tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Brazil và Olympic: Từ đỉnh cao xuống vực thẳm

  • Cập nhật : 10/08/2016

(Kinh te)

Năm 2010 - một năm sau khi được chọn đăng cai Olympic 2016, Brazil còn tăng trưởng 7,5%, nhưng tốc độ này năm ngoái lại là -3,8%.

Tháng 8 này, Olympic 2016 khai mạc tại Rio de Janeiro (Brazil) với những màn trình diễn được đánh giá rất ấn tượng, khiến người xem liên tưởng đến lịch sử lâu đời và nền văn hóa đa dạng của quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, Olympic năm nay vẫn là sự kiện đầy rẫy scandal, cả trước và trong khi nó diễn ra.

Một thành viên của đội tuyển bóng rổ Australia lên Twitter phàn nàn về việc giường quá bé, và phòng ốc trong làng Olympic còn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, đội bóng rổ Mỹ chọn ở trên du thuyền hạng sang còn hơn phải vào khu vận động viên. Một phóng viên thể thao thì bị mất trộm máy ảnh giá 40.000 USD. Và hàng loạt câu chuyện khác về cơ sở hạ tầng nguy hiểm, các dự án chưa hoàn thiện, ô nhiễm, tội phạm hay mối đe dọa từ virus Zika.

Dù Brazil đã có nhiều khoản chi mạnh tay, như đầu tư mới vào giao thông công cộng, rót thêm tiền vào giáo dục và phúc lợi xã hội tại các vùng nghèo khó, Rio de Janeiro vẫn có tỷ lệ thất nghiệp 14% và tỷ lệ tội phạm gần đây còn gia tăng. Tuy nhiên, những vấn đề họ gặp phải rất khó giải quyết. Vì thành phố này cũng chỉ là nạn nhân khi cả Brazil nói chung đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị trầm trọng nhất 8 thập kỷ qua.

lanh dao brazil vui mung khi gianh quyen dang cai olympic 2016. anh: ap

Lãnh đạo Brazil vui mừng khi giành quyền đăng cai Olympic 2016. Ảnh: AP

Thời kỳ bùng nổ kinh tế của Brazil đã qua rất lâu. Năm 2007, GDP nước này tăng 6,1%. Đến năm 2010, một năm sau khi được trao quyền đăng cai Thế vận hội 2016, quốc gia Nam Mỹ này còn có tốc độ tăng trưởng 7,5%.

Ngay sau khi Brazil được công bố là chủ nhà Olympic 2016, Tổng thống khi ấy - ông Ignacio Lula da Silva còn tuyên bố: "Giờ chúng ta sẽ cho cả thế giới thấy Brazil là đất nước tuyệt vời đến thế nào". Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của họ chỉ còn 5,9% - giảm mạnh so với 12,3% năm 2003.

Nhưng sự lạc quan chẳng kéo dài lâu. Từ năm 2012, triển vọng nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ bắt đầu trở nên ảm đạm.

Bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ vào chương trình xã hội, Brazil vẫn là nước có chênh lệch giàu nghèo cao nhì trong các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latin. Năm 2014, khi Brazil tổ chức World Cup, rất nhiều phóng viên quốc tế còn tập trung đưa tin về sự bất bình đẳng tại đây.

Không may cho Brazil là vấn đề này khó có thể giải quyết mà không đi kèm tăng trưởng kinh tế. GDP nước này đã giảm 3,8% năm ngoái. Sang năm nay, các vấn đề còn trầm trọng hơn nữa. Khi ngọn đuốc khai mạc được thắp lên tại Rio, rất nhiều người phản đối trên đường phố đã mang theo khẩu hiệu: "Tiền cho Olympic và không xu nào cho giáo dục".

brazil dang vat lon trong cuoc khung hoang toi te nhat 8 thap ky. anh: ibtimes

Brazil đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 8 thập kỷ. Ảnh: IBTimes

Nếu Mỹ Latin có một kỳ Olympic của các nền kinh tế bi đát, Brazil chắc sẽ giành được vài huy chương. Và nếu đúng như dự báo - GDP co lại gần 4% năm nay, Brazil sẽ giành huy chương bạc về tốc độ tăng trưởng âm, đồng thời giành huy chương đồng về lạm phát cao. Lạm phát tại đây hiện gấp đôi Mexico và chỉ sau Venezuela, Argentina.

Tổng thống mới đây nhất của họ - bà Dilma Rousseff đã bị đình chỉ chức vụ sau một scandal tham nhũng lớn. Tuy nhiên, người thay thế bà vẫn chưa đưa ra bất kỳ giải pháp lớn nào để giải quyết khủng hoảng chính trị và các vấn đề của doanh nghiệp hiện tại. Brazil xếp rất sâu trong khu vực về khả năng đấu tranh chống tham nhũng.

Dù vậy, thách thức của họ không chỉ nằm ở quản lý kinh tế vĩ mô. Những vấn đề lớn hơn nữa không nằm trên bề mặt và cũng chẳng dễ khắc phục.

Trong quá khứ, Brazil đã đi đường tắt để phát triển kinh tế. Giữa những năm 2000, Tổng thống  Lula da Silva đã khuyến khích tăng xuất khẩu khi giá hàng hóa đang ngày càng tăng. Brazil có tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ giá tài nguyên thiên nhiên tăng vọt.

Tuy nhiên, cơn sốt này chẳng kéo dài lâu. Khi Trung Quốc phát triển chậm lại, giá hàng hóa bắt đầu lao dốc. Kinh tế Brazil từ đó cũng đi xuống theo. Họ chẳng có mấy lựa chọn và ý tưởng cho hướng phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, dù chi tiêu công rất lớn, trong thời kỳ kinh tế còn thịnh vượng, giới chính trị gia Brazil đã không giải quyết mạnh tay các các vấn đề về cơ cấu, đồng thời tăng cường cải tổ. Trong khảo sát thường niên về mức độ dễ kinh doanh của World Bank (Doing Business Index), Brazil đứng thứ 116 toàn cầu. Theo WB, đây là một trong những nước khó kinh doanh nhất thế giới, do khó lấy giấy phép xây dựng và thủ tục trả thuế phức tạp. Trong bối cảnh toàn cầu tăng trưởng chậm như hiện tại, con đường hồi phục của Brazil sẽ còn rất xa xôi.

Hồi tháng 5, một nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s còn cho rằng Olympic sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng cho nước này, nhưng du lịch không thể kéo Brazil ra khỏi đợt suy thoái dài nhất từ thập niên 30. "Giải đấu chỉ kéo dài một tháng, và các hiệu ứng kích thích kinh tế chẳng là gì so với quy mô của Brazil", Barbara Mattos - nhà phân tích tín nhiệm cấp cao tại Moody’s cho biết. Trước đó, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức "rác" - dưới ngưỡng có thể đầu tư.

Jimena Blanco - một nhà phân tích khu vực Mỹ Latin tại Verisk Maplecroft nhận xét: "Chẳng có chính sách thần kỳ nào có thể giúp Brazil giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, và tăng trưởng trở lại năm 2016 đâu. Thay vào đó, phải có nhiều yếu tố thuận lợi cùng xảy ra, nền kinh tế này mới hồi phục năm 2017 và có khả năng tăng tốc năm 2018".

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục