Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và Mỹ chọn cách "lo thân mình trước" (America first), liệu có thể nói Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ dẫn dắt thế giới?
Mỹ bị chê thiển cận vì trừng phạt Nga
- Cập nhật : 26/08/2017
Tại sao Washington không tận dụng lợi thế quyền lực mềm này mà lại chỉ khăng khăng theo đuổi mục tiêu làm bẽ mặt Nga?
Không chào đón người Nga
Tờ Foreign Policy cho rằng việc Đại sứ quán Mỹ tại Nga tuần qua tuyên bố sẽ ngừng tất cả các hoạt động xin cấp thị thực không di dân trên toàn bộ nước Nga từ ngày 23/8 đến hết tháng 8 là đòn trả đũa trước quyết định áp mức trần về nhân sự ngoại giao Mỹ tại Nga mà Điện Kremlin đưa ra. Tờ này dẫn ý kiến chuyên gia nhận định đây thực sự là một bước đi sai lầm, phản ánh những suy nghĩ thiển cận và phản tác dụng của chính sách đối phó với Nga mà Mỹ duy trì từ suốt đầu cuộc "Chiến tranh Lạnh 2.0".
Một nhà phân tích tên Mark Galeotti của Viện Quan hệ quốc tế Praha được dẫn lời nhấn mạnh: “Nói một cách rõ ràng, Kremlin sẽ được lợi khi người Nga gặp khó khăn khi tới Mỹ, và Mỹ sẽ chỉ có lợi nếu hai bên duy trì một mối quan hệ rộng mở”.
Bằng việc đưa ra tuyên bố về vấn đề thị thực một cách công khai và phô trương, với mục đích là làm bẽ mặt Moscow, thực chất Washington đã giúp Kremlin chiến thắng về mặt tuyên truyền.
Hạn chế mới về vấn đề thị thực sẽ làm nảy sinh những rắc rối song mọi chuyện không đến nỗi quá mức nghiêm trọng. Ba lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg, Yekaterinburg và Vladivostok sẽ không còn cấp thị thực, song các cuộc phỏng vấn vẫn diễn ra ở Moscow sau một thời gian gián đoạn.
Thời gian bị kéo dài là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, truyền thông Nga hoàn toàn phớt lờ thông tin này. Thay vào đó, tuyên bố từ phía giới chức Mỹ nhanh chóng khiến người Nga bất bình khi họ hiểu đây là một thông điệp nói rằng Mỹ không thích người Nga và không muốn họ đặt chân tới đất Mỹ.
Thậm chí, một cuộc biểu tình còn diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ vào ngày 22/8, nơi những người biểu tình đã sơn một chiếc xe hơi với ba màu tượng trưng cho lá cờ Nga và dòng chữ “chúng tôi khinh thường các đòn trừng phạt”.
Ngoài khía cạnh tuyên truyền, việc gia tăng hạn chế với những người Nga muốn đến Mỹ là một sai lầm bởi khi làm vậy, Mỹ đang tự nguyện từ bỏ một trong những công cụ hiệu quả nhất để có thể hóa giải sự bế tắc trong quan hệ với Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc hạn chế thị thực là một “nỗ lực nhằm kích động sự bất mãn của các công dân Nga về những hành động của giới chức Nga”. Mục đích trong phát biểu của ông Lavrov là nhấn mạnh rằng hành động của Mỹ thực chất là để tấn công nước Nga, song cũng với bình luận này, ông khẳng định người Nga rất thích đến Mỹ.
Thực tế là cho dù hai nước có những mâu thuẫn về địa chính trị, và mối quan hệ giữa giới lãnh đạo khá căng hẳng, người Nga rất thích tới xứ cờ hoa. Số lượng người Nga tới Mỹ trong năm 2014 đã tăng lên 343.000 lượt người, và sau khi cuộc khủng hoảng bùng phát, năm ngoái con số này giảm xuống còn 253.000 lượt người.
Tuy nhiên, sự sụt giảm số lượng du khách Nga tới Mỹ thực chất là do khó khăn về kinh tế và sụt giảm thu nhập ở trong nước chứ không phải là do tác động từ vấn đề chính trị. Nhiều người Nga có cái nhìn thiện cảm với người Mỹ, dù rằng họ vẫn xem Mỹ là đối thủ địa chính trị của Nga. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew gần đây, người Nga có đánh giá về người Mỹ tích cực hơn nhiều so với người dân từ Hà Lan, Tây Ban Nha hay Đức.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Washington không tận dụng lợi thế quyền lực mềm này, mà lại chỉ khăng khăng nhằm một mục đích, nếu đúng như ông Lavrov nói, là tìm mọi cách để làm suy yếu chế độ Nga.
Theo Foreign Policy, càng nhiều người Nga tới Mỹ, họ càng ít bị chi phối bởi chiến dịch tuyên truyền của Nga. Việc người Nga tiếp cận gần hơn với các giá trị Mỹ không đồng nghĩa với việc họ thừa nhận hay đi theo các giá trị ấy, mà sẽ chỉ giúp họ có cái nhìn khách quan hơn về những gì mà họ thường thấy và thường nghe qua truyền thông trong nước.
Theo Hiệp hội Du lịch Nga, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của lệnh hạn chế thị thực mà Mỹ ban hành không phải là những người giàu, cũng không phải là những người đi du lịch theo các công ty lữ hành, mà chính là những cá nhân háo hức muốn tới Mỹ để thăm quan, để tìm kiếm cơ hội học hành và làm việc.
Một nhóm công dân Syria đến trước cổng Đại sứ quán Nga ở Washington để bày tỏ ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria
Ví dụ, các sinh viên Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tham gia các khóa học cố định về thời gian, bởi sự chậm trễ và trở ngại hơn nữa trong khâu xét thị thực, thậm chí đã tồn tại từ trước lệnh cấm này.
Theo chuyên gia Galeotti, các sinh viên Nga là những người rất yêu nước, và ngay cả khi vào làm việc trong các doanh nghiệp hay tổ chức nước ngoài, họ vẫn mạnh mẽ bảo vệ các quan điểm của chính phủ mình. Tuy nhiên, họ cũng là những người hiểu rõ khác biệt giữa những gì mà truyền thông chính thức đăng tải với thực tế xung quanh.
Theo ông, điều mà họ có thể làm là đem những tư tưởng rộng mở và thực tế ấy lan truyền cho những người khác. Và điều mà Mỹ cần làm là khuyến khích ngày càng nhiều những người như vậy tới Mỹ, học tập và làm ăn với phương Tây.
Ông Galeotti cho rằng Mỹ phải nhìn vào thực tế là những người Nga mà họ cần lo ngại như những ông trùm, những điệp viên, hay những tội phạm vẫn có thể tìm cách vào Mỹ cho dù lệnh cấm có như thế nào. Trong khi đó, những người còn lại là những người cần được Washington chào đón. Tuy nhiên, Chính quyền Trump lại đang làm điều hoàn toàn ngược lại với quyết định vừa qua.
Thành Minh
Theo Báo Đất Việt