Trái với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump, Thụy Điển áp dụng kế hoạch tăng thuế, tăng chi tiêu phúc lợi xã hội. Việc này tạo nên điều kỳ diệu cho quốc gia Bắc Âu.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang... đói ăn?
- Cập nhật : 25/04/2017
Thống kê của tổ chức phi chính phủ REAP cho thấy phần lớn các bà mẹ Trung Quốc không biết cách chăm sóc con cái, thậm chí còn không rành bằng cách chăn nuôi lợn.
Năm 2016, thương vụ 43 tỷ USD giữa tập đoàn nông nghiệp quốc doanh Trung Quốc ChemChina và hãng sinh học Syngenta hứa hẹn sáng tạo nên công ty lớn thứ 2 thế giới trong ngành. Thêm vào đó, thương vụ này sẽ đưa Trung Quốc trở thành 1 trong 3 nước, gồm Đức và Mỹ thống trị ngành nông nghiệp toàn cầu.
Vậy tại sao Trung Quốc lại khát vọng trở thành ông lớn trong ngành nông nghiệp đến như vậy khi thu mua hàng loạt các trang trại, nhà máy sản xuất nông nghiệp? Nguyên nhân rất đơn giản, Trung Quốc quá đông dân và dù nền kinh tế phát triển nhưng rủi ro an ninh lương thực luôn bám theo quốc gia có gần 1,4 tỷ dân này.
Câu chuyện cải cách 30 năm
Cách đây hơn 30 năm, công cuộc cải cách kinh tế của Cựu Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói, định hình lại nền kinh tế và đưa Trung Quốc trở lại vị trí cường quốc trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã thuộc hàng nhanh nhất trong lịch sử sau thời kỳ này, nhưng thật trớ trêu là rất nhiều hộ gia đình nông thôn Trung Quốc lại vẫn đang chờ lợi ích từ sự cải cách này. Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy gần 50% dân số Trung Quốc vẫn sống ở các vùng nông thôn nhưng cách biệt giàu nghèo lại vô cùng lớn. Tổng tài sản tiết kiệm hàng năm của 20% người giàu nhất Trung Quốc lớn hơn nhiều lần tổng thu nhập hàng năm của 20% số người nghèo nhất.
Hậu quả là hơn 300 triệu người dân nông thôn đổ xô lên thành phố để kiếm việc làm và đổi đời, qua đó thay đổi thói quen ăn uống cũng như nhu cầu thực phẩm tại Trung Quốc. Thế hệ những lao động trẻ giờ đây quen ăn uống những thực phẩm của Phương Tây như thịt, hải sản, trứng sữa hơn là cơm với rau như trước đây.
Tuy nhiên, những hộ nông dân tại Trung Quốc lại chưa thể thay đổi thói quen canh tác nhằm đáp ứng nhu cầu mới.
Bất chấp sự gia tăng về nhu cầu thực phẩm, lượng đất nông nghiệp tại Trung Quốc là có hạn với bình quân hơn 80 km2 cho mỗi 100 người.
Với những yếu tố như vậy, chính quyền Bắc Kinh buộc phải tìm kiếm những nguồn lương thực nhập khẩu mới từ nước ngoài. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy xuất khẩu nông sản từ sang Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên 5 tỷ USD kể từ khi nước Châu Á này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Số liệu mới nhất vào năm 2013 cũng cho thấy Trung Quốc chiếm 26 tỷ USD doanh thu từ các sản phẩm xuất khẩu như lúa mạch, thịt, sữa hay những sản phẩm khác của Mỹ.
Mỹ là quốc gia xuất khẩu thực phẩm hàng đầu sang Trung Quốc nhưng những quốc gia khác cũng không kém cạnh. Các nước như Brazil, Australia, Thái Lan... cũng đang cạnh tranh với Mỹ trong mảng kinh doanh này trước nhu cầu lương thực đang ngày một cao của gần 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu đến 4% lúa gạo toàn cầu.
Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy kể từ năm 2005, lượng hàng hóa nguyên vật liệu, nông sản vào Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần và hiện nước này đã nhập khẩu tới 60% lượng hàng hóa xuất khẩu dạng này của toàn cầu.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ chiếm 40% lượng giao dịch ngô toàn thế giới và 70% giao dịch đậu nành, trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất toàn cầu 2 mặt hàng này.
Chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng Trung Quốc lại chỉ có 8% lượng đất canh tác trên tổng số toàn cầu. Hệ quả nước này chỉ đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng an ninh lương thực, đứng sau cả những quốc gia nhỏ như Botswana.
Ai sẽ nuôi Trung Quốc?
Trong cuốn “Who Will Feed China” của tác giả Lester Brown, việc Trung Quốc đang ngày càng đói ăn sẽ đe dọa đến an ninh lương thực không chỉ của quốc gia này mà là toàn thế giới. Trung Quốc chiếm 20% dân số toàn cầu và hiện trạng giá thực phẩm tăng cao ở nước này do nhu cầu đi lên sẽ đẩy giá lương thực toàn cầu tăng theo.
Việc Trung Quốc thiếu đất nông nghiệp và phải đi thu mua các trang trại chăn nuôi, nông nghiệp sẽ đẩy giá đất canh tác ngày càng đắt lên. Trong khi đó, nhu cầu nước của nước này cũng sẽ khiến các quốc gia láng giềng chịu khổ do Trung Quốc chiếm thượng nguồn của nhiều con sông lớn.
Tại nhiều nước phát triển, an ninh lương thực được đảm bảo cùng với sự phát triển kinh tế do năng suất nông nghiệp đáp ứng được tốc độ tăng trưởng dân số và nhu cầu nội địa. Tuy vậy, Trung Quốc lại là trường hợp đặc biệt khi quốc gia này đã đông dân từ trước khi bắt đầu công nghiệp hóa. Hệ quả là quá trình công nghiệp hóa lấy bớt đất canh tác khiến sản lượng nông nghiệp giảm dù năng suất vẫn đi lên.
Hiện nay trên thế giới chỉ có 3 nền kinh tế phát triển vướng vào khó khăn tương tự là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan khi mất tương ứng 52%, 46% và 42% đất canh tác trong vài thập niên qua. Việc mất đất canh tác vượt qua tốc độ tăng trưởng năng suất khiến sản lượng nông nghiệp đi xuống đã đe dọa đến an ninh lương thực của các nước này.
Từ mức đỉnh của năm 1960, sản lượng lúa gạo hiện nay của Nhật Bản đã giảm 32%. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của Hàn Quốc và Đài Loan cũng đã giảm 24% so với mức đỉnh năm 1977 và việc Trung Quốc lâm vào rủi ro mất an ninh lương thực được dự báo là sẽ không còn xa.
Tồi tệ hơn, việc 80% lúa gạo của quốc gia này trông tại các vùng đất cần nguồn nước đang bị đe dọa bởi an ninh nước sạch khi nhiều công trình công nghiệp của Trung Quốc sử dụng quá nhiều nước. Những con đập làm thủy điện, những nhà máy ô nhiễm nguồn nước... đang khiến không chỉ lúa gạo, thủy sản mà đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, dân số nước này ước tính đạt 1,5 tỷ người vào năm 2020 và dù đã giảm tốc độ tăng trưởng dân số từ 2,7% năm 1970 xuống 1,1% năm 1994 nhưng sự thay đổi trong nhu cầu thực phẩm khiến an ninh lương thực ngày càng nguy hiểm hơn.
Những sản phẩm như bánh mì, các loại thực phẩm từ Phương Tây, những đồ chế biến trở nên phổ biến hơn so với các loại thực phẩm tươi sống, món ăn thô do đời sống tăng cao. Trong khi đó, những món ăn chế biến sẽ đòi hỏi nhiều lương thực hơn so với các món ăn dân dã và chính sự thay đổi trong thói quen ăn uống này đã đẩy Trung Quốc dần vào con đường phụ thuộc thực phẩm nhập khẩu.
