"Thị trường chứng khoán TQ là một vấn đề hết sức đặc thù; không giống sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã phát triển, mà đây là một mô hình phương Tây lai ghép trên điều kiện kinh tế TQ"
Minh chứng Ấn Độ sẽ soán ngôi đầu từ Trung Quốc
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Kinh tế Ấn Độ trong quí 2 tăng trưởng 7%, ngang với Trung Quốc, nghĩa là Ấn Độ đang lăm le soán ngôi vị của Trung Quốc về tăng trưởng.
Như vậy rất có thể Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện các lãnh đạo của Ấn Độ đang bắt đầu tính toán các cơ hội cho nền kinh tế nhỏ nhưng đang phát triển nhanh của nước này.
Một số vị lãnh đạo nhà nước cho rằng đây là “thời cơ lớn cho Ấn Độtỏa sáng, đặc biệt là sản xuất”, rằng nước này sẽ trở thành “động lực mới của kinh tế toàn cầu” khi Trung Quốc phát triển chậm lại, sẽ có các cơ hội lớn “tiếp quản” các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc...
Trên thực tế có nhiều cơ sở để đặt niềm tin cho việc kinh tế Ấn Độ sẽ bứt phá. Trước hết đây là quốc gia có thị trường nội địa lớn và nguồn lao động giá rẻ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang có nhiều cơ hội đón nhận đầu tư từ nước ngoài.
Đến cuối tháng 3, đã có gần 31 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là 9,5 tỉ đô la, tăng 31% so với năm trước.
Vào tháng này, nhà sản xuất iPhone Foxconn tuyên bố khoản đầu tư 5 tỉ đô vào Ấn Độ (trong khi mới đầu tuần này lại hủy dự án đầu tư vào Indonesia). Thông báo này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Sony Corp. đưa vào dây chuyền sản xuất ti vi “sản xuất tại Ấn Độ” đầu tiên, và General Motors hé lộ kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la cho nhà máy chính của họ tại đây.
Từ nhiều năm nay, tăng trưởng ở Ấn Độ là do nhu cầu trong nước, không phải do sản xuất hàng hóa xuất khẩu như Trung Quốc.
Hiện nay, tiêu dùng của Ấn Độ là một điểm sáng khi nhu cầu mọi nơi đều giảm sút. Điều này đang khiến chính quyền hy vọng thu hút sản xuất tăng cao ở Ấn Độ, và kéo theo sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp ở một đất nước 1,2 tỉ dân.
Thêm nữa kinh tế Ấn Độ cũng không phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, nghĩa là nhu cầu của Trung Quốc về tài nguyên khoáng sản cũng không ảnh hưởng gì mấy đến đất nước này. Cũng chẳng có nhiều công ty xuất khẩu sang nước thứ ba cạnh tranh trực tiếp với các công ty Trung Quốc để phải lo ngại về đồng nhân dân tệ yếu đi. Vì thế, Ấn Độ có nhiều lý do để lạc quan vào lúc này.
Trước đó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarde từng dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới ngay trong năm nay.
Cụ thể khi đến thăm Ấn Độ bà Christine Lagarde cho biết nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ tăng 7,5% trong năm tài chính 2015-2016 sắp tới (bắt đầu từ tháng Tư) và tăng so với mức 7,2% trong năm tài chính hiện tại.
Giám đốc IMF cũng nói thêm, với tốc độ này, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Cuối năm ngoái, IMF đã dự đoán về nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016, nhanh hơn so vưới mức dự báo 6,3% của Trung Quốc. Dự báo đã được thay đổi khi có thêm thông tin về tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ.
Vị nữ giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã mô tả Ấn Độ như một "điểm sáng" trong triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
"Các điều kiện đã chín muồi cho Ấn Độ gặt hái và trở thành một công cụ quan trọng với sự tăng trưởng toàn cầu", bà chia sẻ với các sinh viên trong một sự kiện được tổ chức tại trường đại học dành cho nữ giới tại New Dehil ngày 16/3.
"Ấn Độ đang trên đường bước sang một chương mới đầy hứa hẹn”.
Hiện số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy Ấn Độ đã giành lại danh hiệu quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới từ Trung Quốc trong năm 2014, mặc dù nhu cầu vàng tại quốc gia nay vẫn giảm so với năm trước.
Thêm nữa Ấn Độ sẽ vượt mặt Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022-sớm hơn 6 năm so với dự báo được đưa ra trước đó. Như vậy nơi này hứa hẹn nguồn lao động dồi dào và lượng tiêu thụ nội địa vững chắc.
Trong danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới mà trang Business Insider đưa ra dựa trên dự báo của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu đã nêu tên Ấn Độ trong số 13 nước được nhắc tới.
Theo Phương Nguyên (tổng hợp)
Đất Việt