Việc tăng tốc sử dụng robot có thể trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập, ảnh hướng đến sức tiêu dùng trong nền kinh tế.
Nguy cơ 'chiến tranh kinh tế' Mỹ - Trung vì vấn đề Triều Tiên
- Cập nhật : 11/08/2017
Mỹ có thể áp đặt trừng phạt về kinh tế với Trung Quốc vì họ chưa làm đủ để kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên.
Căng thẳng Mỹ - Triều đang gia tăng với những màn đấu khẩu dữ dội và lời đe dọa tấn công từ cả hai phía. Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn về Bắc Kinh, cho rằng họ cần gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
"Tôi cho rằng họ có thể làm nhiều, tôi nghĩ rằng họ sẽ phải làm nhiều hơn. Chúng ta mất hàng trăm tỷ USD mỗi năm trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Họ biết tôi cảm thấy như thế nào. Tôi sẽ không để tình hình tiếp tục như vậy nữa", Trump nói với các phóng viên.
Giao thương Trung - Triều vẫn nhộn nhịp
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/8 áp dụng gói trừng phạt mới, nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên gồm than, quặng sắt, quặng chì và hải sản. Lệnh trừng phạt cũng cấm các nước thuê lao động Triều Tiên, cấm lập công ty liên doanh với Triều Tiên và cấm đầu tư thêm vào các công ty liên doanh với Triều Tiên hiện hành.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thường không đem lại nhiều hiệu quả vì Triều Tiên tìm ra được những "cách tinh vi để luồn lách", một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 2 viết, đồng thời cáo buộc: "Dù bị trừng phạt, các tổ chức và ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động bằng cách sử dụng những người đại diện tinh thông việc chuyển tiền, người, hàng hóa và vũ khí Triều Tiên ra nước ngoài".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. 85% hoạt động thương mại trong năm 2015 của Bình Nhưỡng là với Bắc Kinh, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Triều Tiên, xuất khẩu của Trung Quốc sang nước đồng minh láng giềng vẫn tăng gần 30% trong nửa đầu năm nay, theo số liệu từ Tổng Cục hải quan Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, dòng chảy thương mại qua biên giới Trung - Triều tăng 10% lên 2,65 tỷ USD.
Đó là lý do tại sao những người chỉ trích các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho rằng chúng không hiệu quả trong việc cắt dòng tiền và hàng hóa đến Bình Nhưỡng, cây bút John W. Schoen của CNBC nhận xét.
Trừng phạt gián tiếp
Một số người kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt gián tiếp, tức là cắt dòng chảy tài chính và thương mại đối với bất cứ nước nào làm ăn với Triều Tiên.
"Chúng ta cần phải nói với Trung Quốc: 'Các anh chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là làm ăn với Triều Tiên hoặc là làm ăn với Mỹ, chứ các anh không thể có cả hai", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen nói.
Tháng trước, Van Hollen cùng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey giới thiệu một dự luật áp đặt biện pháp trừng phạt gián tiếp nhắm vào các bên thứ ba và các nước làm ăn với các công ty và công dân Triều Tiên.
Theo cây bút John W. Schoen, các biện pháp trừng phạt gián tiếp sẽ là vũ khí tài chính mạnh mẽ vì nó cho phép chính phủ Mỹ cấm các ngân hàng nước ngoài tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Nguy cơ Trung Quốc trả đũa
Cuối tháng 6, Nhà Trắng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt gián tiếp ở mức độ hạn chế đối với hai công dân và một công ty vận tải biển Trung Quốc, vì cho rằng họ đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng cũng cáo buộc Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc rửa tiền giúp Bình Nhưỡng, theo Reuters.
David Cohen, cựu quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương (CIA) dưới thời Barack Obama, cho rằng ngoài việc chặn nguồn tiền và nhu yếu phẩm đến Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt gián tiếp cũng bóp nghẹt dòng chảy tiền đến các cá nhân Triều Tiên, gây sức ép cho các đồng minh chính trị của Kim Jong-un.
"Các biện pháp trừng phạt gián tiếp sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng thòng lọng tài chính đang thắt chặt. Ông ấy có thể làm mất lòng tầng lớp thượng lưu Bình Nhưỡng - những người giữ vai trò quan trọng giúp ông tiếp tục nắm giữ quyền lực", Cohen viết.
Tuy nhiên, Schoen cho rằng các biện pháp trừng phạt gián tiếp nhằm vào các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ đi kèm theo rủi ro là đòn trả đũa kinh tế từ Bắc Kinh và dẫn đến nguy cơ chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung.
Để giảm thiểu rủi ro đó, Nhà Trắng cần phải xây dựng một liên minh rộng lớn hơn ở châu Á, Nicholas Burns, cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói.
Nhưng việc xây dựng một liên minh như vậy sẽ là nhiệm vụ khó khăn vì chính quyền Trump còn chưa bổ nhiệm xong hàng chục chức danh ngoại giao quan trọng. Nhà Trắng mới sắp xếp được dưới 50% số chức danh ở Bộ Ngoại giao cần thượng viện phê chuẩn.
"Đây thực sự là giai đoạn cần vận động ngoại giao. Vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đang bỏ trống, họ cũng đang không có trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á. Do vậy, việc cần làm là bổ nhiệm xong hàng ngũ nhân sự", Burns đánh giá.
Hồng Vân
Theo Vnexpress