tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dòng người tị nạn: Khủng hoảng hay cơ hội với lục địa già?

  • Cập nhật : 13/09/2015

(The gioi)

Nếu khéo léo giải quyết vấn đề, thì các nền kinh tế tiếp nhận người di cư có thể biến đây thành các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ.

Mảnh đất hứa cho người tị nạn

Theo nhận định của Jean-Christophe Dumont - Trưởng bộ phận di cư quốc tế và Stefano Scarpetta - Giám đốc về việc làm, lao động và các vấn đề xã hội tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), châu Âu hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn vào khu vực.

Tuy nhiên, châu lục này đủ sức để đối phó với vấn đề này. Ông Jean-Christophe Dumont cho rằng, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay là chưa từng có trong lịch sử của khu vực, với khoảng gần một triệu người nộp đơn xin tị nạn tại các nước châu Âu (chủ yếu là Đức) trong năm nay.

Quản lý được cuộc khủng hoảng này là công việc đặc biệt và hết sức phức tạp vì nhiều lý do. Sự đa dạng của các dòng chảy người tị nạn vào châu Âu - với số người đến Syria, Iraq và Eritrea chiếm gần 30% số đơn xin đăng ký tị nạn trong 5 tháng đầu năm 2015 - và số lượng vào các nước châu Âu rất khác nhau đang đặt ra những vấn đề mới cho khu vực.

dong nguoi ti nan o bien gioi giua serbia va hungary

Dòng người tị nạn ở biên giới giữa Serbia và Hungary

Cuộc khủng hoảng này nhiều khả năng còn kéo dài cho tới khi nào tình hình tại Syria và Libya hết hỗn loạn. Sự nhạy cảm của dư luận đối với các vấn đề di cư, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khu vực vừa cơ bản thoát khỏi một cuộc khủng hoảng lớn và vẫn  còn nhiều di chứng như tỷ lệ thất nghiệp cao đang ảnh hưởng đến các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp phối hợp và thống nhất trong khu vực cho vấn đề này.

Đây chính là một trong những lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay có thể làm suy yếu thêm, thậm chí làm mất ổn định tại các nền kinh tế trong châu lục.

Tuy nhiên, châu Âu đang có cả các phương tiện và kinh nghiệm để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Một số quốc gia gần đây đã được quản lý những cuộc di dân lớn mà không gây tổn hại cho sức mạnh kinh tế hay không gây rạn nứt gắn kết xã hội. Đơn cử, trong giai đoạn 1988-2005, Đức đã chào đón hơn ba triệu người di cư gốc Đức thiểu số từ các nước trở về.

Tại Tây Ban Nha, số lượng người nhập cư đã tăng gấp ba lần từ năm 2000 đến năm 2010. Hay tại Vương quốc Anh, số dân thuộc các nước EU nhập cư vào Anh cũng đã tăng hơn một triệu người kể từ năm 2004.

Tất nhiên, những minh chứng kể trên không liên quan đến những cuộc di cư lớn của người tị nạn như hiện nay. Tuy nhiên nó cho thấy một điều, nếu khéo léo giải quyết vấn đề, thì các nền kinh tế tiếp nhận người di cư có thể biến đây thành các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ.

Như một nghiên cứu của OECD đã chỉ ra, nếu hoạt động di cư được quản lý tốt sẽ đóng một vai trò tích cực trong nền kinh tế. Các bằng chứng ghi nhận được ở nhiều nước cho thấy, những người nhập cư có xu hướng trả nhiều tiền thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội hơn là các lợi ích mà họ nhận được.

Ví dụ tại châu Âu, người nhập cư đóng góp khoảng 65% trong tổng mức tăng của lực lượng lao động giai đoạn 2000 – 2010. Cũng trong thời kỳ này, trong khi người bản địa từ chối làm việc ở nhiều ngành nghề (với mức giảm lao động 28%) thì những người nhập cư mới đã đảm nhiệm các công việc đó và ghi nhận mức tăng 15%.

Cơ hội giải quyết vấn đề lao động

Một điểm đáng chú ý là, người di cư (bao gồm cả dòng người tị nạn vào châu Âu hiện nay) không chọn nước đến chỉ để được hưởng trợ cấp từ các hệ thống an sinh xã hội tốt, mà chủ yếu là họ muốn tìm việc làm và tránh những bất ổn ở nước mà họ đang sống. Nhìn ở góc độ đó, trong bối cảnh dân số khu vực đang ngày càng già hóa thì một nguồn cung lao động và có kỹ năng của dòng người di cư có thể là một tài sản quý.

Tất nhiên, việc tiếp nhận và làm sao hội nhập những người tị nạn vào xã hội của các nước châu Âu đang là những thách thức lớn không thể xem nhẹ. Và đây chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn, tốn kém trong ngắn hạn. Sự thiếu chuẩn bị về ngôn ngữ và kỹ năng, khả năng chứng minh năng lực của những người di cư để tìm kiếm được các việc làm phù hợp cũng là những vấn đề không dễ giải quyết.

Do đó, việc đầu tư đáng kể lúc đầu là rất cần thiết để giúp người di cư ổn định và phát triển các kỹ năng cho họ. Trong trung và dài hạn, khi những người tị nạn quyết định ở lại sẽ đóng góp cho thị trường lao động và nền kinh tế, giống như cách mà nhiều người nhập cư trước họ đã làm.

Vẫn biết việc đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay không thể và không nên chỉ bằng các biện minh về lý luận kinh tế. Tuy nhiên trong trung hạn, có một điều chắc chắn là, nếu nước Đức chào đón một số lượng lớn nhất của những người tị nạn, thì chính nền kinh tế này sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ quyết định này. Đức dự kiến sẽ nhận được số đơn xin tị nạn lên đến khoảng 800 nghìn người trong năm nay, gấp 4 lần so với năm ngoái.

Chính phủ Đức dự kiến sẽ chi thêm 6 tỷ Euro (6,7 tỷ USD) để hỗ trợ dòng người tị nạn kỷ lục trong năm nay. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ifo Institute, ước tính ngân sách của Đức sẽ thặng dư khoảng 7 - 9 tỷ Euro trong năm nay. Và nguồn thặng dư này nên dành cho việc giải quyết cho dòng người tị nạn trong năm nay mà không tạo nên gánh nặng ngân sách.

“Nếu Đức tiếp cận và giải quyết được vấn đề người tị nạn đúng cách thì chúng ta sẽ giải quyết được phần nào vấn đề nhân khẩu học trong thập kỷ tới” – kinh tế trưởng Holger Schmieding thuộc Ngân hàng Berenberg nhận định.

Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp và tình trạng dân số già. Việc có một nguồn lực lao động mới, như từ dòng người nhập cư hiện nay vì thế là rất cần thiết.

Hơn nữa, theo ông Schmieding, những người di cư là những người đã dám chấp nhận những rủi ro rất lớn để đến được các nước mà họ mong muốn. Do đó, họ thường có xu hướng sẵn sàng lao động và đây chính là cách để một nền kinh tế già hóa nhưng vẫn trở nên sôi động.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục