Khi cường quốc kinh tế số một thế giới quay lưng với Nam Mỹ, Trung Quốc đang đặt cược rất lớn vào khu vực này với hàng tỉ USD tiền đầu tư, cho vay trong năm 2015.
Trung Quốc thiết kế lại luật chơi thương mại
- Cập nhật : 16/05/2017
Tham vọng trở thành lãnh đạo châu Á của Trung Quốc đang dần trở thành hiện thực với việc thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã kêu gọi các tổ chức lớn tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà nước này khởi xướng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ để hợp tác phát triển nền kinh tế toàn cầu.
Tham vọng nền kinh tế mở
Hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” do TQ tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo 29 quốc gia và hàng trăm quan chức trên thế giới vừa bế mạc vào ngày 15-5. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn dự thảo thông cáo chung từ hội nghị cho hay các quốc gia tham dự đã thống nhất sẽ cải thiện hợp tác để thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại và đầu tư, cũng như hợp tác xây dựng một hệ thống tài chính bền vững và ổn định.
“TQ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với tất cả các nước. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ không xuất khẩu hệ thống xã hội và mô hình phát triển, thậm chí sẽ không áp đặt quan điểm của mình với nước khác. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tạo ra một hình mẫu mới của sự hợp tác và các bên cùng có lợi” - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị hôm 14-5.
Ông Tập cho rằng thế giới cần phải tạo ra các điều kiện để thúc đẩy sự phát triển mở và khuyến khích xây dựng những hệ thống “thương mại toàn cầu minh bạch, hợp lý, công bằng và các quy tắc đầu tư”. Chủ tịch TQ cũng cam kết chi khoản ngân sách 124 tỉ USD cho dự án “Con đường tơ lụa” mới nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hòa bình.
Bộ trưởng Tài chính TQ Chung Sơn cho biết trong vòng năm năm tới nước này dự định sẽ nhập khẩu từ những quốc gia tham gia vào sáng kiến với tổng giá trị sản phẩm gần 2.000 tỉ USD. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, chính quyền TQ cũng đã ký kết hàng chục thỏa thuận thương mại và bắt đầu các cuộc đàm phán tự do thương mại với nhiều quốc gia.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ chào đón tất cả quốc gia khắp thế giới. Ảnh: REUTERS
Thiết kế luật chơi tại châu Á
Theo hãng tin Reuters, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được xem là giải pháp mà TQ đưa ra cho các quốc gia châu Á thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay đã không còn sự tham gia của Mỹ. TQ cũng tuyên bố sáng kiến của mình sẽ mở cửa với tất cả quốc gia trên thế giới.
Tờ Foreign Policy nhận định Washington đang dần đánh mất vai trò thiết kế luật chơi thương mại khu vực châu Á về tay của Bắc Kinh, nhất là sau khi tỉ phú Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ với cam kết “nước Mỹ là trên hết”. Chính quyền của ông Trump chỉ tăng cường các khoản ngân sách cho lĩnh vực quân sự, mua thêm vũ khí và nâng cao năng lực quốc phòng của các đồng minh ở châu Á. Trong khi đó, với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa, TQ đang mạnh mẽ khẳng định vị thế dẫn đầu về thương mại và đầu tư trong khu vực.
Vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án này, song tờ Foreign Policy cho rằng dự án sẽ giúp cho TQ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đối với khu vực châu Á với tư cách là một quốc gia lãnh đạo. Ngoài sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Bắc Kinh năm 2015 cũng đã đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và chi số vốn đầu tư ban đầu gần 50 tỉ USD. Tổ chức này từ khi thành lập đã phát triển nhanh chóng với việc chào đón 13 quốc gia mới hồi tháng 3, nâng tổng số thành viên lên đến con số 70. Những sáng kiến này của TQ không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của khu vực, mà còn tạo ra dự báo về tương lai của một trật tự kinh tế ở châu Á do TQ dẫn đầu, theo tờ Foreign Policy.
Trong một bài viết cho tờ Asia Nikki Review, bà Yves Tiberghien, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại ĐH British Columbia, nhận định: Nếu như TQ thành công trong việc khắc phục một số trở ngại đáng kể hiện nay, những sáng kiến của nước này sẽ có thể mang lại những kết quả quan trọng và gây ảnh hưởng sâu rộng đến xu thế toàn cầu.
Hong Kong, London tranh nhau làm “đầu tàu”
Giới chức của Hong Kong và London hiện đang chạy đua để trở thành trung tâm tài chính cho chiến lược thương mại toàn cầu của TQ.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định Hong Kong “vừa là trung tâm tài chính quốc tế của TQ, vừa là trung tâm tài chính của TQ trên trường quốc tế”. Theo ông, Hong Kong là “thị trường ưa thích” của các luồng vốn đầu tư từ đại lục. Ông Lương còn cho biết Cơ quan Tiền tệ Hong Kong năm 2016 đã thành lập một văn phòng đặc biệt để hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư vào dự án “Một vành đai, một con đường”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 14-5 cũng tuyên bố nước này có đủ năng lực và những yếu tố cần thiết để giữ vị thế trung tâm tài chính trong sáng kiến của TQ. Ông cho rằng London trước nay vẫn là trung tâm tài chính của thế giới và “Anh là đối tác tự nhiên của chương trình này”. Ông Hammond khẳng định nước này có đủ khả năng để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân cho dự án “Con đường tơ lụa” mới mà TQ đang theo đuổi.
_________________________
Khi thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, chúng tôi sẽ không đi lại con đường chiêu trò địa chính trị lạc hậu mà sẽ dựa trên một mô hình mới hợp tác và đôi bên cùng thắng.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
AN MIÊN
Theo Plo.vn