Birkenfeld tin rằng thủ phạm xâm nhập vào công ty Mossack Fonseca có thể là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). “Tôi chắc rằng CIA đứng sau vụ này”, ông nói.
Mỹ có thể làm gì để duy trì an ninh ở Biển Đông?
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Để có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cần phải phối hợp hành động trên nhiều mặt trận khác nhau.
Tình hình không thể tồi tệ hơn ở Biển Đông sau việc Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm ở khu vực này. Hành động của Trung Quốc như thể để khẳng định điều mà châu Á lo ngại nhất: Mục tiêu của Mỹ trong việc đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” cũng như “đóng vai trò là một bên có trách nhiệm” ở châu Á- Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã bị bóp nghẹt.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc dường như không quan tâm đến căng thẳng mà họ đang tạo ra trong khu vực, phớt lờ cảnh báo của cộng đồng quốc tế, tiếp tục các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nghiên tuyên bố: “Việc triển khai của các cơ sở quốc phòng Trung Quốc trên lãnh thổ của mình là hợp lý và chính đáng. Không có gì phải giải thích với cái gọi là quân sự hóa”.
Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc mô tả là không phải quân sự hóa lại cho phép tên lửa của nước này có thể đánh chìm tàu chiến hải quân của các nước qua lại trong khu vực.
Trong bối cảnh ấy, động thái tiếp theo của Mỹ là gì? Có cách nào để ngăn chặn trước những hành động dường như không có giới hạn của Trung Quốc nhằm biến cả vùng Biển Đông rộng lớn thành “ao nhà” của họ?
Đầu tiên, Mỹ cần phải thừa nhận thất bại trong việc mong đợi Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và tôn trọng cam kết giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông. Thay vì chỉ ngồi đó và chờ đợi Trung Quốc làm điều họ nói, giờ đây, Washington cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh hòng thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Những nỗ lực của Mỹ để thực hiện mục tiêu này có thể phải bao gồm các biện pháp sau đây.
Đưa ra thông điệp rõ ràng
Chính quyền Mỹ cần phải có những thông điệp mạnh mẽ cho thấy rõ mục tiêu địa chính trị của Washington và dự định của họ ở châu Á.
Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ mà họ chia sẻ với các đối tác và đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương là duy trì nguyên trạng, đảm bảo hòa bình và thịnh vượng; không để một quốc gia đơn phương ép buộc các nước khác, cố áp đặt ý muốn của họ thông qua các biện pháp cưỡng chế, sử dụng hành vi thù địch để đạt được mục tiêu của riêng mình.
Những thông điệp tương tự cần phải được Mỹ nêu rõ ràng để cho thấy lập trường của Washington trong vấn đề Biển Đông.
Tăng cường luật pháp quốc tế
Mỹ nên làm việc với các đồng minh và đối tác trong khu vực để giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Điều này là cần thiết để đảm bảo họ có chung một tiếng nói, tạo sức mạnh tập thể để chống lại sự áp đặt của Trung Quốc.
Đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhưng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi Trung Quốc ngày càng làm chủ cuộc chơi trong khu vực.
Những hành động riêng lẻ như vụ kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines theo đuổi nếu có sự hưởng ứng của nhiều nước, hình thành một mặt trận thống nhất thì chắc chắn sẽ tăng thêm sức nặng của vụ kiện.
Trong trường hợp này, đương nhiên Mỹ sẽ không tham gia trực tiếp vào mặt trận đa phương kiện Trung Quốc mà sẽ cung cấp hỗ trợ quan trọng trên mặt trận truyền thông và ngoại giao, thúc giục Trung Quốc giải quyết các tranh chấp.
Một ý tưởng khác đó là các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông có thể lần lượt nộp đơn kiện Trung Quốc, nhưng cách này đương nhiên không thể cho hiệu quả tối đa bằng việc tất cả cùng nộp đơn một lúc. Điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải lo lắng, và đó chính là cơn ác mộng quan hệ công chúng mà Bắc Kinh không thể chỉ tổ chức một cuộc họp báo để dễ dàng che mắt tất cả.
