Nhật Bản đề nghị Nga hợp tác thông qua và thực hiện nghị quyết trừng phạt bổ sung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Trung Quốc toan tính gì với loạt doanh nghiệp 'khủng long'?
- Cập nhật : 08/09/2017
Hoạt động thâu tóm, sáp nhập giữa các công ty quốc doanh lớn nhất nước hình thành loạt doanh nghiệp "khủng long" tại Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Bắc Kinh đang tích cực đẩy nhanh việc thay đổi cơ cấu sở hữu trong các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất nước, để biến chúng thành những doanh nghiệp đã lớn nay còn lớn hơn – hay còn được gọi là “khủng long”.
Bằng cách hình thành loạt doanh nghiệp khổng lồ có tầm ảnh hưởng lớn, động thái này được cho là sẽ thay đổi cục diện kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Hình thành loạt doanh nghiệp đã lớn nay còn lớn hơn
Theo South China Morning Post, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các tổ chức tài chính nhà nước và hãng công nghệ tư nhân khổng lồ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đang chìm trong nợ nần và hình thành “cơ cấu sở hữu hỗn hợp”.
Công ty mẹ của China Unicom, công ty yếu kém nhất trong số 3 nhà mạng quốc doanh của Trung Quốc, mới đây đã bán 35,2% cổ phần của mình cho hơn chục nhà đầu tư trong thương vụ trị giá 78 tỷ Nhân dân tệ (11,9 tỷ USD). Trong số các nhà đầu tư mới của công ty này có Tencent Holdings, JD.com, Baidu và Alibaba Group.
Trong khi đó, Công ty đường sắt China Railway Corp với khoản nợ hơn 700 tỷ USD cho biết đang tiến hành tiến trình cải tổ sang mô hình sở hữu hợp và đã gửi “lời mời” đến nhiều nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có hãng xe quốc doanh FAW Group. Còn hãng chuyển phát nhanh SF Express cho biết sẽ “nghiên cứu một cách nghiêm túc và chủ động tham gia” vào quá trình cải tổ của China Railway Corp.
Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước lớn tiếp quản lại các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Tháng trước, tập đoàn bất động sản quốc phòng Poly Group với tài sản 95,7 tỷ USD đã thâu tóm hai doanh nghiệp nhỏ hơn là Sinolight Corp và China National Arts & Crafts Group.
Tập đoàn khai thác than lớn nhất Trung Quốc Shenhua Group mới đây cũng cho biết sẽ sáp nhập với công ty điện China Guodian, lập thành hãng điện lớn nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 270 tỷ USD.
Mỗi tỉnh, thành phố hay thậm chí một huyện nông thôn của nước này cũng có công ty quốc doanh riêng. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tính tới hết năm 2015, nước này có 133.631 đơn vị đăng ký là doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, quan trọng nhất là 98 tập đoàn công nghiệp thuộc sự kiểm soát của Uỷ ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước. Sau khi được thành lập vào năm 2003, ủy ban này đã tiếp quản hơn 196 doanh nghiệp thuộc quản lý của nhiều tổ chức quân đội và chính phủ. Số lượng này đã giảm đi hơn một nửa sau loạt vụ sáp nhập diễn ra.
Tới năm 2010, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm con số này xuống còn 100 nhưng phải tới 7 năm sau đó mới đạt được với những chiến lược hình thành doanh nghiệp “khủng long” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục tiêu hiện tại của Bắc Kinh là giảm con số trên xuống còn 40 và mỗi công ty hình thành sau thâu tóm, sáp nhập sẽ là một gã khổng lồ hàng đầu thế giới.
Công ty điện State Grid và các hãng xăng dầu Sinopec Group, China National Petroleum hiện đã lần lượt là những công ty lớn thứ 2, 3 và 4 trên thế giới về doanh thu, theo một danh sách của Fortune 500.
Đi theo mô hình chưa từng có
Không giống như thời kỳ Xô Viết vào những năm 1990 khi chính quyền Moscow quyết định tư nhân hóa toàn bộ tài sản quốc doanh, trong công cuộc cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh, chính quyền sẽ không giảm bớt quyền sở hữu của mình tại các doanh nghiệp này.
“Chẳng có mô hình nào đã có để vận dụng vào nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”, giáo sư tài chính Zhao Xijun của Đại học Renmin nói. Zhao cho rằng Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo Chủ tịch Tập Cận Bình, thận trọng hơn với mô hình thị trường tự do của các nước phương Tây bởi kinh nghiệm cho thấy nhiều đợt suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính đã xảy ra.
“Trung Quốc đang phát triển theo con đường riêng mà chưa có nước nào từng làm – bằng cách để thị trường tự phân bổ các nguồn lực và đồng thời để ‘bàn tay vô hình’ của chính phủ điều tiết để mang lại hiệu quả tốt hơn”, Zhao nói.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, cần phải xem liệu các doanh nghiệp khổng lồ này có thể vừa để thị trường đóng vai trò “quyết định” vừa duy trì sự kiểm soát của nhà nước hay không.
Theo chuyên gia Sheng Hong, giám đốc Viện Kinh tế Unirule, mô hình sở hữu hỗn hợp chỉ là biện pháp làm xoa dịu công chúng trước những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Sheng cho biết việc các nhà đầu tư tư nhân sở hữu cổ phần thiểu số tại các doanh nghiệp quốc doanh không tạo ra mấy tác động đến việc điều hành bởi quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay nhà nước.
Hu Xingdou, nhà kinh tế thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh thì cho rằng việc các doanh nghiệp “khủng long” có tốt cho nền kinh tế hay không vẫn là điều gây nhiều tranh cãi.
“Việc cải tổ này không thay đổi bản chất về tài chính và quyền kiểm soát của nhà nước đối với doanh nghiệp”, Hu nói. “Khu vực doanh nghiệp nhà nước phình to hơn sẽ làm suy giảm cấu trúc nền kinh tế, và thiệt hại nhiều nhất là những công ty tư nhân nhỏ hơn”.
Alfred Schipke, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, cho biết mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp quốc doanh dường như khá rối rắm.
Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc “có nhiều mục tiêu đến mức khó có thể đánh giá họ đang làm tốt hay không. Đôi khi mục tiêu là tạo lợi nhuận nhưng đôi khi lại là đảm bảo lực lượng lao động hay thực hiện các chức năng xã hội”, Schipke Schipke nói.
Theo vneconomy.vn