Nga vì kinh tế ủng hộ Nhật ép Triều Tiên?
- Cập nhật : 11/09/2017
Nhật Bản đề nghị Nga hợp tác thông qua và thực hiện nghị quyết trừng phạt bổ sung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Kéo Nga ép Triều Tiên
Hôm 7/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ ba (EEF-3) tại thành phố Vladivostok của Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là lần thứ 19 hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm.
Theo báo chí Nhật Bản, tại buổi hội đàm, hai bên đã thống nhất nhận thức đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, coi việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân là “đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực”.
Tờ Yomiuri cho rằng để thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên không thể thiếu sự hợp tác của Nga, vì vậy, Nhật Bản phải tiếp tục kiên định cách tiếp cận dựa trên cơ sở quan hệ mật thiết giữa lãnh đạo hai nước.
Tại Vladivostok (Nga), ông Abe nhấn mạnh gia tăng áp lực tối đa đối với Triều Tiên là vấn đề hết sức quan trọng, đề nghị Nga hợp tác thông qua và thực hiện nghị quyết trừng phạt bổ sung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc cấm xuất khẩu dầu mỏ tới nước này.
Tuy nhiên, ông Putin vẫn giữ xu hướng thận trọng bằng phát biểu “giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ có thể bằng con đường chính trị, ngoại giao”. Tổng thống Nga Putin đã phát biểu rằng dù có tăng áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên, nước này cũng không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Nga, một nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cùng Trung Quốc đã đưa ra chủ trương các bên chấp dứt những hoạt động làm leo thang căng thẳng, với Triều Tiên là hoạt động thử hạt bom hạt nhân, phóng tên lửa, với Mỹ là hoạt động tập trận chung cùng Hàn Quốc.
Nhật Bản muốn Nga ủng hộ gia tăng sức ép với Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng
Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản cho rằng dù Mỹ và Hàn Quốc cam kết dừng tập trận, cũng khó có thể đảm bảo rằng Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân. Cho dù Nga khẳng định đối thoại với Triều Tiên sẽ mang lại kết quả, song việc gây áp lực đối với Triều Tiên sau vụ nước này thử vũ khí hạt nhân là điều không thể thiếu.
Câu hỏi đang được đặt ra cho Nga trong việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đề xuất của báo chí Nhật Bản là nên cấm ngay tuyến đường định kỳ đối với tàu hàng Man Gyong Bong của Triều Tiên - con đường có liên quan tới Nga. Đây cũng là một lỗ hổng trong nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.
Báo chí Nhật Bản tự tin đưa ra đề xuất buộc Nga phải hợp tác để gia tăng sức ép đối với Triều Tiên trong bối cảnh Nga đang kêu gọi các nước, nhất là Nhật Bản rót vốn đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga.
Ngược lại, phía Nhật Bản cũng rất muốn cùng Nga triển khai hoạt động kinh tế chung tại 4 đảo tranh chấp với mục đích tạo môi trường thuận lợi để tiến hành đàm phán về vấn đề lãnh thổ.
Trong tuyên bố chung sau hội đàm ở Vladivostok, Thủ tướng Abe tuyên bố hoàn toàn quyết tâm tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình với Nga.
Kế sách hoàn hảo
Theo trang phân tích Stratfor của Mỹ, Nhật Bản đang nỗ lực dẹp sang bên một trong những cuộc tranh cãi lâu năm nhất của mình để khôi phục quan hệ với Nga.
Trong 70 năm qua, tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril luôn là chướng ngại vật cho tiến trình hòa giải Nhật-Nga.
Chính tranh chấp lãnh thổ này khiến Tokyo và Moscow không thể tuyên bố chính thức chấm dứt Thế chiến II.
Mấy thập niên gần đây, bất đồng giữa hai nước lại càng trở nên sâu sắc. Nhật Bản trở thành một phần không thể tách rời trong kết cấu liên minh của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, kiềm chế tham vọng của Liên Xô ở phía Đông.
Có thông tin cho biết trong bối cảnh Liên Xô bắt đầu tan rã, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe từng nói với con trai, hiện là Thủ tướng Shinzo Abe, rằng thiết lập lại quan hệ hữu nghị Nga-Nhật là khát vọng "cháy bỏng" của ông.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, giữa hai nước mới chỉ khôi phục được mối quan hệ mậu dịch lỏng lẻo trên danh nghĩa, mặc dù vào thập niên 90, cả Tokyo lẫn Moscow đều đã đưa ra hàng chục đề xuất tìm giải pháp cho hòa bình cũng như cho vấn đề quần đảo Kuril.
Khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Abe đã đem lại đà mới mẻ cho các cuộc đàm phán với Nga, có những biện pháp hướng tới quan hệ nồng ấm hơn.
Moscow và Tokyo bắt đầu cố gắng cải thiện quan hệ năng lượng, Nhật Bản đầu tư vào Nga và đề xuất cùng quản lý quần đảo Kuril.
Hai nước đã suýt ký được một hiệp ước hòa bình toàn diện ngay trước khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra. Mỹ đã gây áp lực buộc Nhật Bản phải tham gia trừng phạt Nga và tiến trình ký kết hòa ước cũng chững lại.
Báo chí Mỹ đánh giá sự kiện ông Abe tới Vladivistok để tham dự Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông của Nga đầy ắp những cử chỉ thân thiện và nồng ấm.
Ông Abe đã đề nghị Tổng thống Putin và người đồng cấp Mông Cổ, Haltmaagiin Battulga, có trận đấu judo giao hữu, đồng thời hai nhà lãnh đạo đã đề ra một thời gian biểu cho những giấc mơ chung của họ trong tương lai.
Theo Stratfor, để "cân bằng" quan điểm của Nga về vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản đã ký kết các thỏa thuận kinh tế với Nga.
Tổng thống Putin thậm chí còn đề xuất xây dựng một cây cầu nối Sakhalin và quần đảo Hokkaido của Nhật Bản, một động thái chí ít cũng giải quyết được phần nào các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Giới phan tích Mỹ đánh giá những động thái trên cho thấy tranh chấp lịch sử giữa Nga và Nhật Bản đã được đẩy xuống hàng thứ yếu trong bối cảnh Tokyo cố gắng xoa dịu căng thẳng với Nga để có thể tập trung đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, rõ ràng Nhật Bản đang nắm giữ đòn bẩy về kinh tế để thúc đẩy cùng lúc cả hai mục tiêu là đàm phán vấn đề lãnh thổ và gây sức ép buộc Nga hợp tác đối với Triều Tiên.
Thành Minh
Theo Baodatviet.vn