Trong khi mọi con mắt phương Tây đang đổ dồn vào Hy Lạp, một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tiềm tàng đang phát triển ở nửa bên kia của thế giới.
Triều Tiên còn lại gì để tiếp tục bị trừng phạt?
- Cập nhật : 03/09/2017
Sự khiêu khích mới nhất của Triều Tiên sẽ làm tăng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Theo CNN, chỉ tuần trước Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng ông hài lòng vì Triều Tiên “đã chứng minh sự kiềm chế” của mình kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhất hồi đầu tháng 8.2017. Song, chưa đầy một tuần sau khi Mỹ lưu ý về sự vắng mặt “các hành động khiêu khích”, hôm 29.8 Bình Nhưỡng lại bắn một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản.
“Sự khiêu khích này sẽ làm tăng sự ủng hộ của Mỹ và các nước đồng minh trong việc tiến thêm các bước trừng phạt thương mại Triều Tiên, cũng như các chính phủ và công ty đang làm ăn với nước này”, Scott Seaman, Giám đốc tập đoàn Eurasia, nhận định.
Mặc dù các lệnh trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên đều nhấn mạnh vào các ngành công nghiệp quan trọng như than đá, quặng sắt và hải sản, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng tất cả các biện pháp chế tài kinh tế được đưa ra dường như đều không đủ mạnh để trấn áp chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của nước này.
Vậy kinh tế Triều Tiên còn lại những gì để thế giới tiếp tục trừng phạt?
Dệt may
Ước tính Trung Quốc chiếm khoảng 90% thương mại nước ngoài của Triều Tiên, cung cấp một liên kết quan trọng giữa nước láng giềng với nền kinh tế toàn cầu. Các hình thức xử phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc đã cấm ba trong số năm loại sản phẩm hàng đầu mà Đại lục mua từ Triều Tiên. Những mặt hàng còn lại là dệt may và may mặc. Không rõ ngành công nghiệp dệt may của Triều Tiên đang hoạt động tốt như thế nào, nhưng dữ liệu phân tích thương mại của các nhà phân tích cho thấy xuất khẩu mặt hàng này đã giảm trong năm ngoái.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Reuters ghi nhận được từ biên giới Trung - Triều đã mô tả một thực tế ngược lại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh việc sử dụng các nhà máy của Triều Tiên để sản xuất lượng lớn quần áo với nhãn mác “Made in China” và xuất khẩu ra nước ngoài. Rõ ràng, tỉ trọng ngành dệt may của nền kinh tế đóng kín nhất thế giới đủ lớn để trở thành mục tiêu tiềm năng cho các biện pháp trừng phạt trong tương lai.
Dầu thô
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Đại lục cung cấp nguồn ngoại tệ quan trọng cho chính quyền Kim Jong-un. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang nước láng giềng bao gồm những hàng hóa mà quốc gia đang bị cô lập cần cho mọi hoạt động. Và dầu thô là một trong những mặt hàng đứng đầu danh sách này. Một số chuyên gia cho rằng dầu thô nên được đưa vào các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc trước đó. Tuy nhiên, hiện không thể kiểm soát chính xác lượng dầu thô mà Trung Quốc đã bán cho Triều Tiên vì Bắc Kinh đã ngừng đưa nó vào dữ liệu hải quan từ vài năm trước.
“Không có dữ liệu nào được báo cáo, dầu thô có thể là cách Trung Quốc hỗ trợ Bình Nhưỡng mà không có bất kỳ yếu tố bên ngoài nào có thể kiểm tra được những gì họ đang làm”, Kent Boydston, nhà phân tích thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với CNN hồi tuần trước.
Sự thiếu minh bạch này thúc đẩy sự hoài nghi của các chuyên gia, những người phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này đang thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên một cách nghiêm túc.
Ngân hàng Trung Quốc
Những nghi ngờ về thái độ sẵn sàng gây sức ép thực sự lên Triều Tiên của Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy ý kiến ủng hộ Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty cũng như ngân hàng đang kinh doanh bất hợp pháp với Bình Nhưỡng.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện một số hành động trên mặt trận này, bao gồm việc xử phạt các thực thể Trung Quốc và Nga vì cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Đan Đông của Đại lục.
Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, ông Anthony Ruggiero, cho biết Washington có thể hành động mạnh tay hơn đối với các ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Song, một số chuyên gia thì lại cho rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ đẩy Bình Nhưỡng đến bờ vực sụp đổ kinh tế vì vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì kinh tế Triều Tiên như một vùng đệm chiến lược quan trọng nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á cũng như hạn chế sự di dân từ nước láng giềng.
Phương Anh
Theo Thanhnien.vn