Nếu kinh tế ngầm Trung Quốc ở Prato là một thì ở Paris - kinh đô ánh sáng của nước Pháp - quy mô gấp 10 lần. Và trong cả 2 trường hợp, di dân Trung Quốc là nạn nhân đáng thương nhất của mafia Trung Quốc
Trung Quốc trợ giá cho Vành đai: Con đường vào châu Âu
- Cập nhật : 28/06/2018
Vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa được Chính phủ Trung Quốc trợ giá ồ ạt đổ vào châu Âu.
Trung Quốc đang gia tăng thúc đẩy sáng kiến "Vành đai- Con đường" ở trên đất liền và trên biển. Đặc biệt tuyến đường bằng tàu hỏa của Trung Quốc chạy sang châu Âu được khai thác tối đa tới mức tắc nghẽn ở điểm tiếp nhận ở châu Âu.
Theo China Railway, trong năm 2017 mạng lưới đường sắt đã chuyên chở tới 3.673 đoàn tàu chở hàng kết nối giữa Trung Quốc và châu Âu, tăng hơn gấp đôi so với 1.702 chuyến của năm 2016. Hồi năm 2011, chỉ có 17 chuyến tàu từ Trung Quốc tới châu Âu.
Tính tới tháng 4/2018, mạng lưới tàu hỏa ở châu Âu đã được phát triển hơn nhằm đáp ứng sự gia tăng chóng mặt của phương thức vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa của Trung Quốc.
Theo đó, 42 thành phố tại Trung Quốc và 42 điểm đến ở 14 quốc gia châu Âu, gồm cả Anh và Tây Ban Nha có thể di chuyển qua lại bằng tàu hỏa.
Tuy nhiên, sự phát triển của mạng lưới tàu hỏa ở châu Âu, đặc biệt là cửa ngõ Ba Lan - nơi tập trung hàng hóa đơn giản vì nó là điểm đổi khổ đường ray từ chuẩn Đông Âu sang chuẩn châu Âu - không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc.
Nhà ga Malaszewicze của Ba Lan là nơi xử lý khoảng 90% hàng hóa từ Trung Quốc tới châu Âu bằng đường tàu hỏa đã tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa số lượng tàu hàng Trung Quốc tắc nghẽn. Song đơn vị điều hành ga Malaszewicze là PKP Cargo hồi tháng 3/2018 thừa nhận đã phải thuê các công ty điều hành đường sắt tư nhân để rút ngắn thời gian thông quan.
Sự gia tăng nhanh chóng của hình thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tưởng rằng đã mang tới lợi nhuận cực lớn cho chính quyền địa phương ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế là đi kèm với thời gian vận chuyển nhanh chóng, vận chuyển bằng tàu hỏa sẽ tốn chi phí hơn là vận chuyển bằng đường thủy.
Ngay chính nhà điều hành đường sắt Trung Quốc cũng thừa nhận mạng lưới vận chuyển hàng hóa sang châu Âu đang thua lỗ do khối lượng hàng hóa ít và chi phí cao hơn vận chuyển bằng đường biển.
Theo ước tính, của các nhà vận tải hàng hóa bằng đường tàu hỏa, phí vận chuyển đủ để sinh lợi nhuận là 10.000 USD/container. Mức phí này khó cạnh tranh với mức phí vận tải đường thủy chỉ 1.000 USD/container.
Nhưng hiện nay, mức phí này đã được Chính phủ Trung Quốc trợ giá chỉ ở mức 3.000- 6.000 USD/container. Thậm chí có nhà vận tải còn ra dịch vụ với giá chỉ 1.000 USD/container, tức tương đương với chi phí vận chuyển hàng bằng đường biển.
Theo Reuters, Trung Quốc đã phải bơm tới 303 triệu USD để trợ giá cho các đoàn tàu chở hàng bằng đường tàu hỏa nối nước này với châu Âu trong khoảng thời gian 2011-2016.
Các khách hàng chủ yếu vận chuyển hàng bằng đường tàu hỏa là các nhà sản xuất xe hơi và điện tử vì vận chuyển đường sắt nhanh hơn đường biển tới 20 ngày và chi phí thấp hơn đường hàng không.
Việc trợ giá của Chính quyền Trung Quốc thực hiện khi vận chuyển bằng tàu hỏa được cho sẽ là xu hướng phát triển mạnh trong những năm tới khi các chính quyền địa phương nước này cạnh tranh với nhau để thực hiện chính sách "Một vành đai Một con đường" mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra.
Năm ngoái, từ ga Trùng Khánh chỉ có 663 đoàn tàu tới châu Âu nhưng những nhà điều hành ga này muốn tăng số lượng lên hơn 1.000 trong năm nay.
Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, Tây An cũng muốn vận chuyển 1.000 đoàn tàu tới châu Âu trong năm nay. Xu hướng này gần như tăng đồng loạt tại các thành phố khác của Trung Quốc.
Carsten Pottharst, Giám đốc điều hành của InterRail Europe - một công ty vận tải hàng hóa bằng tàu hỏa cho biết, các Chính phủ Châu Âu đã tin rằng việc gia tăng vận tải đường sắt từ Trung Quốc sẽ tăng lên nhưng không ngờ rằng, tốc độ đã tăng quá nhanh cũng như khối lượng quá lớn như thực tế hiện nay".
Sơn Dương
Theo Baodatviet.vn