Mở cửa cho nhập cư được đánh giá là giải pháp cần thiết giúp duy trì tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế đang già hóa của Nhật.
Đổ 290 tỷ USD, liệu Trung Quốc có thể biến vũng lầy thành tân Thâm Quyến?
- Cập nhật : 15/04/2017
Bất chấp mùi hôi hám cùng vùng đầm lầy hoang vu, những người tìm kiếm cơ hội đổi đời vẫn đổ xô tới Xiongan, khu vực được chọn để xây dựng đặc khu kinh tế mới của Bắc Kinh.
Trên chuyến tàu đêm từ quê nhà Trùng Khánh, Xie Lanyou là một trong rất nhiều người đổ xô tới Xiongan cách đó 1.600 km. Vùng nông thôn hẻo lánh này chợt náo nhiệt lạ thường kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch biến nó trở thành đặc khu kinh tế mới của đất nước, với những trung tâm công nghệ, các công ty tiên tiến, trường đại học danh giá cùng cơ sở hạ tầng kinh doanh và vận tải đẳng cấp thế giới.
Xiongan, vùng đầm lầy với những bông hoa sen, thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc nhưng nằm gần Bắc Kinh và Thiên Tân, hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Nếu chính phủ quyết tâm đầu tư, Xiongan có thể trở thành Thâm Quyến thứ hai ở Trung Quốc, mở ra những cơ hội ngoài sức tưởng tượng cho các nhà đầu cơ.
Viễn cảnh đó bắt đầu gây những tác động đầu tiên tới bất động sản địa phương. Hôm 11/4, một chủ cửa hàng phát hiện mặt tiền có thể cho thuê ở quận Xiong, nằm cách Bắc Kinh 2 giờ lái xe về phía tây nam. Vài phút sau, anh ta rút ra một tập tiền mặt và trả cho chủ nhà khoản tiền 218 USD để thuê lại trước khi tiến tới cửa sổ, giật phăng tờ giấy thông báo cho thuê dán trên đó.
Nói về tầm nhìn của bản thân với tiền năng của khu vực, Xie Lanyou tin rằng: “Trong 5 năm tới, khu vực này sẽ trở thành trung tâm công nghệ cao. Nó sẽ trở thành động lực mới của nền kinh tế Trung Quốc. Nó nằm trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Để không bị đẩy khỏi tương lai xán lạn đó, Xie cho biết anh sẽ mở cửa hàng bán các món chiên xào đặc sản Trung Khánh. Người đàn ông 45 tuổi cũng không che giấu tham vọng thuê đám đất rộng 600 m vuông khác để mở nhà hàng và khách sạn trước khi kết hợp chúng lại thành một chuỗi. Nếu thuận lợi, Xie sẽ chuyển cả gia đình tới đây khi các trường học tốt được xây dựng.
Sự thay đổi ở Xiongan bắt đầu từ khi nhà chức trách Trung Quốc công bố kế hoạch táo bạo về một đặc khu kinh tế mới nhằm giảm thiểu sự ách tắc ở thủ đô Bắc Kinh cũng như thúc đẩy nền kinh tế hướng tới dịch vụ và các ngành công nghệ cao. Tân Hoa Xã gọi tham vọng của chính phủ là “chiến lược quan trọng trong thiên niên kỷ tới” trong khi Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley kỳ vọng chính phủ sẽ đầu tư khoảng 290 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khu vực này trong 15 năm đầu tiên.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng nhiều lần xây dựng các khu kinh tế để khuyến kích đầu tư và tăng trưởng. Thâm Quyến, đặc khu nằm ngay gần Hồng Kông, đã trở thành biểu tượng cho sự mở cửa của Trung Quốc. Đặc khu Pudong nằm ở thành phố Thượng Hải cũng đã trở thành Trung tâm Tài chính của đất nước.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra băn khoăn về nguy cơ dự án Xiongan sẽ làm gia tăng nợ công đang ngày càng phình rộng của Trung Quốc cũng như gây ảnh hưởng tới các mục tiêu mà chính phủ đặt ra về tăng trưởng kinh tế chậm nhưng bền vững và phân bổ vốn thông minh. Trong năm ngoái, tổng số nợ của Trung Quốc tương đương 258% sản lượng kinh tế, tăng từ 158% so với năm 2005.
David Dollar, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, Mỹ, nhấn mạnh: “Nỗ lực của chính phủ trong việc tạo ra các thành phố mới thường khá khó khăn. Thâm Quyến và Pudong là những khu vực kém phát triển, nằm ngay cạnh các thành phố lớn nên chúng là nơi khá tự nhiên để phát triển các đô thị mới. Với tôi, Xiongan rõ ràng không phải một nơi như thế”.
Đặc khu kinh tế Xiongan sẽ được hình thành từ 3 khu hành chính của tỉnh Hà Bắc. Đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu sẽ gồm 100 km vuông và mở rộng tới 200 km vào giai đoạn giữa và kết thúc với 2.000 km vuông, tương tự diện tích Thâm Quyến. Một số trường đại học ở Bắc Kinh và trụ sở của một số doanh nghiệp nhà nước sẽ được chuyển tới Xiongan. Nó cũng giúp tái cơ cấu bố trí đô thị Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ngay lập tức vui vẻ với tham vọng của Bắc Kinh. Trong ngắn hạn, nền kinh tế của Xiongan có thể sẽ chịu tác động khi chính quyền địa phương phải buộc các doanh nghiệp nhỏ dời đi để xây dựng mặt bằng phục vụ khu đô thị mới. Người nông dân cũng tỏ ra lo lắng bởi họ không biết sống bằng gì nếu đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án.
Yang Qiuhan, 52 tuổi, nông dân sống bằng nghề trồng rau ở làng Wangjiafang, nói: “Tôi chẳng biết làm gì khi không còn đất. Khi mới nghe tin, tôi rất vui mừng vì chúng tôi nằm giữa đặc khu mới. Tuy nhiên, có nhiều tin đồn khác quanh đó và tôi chẳng biết đường nào mà lần”.
Linh Anh
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg/CafeF