Tác giả Brown cho biết nếu mỗi người dân Trung Quốc uống nhiều thêm 2 cốc bia thì số lúa mạch cần cho lượng bia gia tăng thêm này tương ứng với sản lượng thu hoạch của toàn Na Uy. Tồi tệ hơn, hiện mỗi năm Trung Quốc có thêm khoảng 12 triệu người và con số này là áp lực không nhỏ với chính quyền Bắc Kinh trong việc nuôi sống người dân.
Giàu nhưng vẫn đói
Kể từ năm 1978 đến nay, Trung Quốc được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới, đưa nước này từ quốc gia đầy biến động đến nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Dẫu vậy, sự đói kém của nhiều vùng nông thôn cũng như mất cân bằng thu nhập khiến Trung Quốc vẫn chỉ là nước đang phát triển và thậm chí phải đối mặt với tình trạng đói ăn của hàng trăm triệu người dân.
Trong khi chính quyền Bắc Kinh đã gần như xóa bỏ tình trạng nghèo đói tại các vùng quê thì vẫn có khoảng gần 150 triệu người dân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già tại các vùng nông thôn phải chịu cảnh suy dinh dưỡng.
Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy chỉ có 1,6% số người dân nông thôn là có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo theo tiêu chuẩn của chính phủ nhưng thực tế thì rất nhiều người dân vùng quê chưa nhận được những lợi ích mà tăng trưởng nước này đem lại.
Báo cáo năm 2010 của Credit Suisse Global cho thấy thu nhập bình quân của mỗi người dân Trung Quốc đạt 17.126 USD/người, cao gấp đôi những nước tăng trưởng nhanh như Ấn Độ, nhưng số tài sản trung vị (Median Wealth) của nước này chỉ đạt 6.327 USD, qua đó cho thấy sự phân chia bất bình đẳng trong thu nhập.
Hiện nay, khoảng 1,3 tỷ người Trung Quốc đang sống tại các vùng nông thôn và có đến 70 triệu người có thu nhập dưới 1 USD/ngày.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã từng chịu cảnh đói ăn vào năm 1980 khi khoảng 300 triệu người, tương đương 30% tổng dân số bị suy dinh dưỡng hoặc thậm chí chết đói, một con số kỷ lục chỉ sau Ấn Độ, nhưng có lẽ chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này.
Mặc dù trẻ em tại các vùng quê có đủ lương thực để sinh tồn nhưng chất lượng dinh dưỡng lại ở mức đáng báo động. Nhiều báo cáo khoa học chỉ ra rằng 51% số trẻ em trong khoảng 8-12 tuổi tại các vùng quê Trung Quốc mắc bệnh thiếu máu (Anemia). Thậm chí, một số nghiên cứu còn ước tính khoảng 50% trẻ em của tất cả các vùng quê ở các độ tuổi đang mắc bệnh thiếu máu do suy dinh dưỡng.
Trong khi đó, số liệu của tờ Economist cho thấy 88 triệu trẻ em Trung Quốc trong độ tuổi 6-15 tại các vùng nông thôn chịu cảnh thiếu máu do thiếu sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết.
Báo cáo của Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) năm 2013 cho thấy 12,7 triệu trẻ em Trung Quốc đang bị chậm phát triển chiều cao so với độ tuổi thực do suy dinh dưỡng, con số này tương đương với dân số của thủ đô Tokyo- Nhật Bản.
Thống kê của tổ chức phi chính phủ REAP cho thấy phần lớn các bà mẹ Trung Quốc không biết cách chăm sóc con cái, thậm chí còn không rành bằng cách chăn nuôi lợn. Khi được khảo sát, khoảng 71% số người được hỏi đồng ý lợn cần các chất dinh dưỡng vi lượng (Micronutrient) như sắt, kẽm, canxi... trong khi chỉ có 20% người cho rằng trẻ em cần những chất này, một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Theo Băng Tâm
Thời Đại/CafeF