Đông Nam Á đã nổi lên như một "thỏi nam châm" thu hút đầu tư nước ngoài vì các công ty muốn chuyển nhà xưởng cũng nhắm tới những thế mạnh của các nước ở Đông Nam Á.
An ninh hạt nhân: Vấn đề sống còn của thế giới
- Cập nhật : 11/04/2016
(Tin kinh te)
Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 4 vừa diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ), thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hai quốc gia có chương trình hạt nhân gây tranh cãi là Iran và CHDCND Triều Tiên đang ở tình cảnh hoàn toàn khác nhau.
Trong khi Iran đã được các cường quốc phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt, mở đường cho việc quay lại thị trường quốc tế thì CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiến dư luận thế giới lo ngại với các vụ phóng tên lửa trong thời gian qua.
An toàn trên hết
Với các chủ đề “Mối đe dọa đối với an ninh hạt nhân”; “Hành động của các quốc gia nhằm tăng cường an ninh hạt nhân”; “Các biện pháp thể chế và hành động quốc tế về tăng cường an ninh hạt nhân”, hội nghị trên hướng tới củng cố ý chí chính trị ở cấp cao và tăng cường phối hợp hành động giữa các quốc gia trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân và ngăn chặn khủng bố hạt nhân.
Hội nghị cũng thông qua Thông cáo của Hội nghị cấp cao và Kế hoạch hành động đối với năm tổ chức và sáng kiến quốc tế trên lĩnh vực này nhằm tránh trước những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh NSS tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi đó, quan chức đại diện 47 nước tham gia đã cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân bằng việc giảm sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao (HEU, có khả năng biến thành nhiên liệu cho bom nguyên tử), tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế.
Kể từ đó, các hội nghị đã mang lại nhiều thành quả, như hoàn toàn chấm dứt sử dụng HEU ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị phóng xạ, đồng thời vấn đề an ninh tại 32 cơ sở lưu giữ thứ nguyên liệu này đã được quan tâm nâng cấp.
Các nhà lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia tham gia hội nghị cũng trình bày tiến trình thực hiện các cam kết từ Hội nghị NSS tổ chức tại La Haye (Hà Lan) vào tháng 3/2014. Đồng thời, biến Hội nghị thượng đỉnh năm nay, diễn ra trong hai ngày 31/3-1/4/2016, thành diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.
Một điểm nhấn ở hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất, không chỉ với tăng cường an ninh hạt nhân (liên quan các loại bom nguyên tử và khinh khí), mà với cả bảo vệ các vật liệu phóng xạ cùng chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Điểm nhấn trên xuất phát từ những diễn biến mới đây trên Bán đảo Triều Tiên cùng nguy cơ nguyên liệu hạt nhân có thể rơi vào tay khủng bố, trở thành vũ khí để hủy diệt. Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên tuyên bố thử “thành công” một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, khiến dư luận quốc tế quan ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó là mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, sở hữu bom bẩn phóng xạ. Mặc dù IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Theo các nhà quan sát, các nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị thượng đỉnh NSS lần thứ tư này quả là rộng lớn, mới mẻ và nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của tất cả quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển chung cho một tương lai bền vững.
Tăng cường khai thác
Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên thế giới vẫn tiếp tục gây tranh cãi, nhiều người ủng hộ việc sản xuất năng lượng hạt nhân trong khi một số khác lại phản đối vì nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và sức khỏe con người.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện có hơn 400 lò phản ứng năng lượng hạt nhân thương mại đang hoạt động ở 31 nước, với công suất trên 370.000 MW. Bên cạnh đó, khoảng 70 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng.
Mỹ, Nga và Pháp được xem là các cường quốc điện hạt nhân nổi bật nhất. Mỹ đứng đầu với khoảng 104 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành với tổng công suất phát điện đạt 101.465 MW và năm lò đang xây dựng với tổng công suất dự kiến là 5.633 MW.
Vị trí thứ hai thuộc về Pháp với 58 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành sản xuất với tổng công suất phát điện đạt 63.130 MW và một lò đang xây dựng loại công suất lớn nhất hiện nay với công suất phát điện 1.600 MW. Tiếp theo là Nga với 38 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành với tổng công suất phát điện đạt 23.643 MW và 10 lò đang xây dựng với tổng công suất dự kiến là 8.382 MW.
Hiện có 16 nước phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để sản xuất ít nhất 1/4 sản lượng điện. 3/4 điện năng của Pháp được sản xuất từ năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, con số này của Bỉ, CH Czech, Hungary, Slovakia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Slovenia và Ukraina. Hàn Quốc, Bungari và Phần Lan là khoảng 1/3.
Trong lúc Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Liên bang Nga có gần 1/5 nguồn điện năng từ năng lượng hạt nhân. Nhật Bản từng dựa vào năng lượng hạt nhân (đáp ứng hơn 1/4 tổng sản lượng điện) và dự kiến sẽ quay trở lại mức đó. Trong số các nước không sở hữu nhà máy điện hạt nhân, Italy và Đan Mạch có khoảng 10% điện năng từ năng lượng hạt nhân.
Về tương lai, Chính phủ Trung Quốc dự kiến tăng công suất phát điện lên 58 GW. Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành 17 lò phản ứng hạt nhân mới trong giai đoạn 2002-2013, và khoảng 30 lò phản ứng hiện đang được xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng.
Trong khi mục tiêu của Ấn Độ là có 14,5 GW công suất điện hạt nhân lên lưới điện tới năm 2020 như một phần của chính sách năng lượng nước, thì Nga dự kiến tăng công suất năng lượng hạt nhân lên 30,5 GW tới năm 2020, sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ vào loại tốt nhất trên thế giới.
Quân Anh tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)