Sức mạnh của truyền thông
Năm ngoái, một đoàn làm phim của CNN đã rất thành công khi chứng minh cho thế giới thấy được tốc độ Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng với các dự án bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Những gì được CNN công bố là bằng chứng không thể chối cãi về mối đe dọa tiềm tàng mà Bắc Kinh đã và đang tạo ra ở Biển Đông.
Vậy tại sao không tiếp tục sử dụng phương pháp này? Tại sao không cho thế giới biết về những động thái nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông? Ví dụ như khi Trung Quốc xây dựng một đường băng có thể được sử dụng để các máy bay trinh sát cất cánh ở Biển Đông. Nếu phía Mỹ ghi lại được, hình ảnh và video sẽ được tiết lộ cho các phương tiện truyền thông ngay lập tức.
Hoặc nếu như Trung Quốc điều máy bay và đưa tên lửa đến các đảo nhân tạo, thế giới nên được tận thấy những hình ảnh này càng sớm càng tốt. Nếu Chính phủ Mỹ đầu tư hơn cho việc này, chắc chắn hiệu quả đạt được sẽ là rất lớn.
Bên cạnh đó, nếu tàu Mỹ đang thực hiện quyền đi lại tự do ở Biển Đông mà bị tàu Trung Quốc đeo bám, quấy rối, các đoạn video chứng minh điều này có thể cho đăng tải lên mạng YouTube ngay lập tức.
Thậm chí nếu không bị quấy rối, Washington cũng cần cung cấp bằng chứng cho thấy thiện chí của mình qua các đoạn video hay ghi âm khi tàu Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, để cho thế giới thấy cách tiếp cận minh bạch, khác hoàn toàn với thái độ che giấu, lấp liếm của Trung Quốc.
Điều này có thể khiến Trung Quốc cảm thấy tự xấu hổ về hành động của mình. Đương nhiên, đây sẽ là chiến thắng của Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến thông tin, đặt Trung Quốc vào thế bị động, buộc họ phải đều đặn giải thích về hành động mà họ thực hiện.
Hỗ trợ các bên tranh chấp ở Biển Đông, trừ Trung Quốc
Washington có thể hỗ trợ các nước trong tranh chấp ở Biển Đông để phát triển hoặc mua vũ khí chống tàu tiên tiến. Chiến lược này đã được đồng minh của Mỹ là Nhật Bản thực hiện khi Tokyo bỏ ngỏ khả năng bán các hệ thống tên lửa cho Philippines, Indonesia nếu các nước này quan tâm.
Các loại vũ khí này dù chưa phải là loại tối tân nhất nhưng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đó là nhanh chóng phá hủy các căn cứ, hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đặt trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng cho các nước có liên quan sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn trong khu vực, khi đó, Trung Quốc sẽ không thể đóng vai “ông kẹ” muốn làm gì thì làm ở vùng biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giao thương hàng hải quốc tế.
Chiến lược “hòa bình xanh”
Để bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo và đặt ở đó những tiền đồn, Trung Quốc đã và đang phá hủy phần lớn các rạn san hô tự nhiên ở Biển Đông. Mỹ có thể cung cấp thông tin chi tiết cho các nhóm hoạt động về môi trường trên toàn thế giới.
Chắc chắn, các nhà hoạt động môi trường dành sự quan tâm đặc biệt đến những tác động to lớn đối với hệ sinh thái biển mà hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra. Tại sao không cho thế giới thấy sự nguy hiểm đối với môi trường từ nỗ lực đơn phương này?
Rất nhiều ý tưởng... nhưng Washington sẽ hành động?
Những điều trên chỉ là một ví dụ về những gì mà Mỹ có thể làm nhưng nó cũng cho thấy rõ rằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể xoay chuyển cục diện nhờ những chiến lược sáng tạo và tương đồng với Mỹ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là sức mạnh ý chí của Mỹ lớn đến đâu để thách thức các hành động mang tính ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông? Đây là điều mà cả châu Á, nếu không muốn nói là cả thế giới trông đợi./.
Theo VOV