Trung Quốc: Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu và số doanh nghiệp bị hạ xếp hạng tăng cao kỷ lục
- Cập nhật : 06/07/2018
Dù mới đi được nửa năm 2018 nhưng tổng giá trị trái phiếu bị vỡ nợ kể từ đầu năm đến nay hiện đã bằng hơn 3/4 mức cao kỷ lục trước đó.
Tính đến thời điểm này, tổng số các vụ vỡ nợ đã cao gần tương đương với năm 2016. Hiện tại, các chuyên gia vẫn thấy những rủi ro trong hệ thống tài chính.
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục. Dù mới đi được nửa năm 2018 nhưng tổng giá trị trái phiếu bị vỡ nợ kể từ đầu năm đến nay hiện đã bằng hơn 3/4 mức cao kỷ lục trước đó, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với những dự đoán về tình trạng xuống dốc của nền kinh tế.
Theo Bloomberg, tính đến thời điểm này, các công ty Trung Quốc đã không thể chi trả cho số nợ trái phiếu trị giá khoảng 16,5 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD), so với mức cao kỷ lục 20,7 tỷ NDT trong năm 2016. Tình trạng căng thẳng vốn có sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các công ty xếp hạng tín dụng tiếp tục hạ mức đánh giá, ví dụ như Dagong Global Rating Co. đã hạ mức đánh giá tín dụng các doanh nghiệp Trung Quốc với mức độ mạnh chưa từng có.
Quyết tâm xoay chuyển tình thế
Hiện tại, các công ty phát hành trái phiếu trong nước phải đối mặt với mức đánh giá xếp hạng tệ nhất trong năm nay.
Li Shi, tổng giám đốc bộ phận xếp hạng và nghiên cứu trái phiếu tại Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Trung Quốc Chengxin cho hay: "Lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm trong năm nay và không có khả năng cải thiện trong bối cảnh suy thoái kinh tế". Ông nói thêm: "Việc tái cấp vốn sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi cuộc đàn áp lên các ngân hàng trong bóng tối vẫn đang diễn ra".
Thị trường nợ doanh nghiệp trong nước gần như là một vấn đề thuộc quy mô địa phương, bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới các sản phẩm chứng khoán liên kết với chính phủ kể từ khi Trung Quốc mở cửa thị trường trái phiếu trong những năm gần đây. Sự xấu đi của chất lượng tín dụng không thể thu hút dòng tiền từ các kênh đầu tư. Mặc dù cùng thời điểm đó, các nhà phân tích cũng đã thấy một thị trường tín dụng kỷ luật hơn sẽ giúp đa dạng hóa các cơ hội đầu tư.
Trong khi đó, lợi suất tăng khiến cho hoạt động tái cấp vốn các khoản nợ đáo hạn gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các công ty tư nhân thiếu khả năng tiếp cận với hệ thống ngân hàng quốc doanh. Khi NHTW Trung Quốc (PBOC) chỉ thực hiện các bước hạn chế để hỗ trợ tín dụng cho các công ty tư nhân thì chi phí đi vay không hề có dấu hiệu giảm.
Lợi suất trái phiếu do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành tăng nhanh.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong năm nay, những người đi vay đã không thể thanh toán một khoản ít nhất là 20 trái phiếu trong nước. Dữ liệu của NHTW Trung Quốc (PBOC) cho thấy, vào cuối tháng 5, đã có khoảng 66,3 tỷ NDT, tương đương với 0,39% trái phiếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng không được thanh toán.
Tính đến nay, Dagong cho biết đã có 13 doanh nghiệp bị hạ mức xếp hạng tín dụng so với 10 doanh nghiệp được nâng mức, đây tỷ lệ cao nhất theo dữ liệu do Bloomberg biên soạn. Kết quả từ các công ty tương tự Dagong như Công ty Xếp hạng tín dụng quốc tế Chengxin Trung Quốc và Công ty xếp hạng tín dụng Lianhe Trung Quốc cho thấy xu hướng tương tự.
Tuy vậy, tình trạng tiêu cực này ở Trung Quốc lại ẩn chứa những điều khá lạc quan, đó là các nhà quản lý của nước này ngày càng thoải mái hơn với việc để các công ty "đấu tranh" để tự bảo vệ mình thay vì trông chờ vào sự "giải cứu" từ phía nhà nước. Hôm thứ ba, Pan Gongsheng, giám đốc quản lý ngoại hối nhà nước, cho biết, các vụ vỡ nợ trái phiếu lại là tốt cho sự phát triển lâu dài của thị trường Trung Quốc.
Vỡ nợ là "điều cần thiết"
Christopher Lee, giám đốc điều hành xếp hạng doanh nghiệp tại S&P Global ở Hồng Kông nói về tình trạng này: "Những vũ vỡ nợ lại là điều cần thiết cho việc định giá rủi ro tín dụng tốt hơn và sẽ tạo ra một thị trường trái phiếu lành mạnh trong dài hạn. Không chắc sẽ có một làn sóng vỡ nợ quy mô lớn hay tập trung, bất kỳ tiến triển nào như vậy sẽ nhanh chóng được ngăn chặn nhằm tránh các rủi ro mang tính hệ thống gia tăng."
Trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, dòng tiền của doanh nghiệp cũng bị đe dọa, các doanh nghiệp sẽ bị thôi thúc phải tăng cường dự phòng rủi ro tín dụng. Dữ liệu cuối tuần qua cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu vào tháng 6 đã giảm mạnh.
Theo bà Jing Ulrich, phó chủ tịch của JP Morgan phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, xung đột thương mại leo thang có thể làm tăng số lượng các vụ vỡ nợ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Lực cầu tiêu dùng và cả nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ bị suy yếu, và "có thể sẽ chuyển biến thành tình trạng chất lượng tín dụng đi xuống."
Ông Lv Pin, một nhà phân tích tại CITIC Securities, Bắc Kinh nhận định: "Nhiều khả năng lượng trái phiếu vỡ nợ sẽ vượt qua năm 2016 và chạm mức cao kỷ lục trong năm nay. Trong khi hầu hết các vụ vỡ nợ trong năm 2016 đều đến từ những doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành công nghiệp có công suất dư thừa, còn năm nay phần lớn lại là các công ty tư nhân trong nhiều ngành khác nhau.
Hương Giang
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg