Đòi hỏi các quyền lợi trên biển theo luật pháp quốc tế nhưng lại lảng tránh các nghĩa vụ song hành, xây đảo nhân tạo và đòi vùng biển chủ quyền vốn không hề có là hai trong số những điều phi lý và nực cười của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nghịch chuyển trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung
- Cập nhật : 12/09/2015
(Tin kinh te)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm Mỹ trong tháng 9/2015, nhưng có vẻ vị thế của ông với người đồng cấp Barack Obama đã yếu hơn trước.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu khi thị trường Mỹ và nhiều nước Phương Tây ảm đạm. Tuy nhiên, tình hình có vẻ đã khác sau khi Trung Quốc có những biến động tài chính lớn gần đây cũng như những dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang giảm tốc.
Trước tình hình nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc ngày càng phải phụ thuộc vào người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp Mỹ. Theo hãng tin Bloomberg, với đà tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với mức suy giảm 1,4% của xuất khẩu toàn cầu. Ngược lại, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ kinh tế nước này. Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cần đảm bảo nhu cầu mua hàng Trung Quốc của những người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp Mỹ và rõ ràng Tổng thống Barack Obama đã có lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
Số liệu của Bloomberg cho thấy dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 7/2015 đạt 610 tỷ USD, trái ngược với mức 224 tỷ USD rót vào nước này của cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn chảy ra khỏi Trung Quốc lớn nhất kể từ năm 2007. Chuyên gia David Dollar của Viện Brookings nhân định dòng vốn chảy khỏi thị trường Trung Quốc chủ yếu sẽ được rót vào các dự án ngành sản xuất cũng như bất động sản tại nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Trước đây, những dòng vốn từ Mỹ đã góp phần khiến chứng khoán Trung Quốc bùng nổ. Khi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần bằng 0% còn lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) lại hấp dẫn hơn, các nhà đầu cơ Phố Wall đã đổ tiền đầu tư ngắn hạn vào thị trường Châu Á này. Mặc dù vậy, những bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc và khả năng FED nâng lãi suất đã khiến xu thế này đảo chiều nhanh chóng thời gian gần đây.
Một yếu tố nữa cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đang suy giảm là tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Tính đến tháng 6/2015, chính quyền Bắc Kinh nắm giữ 1,27 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ và vẫn là chủ nợ lớn nhất của chính quyền Washington. Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ của Trung Quốc trên tổng số nắm giữ của các nước đã giảm mạnh từ mức đỉnh 28,2% năm 2011 xuống 20,6% hiện nay.
Hơn nữa, tỷ lệ này còn có thể giảm tiếp khi Trung Quốc phải chi tiền bảo vệ tỷ giá Nhân dân tệ. Dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 8/2015 đã giảm kỷ lục 94 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức giảm 43 tỷ USD trong tháng 7/2015.
Chuyên gia Willem Buiter của CitiGroup nhận định kinh tế Trung Quốc thực tế chỉ tăng khoảng 4%, thấp hơn rất nhiều so với mức 7% theo tuyên bố của Bắc Kinh, trong khi kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh lên, đạt 3,7% trong quý II/2015.
Theo Hoàng Nam
NDH, Vinanet