Các đồng tiền chủ chốt không có nhiều biến động trong sáng nay (19/1/2016 - giờ Việt Nam) do các nhà đầu tư có tâm lý ngóng đợi các dữ liệu kinh tế Trung Quốc bởi những biến động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu. Hiện 1 USD đổi được 0,9176 EUR; 117,3200 JPY; 0,7021 GBP; 1,0058 CHF…
Nhật Bản muốn giao dịch hoán đổi tiền tệ với ASEAN
- Cập nhật : 30/04/2017
Trong các giao dịch ngoại thương của các công ty Nhật nửa cuối năm 2016, tỷ lệ sử dụng đồng yen đã lên mức 46%, so với USD là 48%.
Nhật Bản đang tìm cách thiết lập một nền tảng hoán đổi tiền tệ song phương (bilateral currency swap) với các thành viên của ASEAN nhằm phòng ngừa rủi ro thiếu hụt vốn từ một cuộc khủng hoảng tài chính.
Bộ Tài chính Nhật sẽ sớm đưa ra đề xuất chính thức về việc này. Sắp tới đây, Bộ trưởng Tài chính Nhật và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ gặp các cơ quan đồng cấp của ASEAN lần đầu tiên trong bốn năm qua, trùng với cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á bắt đầu từ ngày 4/ 5 tại Yokohama.
Tokyo hy vọng sáng kiến này sẽ làm cho hệ thống tài chính và tiền tệ của các nước châu Á ổn định hơn. Các cuộc đàm phán đầu tiên sẽ là với Indonesia.
Đồng tiền của các nước mới nổi đã suy giảm mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, và các nước này cũng không có nguồn huy động tiền khác để dùng khi cần. Các định chế tài chính có xu hướng tích trữ USD và đồng yên trong những lúc xảy ra khủng hoảng, làm gia tăng nguy cơ các công ty sẽ không thể thanh toán các giao dịch bằng đồng nội tệ của các nước trên.
Các thoả thuận hoán đổi sẽ cho phép Nhật Bản cung cấp cho các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác nguồn yen Nhật thông qua ngân hàng trung ương của nước sở tại. Các định chế tài chính cũng có thể giảm nắm giữ yen theo hệ thống này, cải thiện tính thanh khoản và chặn đứng hiệu ứng lan tỏa trong thời gian khủng hoảng tài chính.
Các quốc gia ASEAN thậm chí có thể bán yen để đổi lấy USD, sau đó sử dụng USD để hỗ trợ đồng tiền của nước mình.
Các công ty Nhật Bản sẽ cảm thấy an tâm hơn với một hệ thống cho phép các đối tác thương mại ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận đồng yen trong thời kỳ khủng hoảng. Trong các thương vụ xuất khẩu của các công ty Nhật sang phần còn lại của châu Á, tỷ lệ sử dụng đồng yên đã lên mức 46% trong nửa sau của năm tài chính 2016, gần như ngang bằng với mức 48% của đồng USD. Các công ty vừa và nhỏ Nhật Bản thường do dự trước những rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ, và thích giao dịch bằng đồng yen hơn.
Nhật Bản đưa ra động thái này giữa lúc các thành viên ASEAN muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, và điều này có thể giúp đồng yen được chấp nhận rộng rãi hơn. Năm 2015, Việt Nam đã áp lãi suất bằng không đối với tiền gửi bằng USD nhằm khuyến khích sử dụng tiền Đồng. Indonesia cũng quy định rằng các giao dịch trong nội địa phải là bằng đồng rupiah.
Nhật Bản cũng muốn cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc, khi nước này nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đồng yen chiếm 4,21% dự trữ ngoại tệ toàn cầu, trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ là 1,07%. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ký kết các thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Malaysia, Thái Lan và các nước châu Á khác. Singapore và Philippines đã quyết định thêm đồng Nhân dân tệ vào dự trữ ngoại tệ từ năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính và các vị thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gặp những người đồng cấp của các nước thành viên ASEAN vào ngày 5/5 để thảo luận việc mở rộng Sáng kiến Chiang Mai, vốn là việc thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương. Nhưng sáng kiến này chưa có nhiều tiến triển khi Trung Quốc lại thích các hiệp định song phương. Nhật Bản thì lại ưu tiên tạo ra một khuôn khổ cho đồng yen mà không có sự tham gia từ Trung Quốc,
Bá Ước
Theo Bizlive.vn