Cũng giống như các quốc gia châu Âu khác, nước Anh đang trải thảm đỏ đón du khách Trung Quốc...
Báo Mỹ: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đẩy EU đến suy thoái
- Cập nhật : 18/05/2017
Sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã đưa ra các cam kết sẽ thúc đẩy liên kết sâu rộng hơn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tham vọng này của tân Tổng thống Pháp có thể là nguyên nhân đẩy EU đến bờ vực suy thoái.
Chiến thắng của Chủ tịch phong trào “Tiến lên phía trước” Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua là tín hiệu tích cực đối với Liên minh châu Âu EU (nếu bà Marine Le Pen chiến thắng thì đó là thảm họa với EU). Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Emitai Etsioni của tờ The National Interest (NI), không thể khẳng định rằng hiện EU đã vượt qua giai đoạn khó khăn và nguy hiểm. Ông Macron với suy tính của một nhân viên ngân hàng sẽ đẩy EU đến bờ vực suy thoái.
Sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã kêu gọi tập trung nhiều quyền hạn hơn cho Ủy ban châu Âu. Ông Macron đưa ra lời kêu gọi này bất chấp việc một trong các nguyên nhân chính khiến Anh quyết định rời EU (Brexit) chính là do không bằng lòng với việc EU “vi phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên”.
Theo tác giả bài viết, sẽ khó có thể hy vọng rằng các công dân của Ba Lan, Hy Lạp, Phần Lan, Hungary sau một đêm ngủ dậy sẽ trở thành những người anh em của nhau trong một quốc gia “Hợp chủng quốc châu Âu”. Các hoạt động của EU hiện được vận hành không tồi khi giới lãnh đạo EU thực hiện chính sách mở cửa biên giới cho các hoạt động thương mại giữa các quốc gia thành viên và đem lại lợi ích cho tất cả, cho dù lợi ích này không cân bằng nhau.
Tuy nhiên, khi Brussels áp dụng chính sách sử dụng đồng tiền chung châu Âu, EU sẽ tác động lên chính sách tiền tệ, ngân sách của tất cả các quốc gia thành viên. Việc mở cửa biên giới cho các nguồn lực lao động tự do luân chuyển, cũng như tiếp nhận một số lượng lớn lao động nhập cư sẽ khiến EU can thiệp vào tính đặc trưng của từng quốc gia và các giá trị cụ thể của các quốc gia thành viên.
Như vậy, hiện EU đang đứng trước “ngã ba đường”. Một mặt, EU phải cố gắng nâng cao mức độ liên kết về kinh tế và hành chính. Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi hình thành liên minh ngân hàng để tiến tới thành lập “ngân sách liên minh” của EU. Khi đó, tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ phải tuân theo các tiêu chí hình thành ngân sách này.
Mặt khác, EU lại đang duy trì liên kết chính trị ở mức độ thấp. Trong khi đó, nếu để các quốc gia thành viên có thể chấp nhận tổn thất nào đó, chấp nhận thay đổi chính sách của mình thì EU cần phải có mức độ hội nhập chính trị sâu rộng hơn hiện nay rất nhiều.
Nói cách khác, cơ cấu hiện nay của EU không theo kịp các mức độ liên kết kinh tế và hành chính. Do đó, EU sẽ buộc phải hoặc là tiếp tục tiến lên phía trước và thực hiện chính sách liên kết về chính trị tích cực hơn, hoặc là thực hiện bước lùi khi giảm bớt mức độ liên kết trong lĩnh vực kinh tế và hành chính.
Tác giả nhận định, thật đáng tiếc là hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy EU sẽ không thể tăng cường thêm các mức độ liên kết của mình. Hiện các quốc gia thành viên EU đang tăng cường mức độ kiểm soát biên giới, “ngoảnh mặt” trước những lời kêu gọi cải tổ của EU.
Các cuộc thăm dò dư luận xã hội ở châu Âu cũng cho thấy ngày càng nhiều người dân châu Âu nghiêng về xu hướng giảm bớt các quá trình liên kết trong châu Âu. Trong bối cảnh này, những suy nghĩ của một cựu nhân viên ngân hàng như Tổng thống Pháp Macron hoàn toàn đi ngược với mong muốn của nhiều người dân EU.
Tác giả đi đến kết luận rằng EU có thể vui mừng vì chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vì chiến thắng này đã cứu nước Pháp và châu Âu “khỏi bàn tay của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen”; EU cũng có thể khâm phục ông Macron vì cưới người vợ hơn mình rất nhiều tuổi. Tuy nhiên, ông Macron sẽ chỉ có thể thực hiện một trong các lời cam kết tranh cử của mình chứ không thể là người “cứu rỗi châu Âu” vì chính Emmanuel Macron là người đẩy EU “đến bờ vực suy thoái”.
Đức Dũng (Lược dịch)
Theo InfoNet.vn