tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tại APEC

  • Cập nhật : 21/11/2015

(The gioi)

Bắc Kinh cho rằng FTAAP thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, còn Washington tin TPP sẽ mang lại thành quả lớn trong những thập kỷ tới

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung một lần nữa được nêu bật tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Manila - Philippines hôm 18-11 khi nhà lãnh đạo 2 nước ra sức quảng bá cho hiệp định mà mình ủng hộ.

Lôi kéo đồng minh

Lấy lý do kinh tế toàn cầu hồi phục chậm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 18-11 kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực ký kết hiệp định thương mại đang được Bắc Kinh hậu thuẫn, gọi là Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, ông Tập Cận Bình cho rằng FTAAP đóng vai trò quan trọng đối với sự hội nhập kinh tế khu vực.

“Với sự xuất hiện của một loạt thỏa thuận thương mại tự do khu vực, đã xuất hiện nỗi lo về nguy cơ phân mảnh. Vì thế, chúng ta nên đẩy nhanh hiện thực hóa FTAAP và đưa hội nhập kinh tế khu vực tiến lên phía trước. Chúng ta phải cam kết về một sự hợp tác có lợi cho tất cả các bên, phản đối chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy cạnh tranh công bằng” - nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi.

cac nha lanh dao apec tham gia cuoc doi thoai voi

Các nhà lãnh đạo APEC tham gia cuộc đối thoại với

các thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC hôm 18-11 Ảnh: REUTERS

Để trấn an dư luận, theo báo The Wall Street Journal, nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để xây dựng những thỏa thuận thương mại tự do “tiêu chuẩn cao”.

Nhân dịp này, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu bất chấp tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và những thách thức chưa từng có tiền lệ, như “môi trường phức tạp ở trong và ngoài nước” và “cơn đau tạm thời của những biện pháp cải cách sâu rộng”.

Lời kêu gọi trên có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cảm thấy sức ép gia tăng kể từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ ủng hộ đạt thỏa thuận vào đầu tháng 10. Trung Quốc đứng ngoài TPP nên đã đề xuất nghiên cứu thành lập FTAAP khi là nước chủ nhà APEC hồi năm 2014. Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang muốn biến FTAAP thành một đối trọng, nếu không muốn nói là đối thủ, của TPP.

Tăng cường hội nhập kinh tế

Không chịu thua kém, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ra sức thúc đẩy TPP bằng cách cùng lãnh đạo 11 nước thành viên còn lại (Việt Nam, Úc, Chile, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei) nhóm họp bên lề  APEC hôm 18-11.

Tin tưởng TPP sẽ mang lại nhiều thành quả lớn trong những thập kỷ tới, ông Obama cho biết: “Đây là thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao nhất và tiến bộ nhất từng được ký kết. Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về con đường phía trước để bảo đảm TPP được thực thi càng sớm càng tốt”.

Có quan điểm tương tự Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thúc giục tăng cường hội nhập kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương để giải quyết “những vấn đề cốt yếu nhất của khu vực”: năng lượng và an ninh lương thực. Theo ông Medvedev, Moscow sẵn sàng kết hợp những kế hoạch của mình về Liên minh Kinh tế Á - Âu với sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nga còn đề nghị các thành viên APEC ưu tiên chống khủng bố sau vụ rơi máy bay Nga tại Ai Cập và vụ tấn công liên hoàn ở Pháp. “Khủng bố đang là thách thức đối với cả thế giới văn minh, đòi hỏi một câu trả lời chung và hành động được phối hợp” - ông Medvedev kêu gọi tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Trong khi đó, bài diễn văn của ông Obama tại sự kiện này chủ yếu tập trung vào chống biến đổi khí hậu. Theo ông chủ Nhà Trắng, đã đến lúc các thành viên APEC nói chuyện về biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với những thế hệ tương lai, đồng thời vẫn còn cơ hội để các chính phủ và doanh nghiệp bắt tay đối phó.

“Nếu chúng ta muốn ngăn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu trước khi quá muộn, giờ là thời điểm hành động” - ông Obama nhấn mạnh, đồng thời bác bỏ suy nghĩ chống biến đổi khí hậu sẽ khiến kinh tế bị tổn thương.  

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục