Trên lý thuyết, lãi suất âm không có rủi ro. Tuy nhiên chúng đang che đậy một thực tế trái lại hoàn toàn. Lãi suất âm có lợi cho chính phủ tuy nhiên lại gây ra áp lực tài chính cho thị trường.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo bẫy nợ ‘Vành đai - Con đường’
- Cập nhật : 06/05/2018
Người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cảnh báo các nước không nên dùng khoản vay không bền vững để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, vì nó có thể khiến họ bị mắc kẹt trong cái bẫy nợ.
Theo Nikkei, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói với các phóng viên rằng sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc là một chương trình quan trọng để kết nối khu vực và mở rộng hội nhập, hợp tác trên khắp châu Á, và ADB sẽ hợp tác với Trung Quốc khi thích hợp. Tuy nhiên, ông Nakao cảnh báo các nước không nên vay quá mức để bù đắp cho những khoảng trống về cơ sở hạ tầng.
“Nếu các nước vay quá nhiều để thực hiện một cơ sở hạ tầng nhất định mà không xem xét nghiêm túc tính khả thi và tính bền vững thì sẽ gặp rắc rối lớn trong việc trả nợ”, ông Nakao nói.
Ông Nakao đã tổ chức buổi họp báo trong cuộc họp thường niên lần thứ 51 của các nhà cho vay đa quốc gia tại trụ sở của ADB tại Manila. Ông Nakao cũng lặp lại những lo ngại về những chính sách tài khóa không rõ ràng mà Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã nêu lên trước đó. Tháng trước, tại một hội nghị ở Trung Quốc, bà Lagarde nói rằng sáng kiến “Vành đai - Con đường” có thể đặt gánh nợ nặng nề hơn cho các quốc gia vốn đã chịu rất nhiều nợ công.
“Ở những nước mà nợ công đã cao, việc quản lý cẩn thận các điều khoản tài chính là rất quan trọng. Điều này sẽ bảo vệ cả Trung Quốc và các chính phủ đối tác khỏi những các thỏa thuận sẽ gây khó khăn về tài chính trong tương lai”, bà Lagarde nói.
Sáng kiến “Vành đai - Con đường” nhằm mục đích phát triển lên tới 8.000 tỉ USD giá trị cơ sở hạ tầng dọc theo các tuyến thương mại nối giữa châu Á và châu Âu. Theo Center for Global Development (CGD) một viện nghiên cứu phi lợi nhuận ở Washington, trong số 68 quốc gia được xác định là những nước vay nợ tiềm năng trong dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc, có 23 quốc gia phải đối diện với nguy cơ nợ cao. Nổi bật nhất là Lào, Maldives, Pakistan, Mông Cổ, Tajikistan và Kyrgyzstan.
“Hầu hết trong số đó là các nước nhỏ và tương đối nghèo”, báo cáo của CGD cho biết.
ADB ước tính nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á có thể đạt 22.600 tỉ USD tính đến năm 2030. Nếu các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng, chi phí sẽ tăng lên hơn 26.000 tỉ USD.
Phương Anh
Theo Thanhnien.vn