Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế nhập khẩu với thép và nhôm, trả đũa thương mại đang trở thành câu chuyện “nóng” giữa các nền kinh tế.
Toàn cầu chịu tác động thế nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
- Cập nhật : 07/07/2018
Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia đầu tư vào đây hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu của Mỹ.
Hôm qua, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đợt thuế tới với 16 tỷ USD hàng hóa nữa có thể có hiệu lực sau vài tuần. Tổng thống Mỹ - Donald Trump trước đó đã đe dọa áp thuế lên số hàng tổng cộng hơn 500 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa.
Vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế, Trung Quốc cũng tung biện pháp trả đũa với giá trị tương đương. Nước này cáo buộc Mỹ “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử”.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập 130 tỷ USD hàng Mỹ. Trong khi đó, Mỹ nhập tới 506 tỷ USD từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ - Donald Trump vẫn luôn cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đẩy cao thâm hụt thương mại một cách không công bằng.
Tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại này lên Trung Quốc sẽ là tăng trưởng GDP giảm 0,1%-0,3%. Còn tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%. Những số liệu này với Mỹ sẽ nhỏ hơn.
Thuế của Mỹ đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông. Thuế trả đũa của Trung Quốc lại nhằm vào nông phẩm, ôtô và thủy sản. Đậu nành là sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ, tính về giá trị.
Không chỉ có ảnh hưởng lên hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng loạt quốc gia châu Á khác cũng sẽ chịu tác động từ các động thái này. Báo cáo phân tích của DBS cho thấy Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.
Tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể mất 0,4% năm nay. Con số này của Malaysia và Đài Loan đều được dự báo là 0,6%. Còn Singapore là 0,8%. Tác động này có thể lên gấp đôi năm 2019.
Khi phân tích giá trị thặng dư của hàng xuất khẩu Trung Quốc, tính theo xuất xứ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết Đài Loan là nền kinh tế châu Á tham gia nhiều nhất vào số hàng hóa này, với hơn 8% GDP. Theo sau là Malaysia (6%), Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore với khoảng 4-5%. Philippines, Thái Lan và Việt Nam khoảng 3%. Australia, Nhật, Indonesia là 2%.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng cần được cân nhắc. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác kinh tế lớn của Hong Kong. Tuy nhiên, nền kinh tế Hong Kong phụ thuộc vào dịch vụ. Vì vậy, họ sẽ không chịu tác động nhiều từ thuế nhập khẩu. Gánh nặng sẽ dồn về các nước sản xuất nhiều hơn.
Tính trên toàn cầu, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 11% lên 17.200 tỷ USD. Ballpark ước tính cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%. Việc này sẽ kéo theo tăng trưởng toàn cầu mất 0,1%. Lạm phát cũng sẽ tăng 0,1% - 0,3%, chưa tính biến động tỷ giá.
Morgan Stanley thì ước tính chiến tranh thương mại có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, do hai phần ba số hàng hóa trao đổi giữa hai nước nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra gần hai phần ba số hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, dù nhằm vào Trung Quốc, vẫn sẽ có tác động đến các nước khác. Dựa trên dòng vốn nước ngoài đổ vào Trung Quốc, các cái tên có khả năng ảnh hưởng nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một số công ty khác, như DBS, cho rằng kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc, do các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc khá nhiều. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang vướng vào tranh chấp thương mại với nhiều nước khác.
Sự bất ổn về thương mại có thể khiến các ngân hàng lo ngại về sự tham gia của mình trong các ngành bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến giá cả và dòng chảy tín dụng. Nó cũng có thể khiến các công ty ngần ngại đầu tư. Còn nếu thuế bị đẩy xuống người tiêu dùng, niềm tin tiêu dùng và nhu cầu nội địa sẽ giảm sút. Ở cấp cao nhất, biến động trên thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến tất cả yếu tố trên.
Một mô hình của hãng quản lý tài sản Pictet chỉ ra nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 10%, sau đó thuế này lại bị đẩy xuống người tiêu dùng thông qua tăng giá sản phẩm, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát cao. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu cũng sẽ mất 2,5%.
Theo Hà Thu / VnExpress