượng lao động, và xây dựng các kế hoạch tài chính trong trung hạn để đảm bảo nợ công.
“Kinh nghiệm cho thấy cần phải áp dụng các chính sách tài khóa trước khi dân số già hóa. Điều này có thể diễn ra với tốc độ từ từ để san sẻ gánh nặng lên các thế hệ và để tránh các tác động ngược của chính sách,” ông Furusawa khuyến cáo.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn