Hôm qua, Chính phủ Nga thông báo nền kinh tế nước này tiếp tục suy thoái nghiêm trọng trong quý 2-2015 do giá dầu thô sụt giảm và tác động của cấm vận phương Tây.
Ông Putin muốn giảm người Trung Quốc ở Viễn Đông?
- Cập nhật : 08/09/2017
Ông Putin kéo "người đồng hương sống ở nước ngoài" về Viễn Đông để phát triển kinh tế vùng.
RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội đồng liên bang ở Vladivostok đã đề xuất một chương trình quốc gia trao đất đai miễn phí cho công dân nước ngoài có tổ tiên sinh ra trên lãnh thổ Nga.
“Việc mở rộng các cơ hội từ chương trình này cho những người đồng hương ở nước ngoài đến Vùng Viễn Đông là cần thiết” - Tổng thống Putin phát biểu tại Hội đồng trên.
“Những người đồng hương sống ở nước ngoài” là cụm từ được truyền thông đại chúng Nga sử dụng để đề cập đến công dân mang văn hóa và sắc tộc Nga sống tại các nước thuộc Liên Xô cũ.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, những công dân ở nước ngoài đến Nga sinh sống thường có khao khát được làm việc và tạo ra gia đình gắn kết. Do vậy, họ là những đối tượng tuyệt vời cho việc nhận đất đai miễn phí và được hỗ trợ từ chính phủ Nga.
Tổng thống Putin cũng yêu cầu chính quyền địa phương ở vùng Viễn Đông phân tích những lỗi còn tồn tại trong giai đoạn đầu của việc thực hiện chương trình giao đất đai và tiến hành điều chỉnh cần thiết để tạo các điều kiện thuận lợi hơn về sau.
Hồi tháng 5/2016, Chính phủ Nga đã giới thiệu luật mới giao đất đai tại vùng Viễn Đông miễn phí cho những người muốn xây dựng nhà cửa hoặc khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Chương trình này được khởi đầu từ ngày 1/2/2017. Theo đó, những người đăng ký có thể được nhận 1ha đất miễn phí. Tuy nhiên, công dân nước ngoài chỉ được khai thác diện tích đất này mà không được sở hữu hoàn toàn.
Vào đầu năm 2017, chính quyền Kamchatka tại vùng Viễn Đông xác nhận đã có hơn 48.000 người từ Moskva, Tatarstan, Bashkortostan… đăng ký tham gia chương trình này.
Khoảng 28% những người đăng ký cho biết họ muốn dùng diện tích đất để xây nhà, 17% có ý định khai thác cho nông nghiệp và nuôi gia súc. 7% lại bày tỏ nguyện vọng xây khách sạn và phát triển du lịch địa phương.
Phát triển kinh tế Viễn Đông đang trở thành chiến lược của Nga khi điều kiện khí hậu thuận lợi và nước Nga đang chịu cảnh cấm vận từ phương Tây và Mỹ.
Vùng đất Viễn Đông hoang sơ những năm gần đây đã thu hút đông đảo người dân Trung Quốc sang làm việc tại các nông trang. Họ làm việc và kết hôn với người dân Nga tại đây, cùng sinh con đẻ cái.
Theo thống kê của Nga trong năm 2010, số công dân Trung Quốc tại nước này là khoảng 29.000 người, giảm so với 35.000 người trong năm 2002 và chưa bằng 0,5% tổng dân số vùng Viễn Đông.
Trong khi đó, tờ SCMP đưa ra con số thống kê khác lại cho kết quả có tới 300.000- 500.000 công dân Trung Quốc tại Nga.
Nông dân Trung Quốc trồng trọt ngô, đậu nành, rau và cây trái trong khi nhiều người khác tập trung chăn nuôi lợn. Vì lý do này, Nga đã cho thuê hàng trăm hàng ngàn ha đất kèm nhiều ưu đãi.
Nga và Trung Quốc mới đây đã ký kết một hiệp ước cho thuê khoảng 150.000 ha đất nông nghiệp tại vùng Transbaikal ở phía đông Siberia trong 49 năm với mức giá tượng trưng là 5 USD/ha. Hầu như các vùng đất rừng trong khu vực gần biên giới Nga- Trung đã được cho thuê để khai thác gỗ.
Nhiều ý kiến tại Nga cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc bán đất quê hương với giá rẻ.
Nếu người dân và các nhà đầu tư Trung Quốc phát triển mạnh ở lãnh thổ Nga chưa phải là điều đáng lo ngại thì việc họ mang tới hóa chất và làm hại môi trường là điều đáng để kể đến.
Vấn đề lo lắng hàng đầu là việc sử dụng phân bón hóa học quá mức của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo các nhà chức trách Nga, tỉ lệ nitrate trong rau quả do người Trung Quốc trồng trên lãnh thổ Nga thường vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Nhiều chất hóa học người Trung Quốc sử dụng không được biết tới tại Nga trong khi không có kỹ thuật chung để phân tích. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng và gây thoái hóa đất đai.
Một bất ngờ khác đối với người Nga là các trang trại nuôi lợn do người Trung Quốc vận hành. Lợn được nuôi tại đây lớn nhanh như thổi. Điều này được cho là do sử dụng các chất hóa học trong thức ăn chăn nuôi.
Khi tiến hành các dự án hợp tác, phía Trung Quốc trước nhất đều tìm cách để chuyển đến Nga một số lượng lớn các lao động nước này. Đây dường như là điều kiện tiên quyết để khởi động các dự án của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng có thể chuyển thêm các doanh nghiệp đến vùng Viễn Đông, tham gia vào dự án từ xây dựng tới đóng tàu và viễn thông.
Những điều này đang tạo đường cho Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào kinh tế vùng Viễn Đông cũng như sự gia tăng cư dân Trung Quốc tại đây.
Khả năng hợp tác giữa Nga - Trung trên thực tế vẫn có cơ hội để mở ra, lợi ích kinh tế của hai bên là bổ sung lẫn nhau, không phải xung đột.
Vùng Viễn Đông cần lao động Trung Quốc cũng như tiền bạc và công nghệ của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc cần diện tích đất, nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của vùng Viễn Đông.
Giáo sư Ivan Tselichtchev tại Đại học Quản lý Niigata (Nhật Bản) nhận định rằng vấn đề về công dân Trung Quốc tại vùng Viễn Đông chắc chắn có thể quản lý được nếu Nga thu hút thêm người dân Nga đến khu vực này.
Nếu không, sự gia tăng của người Trung Quốc hiện diện ở vùng Viễn Đông có thể trở thành quả bom địa chính trị.
Huy Vũ
Theo Baodatviet.vn