tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

3 'tê giác xám' lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc

  • Cập nhật : 30/07/2017

Nợ nần, dòng vốn bị thoái và thiếu nền tảng quan trọng để bảo vệ các giao dịch tài chính đang là những rủi ro có thể làm trật bánh đà tăng trưởng của Trung Quốc nếu nước này không nhanh chóng xử lý.

mot cong trinh xay dung o bac kinh (trung quoc) anh: reuters

Một công trình xây dựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ẢNH: REUTERS

Mặc dù báo cáo tăng trưởng của Trung Quốc ở quý 2/2017 “mạnh hơn so với dự đoán”, nhưng các chuyên gia kinh tế và cả giới chức Bắc Kinh đều đưa ra báo động cao với những “tê giác xám”, một thuật ngữ dùng để mô tả các rủi ro kinh tế có thể nhìn thấy được nhưng thường bị bỏ qua.

Dưới đây là ba “tê giác xám” lớn nhất mà Đại lục đang phải “canh chừng”, theo tổng hợp từ South China Morning Post.

Núi nợ

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã dùng tín dụng rẻ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lạm dụng tín dụng cũng có cái giá của nó khi tổng nợ của cả nước đã tăng từ 156% GDP trong năm 2008 lên 268% GDP vào năm ngoái. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, con số này cao gấp hai lần mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.

Hầu hết những khoản nợ này đều do các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương sử dụng vào các dự án không có khả năng tạo ra đủ lợi nhuận để trả nợ. Tập đoàn tài chính JPMorgan ước tính, khoảng 60% tín dụng mới được phát hành trong năm 2017 sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ cũ.

Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch, trước năm 2008, cứ 1 USD đầu tư sẽ tạo ra khoảng 80 cent cho GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng giờ đây tỷ lệ này đã giảm xuống đáng kể, 1 USD cho các khoản vay mới chỉ còn tạo ra khoảng 25 cent cho GDP của Trung Quốc.

Mặc dù khủng hoảng nợ toàn cầu có thể chưa phải là mối đe dọa có thể bùng nổ ngay lập tức ở Đại lục, nhưng gánh nặng nợ nần hoàn toàn có thể làm chậm đà tăng trưởng bền vững. “Bắc Kinh vẫn không nhận ra rằng họ phải nhanh chóng tạo ra một sự cân bằng. Mọi nỗ lực thu hồi nợ càng kéo dài sẽ càng làm sâu thêm sự đau đớn cả về kinh tế và tài chính”, Chirstopher Balding, Giáo sư tại Trường Kinh tế HSBC thuộc Đại học Peking, nói.

Nguồn cung tiền mặt khô cạn

Ngày nay nhiều người đang cố gắng lấy tiền ra khỏi Trung Quốc hơn là đầu tư tiền vào nước này. Mặc dù nhà nước đã tăng cường kiểm soát khắt khe dòng vốn chảy ra, nguyên nhân chính đang khiến nguồn cung tiền của Đại lục khô cạn, và các nhà quản lý tài chính đã bắt đầu thu hẹp các khoản vay cũng như vay mượn liên ngân hàng, nhưng dự trữ ngoại tệ của quốc gia châu Á vẫn sẽ không thể mở rộng đáng kể trong tương lai.

Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết việc hạn chế tiếp cận nguồn tài chính có thể gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ tương tự như vụ sụp đổ của công ty tài chính Lehman Brothers của Mỹ trong năm 2008. “Chính những quy định vốn được đưa ra để khắc phục tình hình lại có thể tự nó gây ra những vấn đề rắc rối mới”, Juilian Evans-Pritchard nhận định.

Thiếu sự độc lập tư pháp

Một rủi ro còn lớn hơn cả nợ nần và tình trạng ''chảy máu'' dòng vốn ở Trung Quốc là sự thiếu độc lập tư pháp, một nền tảng quan trọng để bảo vệ các giao dịch tài chính. “Trong một xã hội được điều hành bởi luật pháp, các quy định hỗ trợ và một tòa án độc lập là trọng tâm cho việc thi hành pháp luật. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, từ “quy định” lại đang bị lạm dụng. Bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của chính phủ trên thị trường đều được gọi là “quy định”. Khi chính phủ muốn mọi người trên thị trường phải tuân theo họ thì cũng là lúc các rủi ro lớn đang được tạo ra”, Xu Chenggang, Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Kinh tế Cheung Kong, nói.

Sự vắng mặt của một hệ thống tư pháp độc lập hoạt động dựa theo những biến đổi khách quan của thị trường cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất cân bằng mà trong đó sự kiện thị trường chứng khoán Đại lục lao đao vào năm 2015 là một ví dụ điển hình.


Phương Anh
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục