Thái Lan, Việt Nam, Indonesia vẫn là điểm đầu tư ưa thích, nhưng vấn đề về nhân lực và ô nhiễm môi trường có thể khiến các công ty Nhật rút lui.
Trung Quốc sáng tạo phương pháp mới để điều hành nền kinh tế?
- Cập nhật : 24/07/2018
Trung Quốc đã kinh qua cả cuộc Đại suy thoái 2009 và đợt vỡ bong bóng thị trường chứng khoán của chính mình nhưng nước này chưa tăng trưởng âm lần nào.
Chưa bao giờ bị suy thoái trong 25 năm qua
Theo Bloomberg phân tích, ở Mỹ và các nước phát triển khác, có 3 triết lý cơ bản trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Triết lý đầu tiên là Kinh tế học Keynes, với nội dung xoay quanh việc kích thích tài khóa, chủ yếu là ở dạng tăng chi tiêu của chính phủ. Thứ hai là chủ nghĩa tiền tệ, trong đó giữ quan điểm rằng đưa nền kinh tế ra khỏi suy thoái là việc của ngân hàng trung ương, bằng cách giảm lãi suất, thực hiện việc nới lỏng định lượng hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ theo những cách khác nhau. Trường phái thứ ba cho rằng suy thoái là một hiện tượng bình thường và có ích, các chính phủ không nên chống lại nó.
Ba phương pháp tiếp cận này đã tồn tại quá lâu đến nỗi rất dễ để kết luận rằng ngoài chúng ra thì không còn một phương pháp nào khác. Nhưng rất có thể vẫn tồn tại một thứ khác, một phương pháp tốt để ổn định nền kinh tế mà không cần tới các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ. Và rất có thể Trung Quốc đã tìm ra biện pháp thay thế này.
Trong một phần tư thế kỷ, mức tăng trưởng của Trung Quốc vẫn luôn ổn định đáng kinh ngạc. Tuy vẫn có lúc lên xuống nhưng nước này vẫn chưa ghi nhận một cuộc suy thoái nào trong suốt thời gian đó. Trong suốt khoảng thời gian đó, mức tăng trưởng GDP thực tế chưa bao giờ xuống dưới 6%.
Tăng trưởng GDP hàng quý (điều chỉnh theo năm) của Trung Quốc qua các thời kì, chưa bao giờ là con số âm.
Dù rằng còn nhiều tranh cãi về chất lượng số liệu của Trung Quốc, hầu hết các nhà quan sát này đều có chung một kết luận là Trung Quốc chưa bao giờ có chỉ số tăng trưởng âm trong những năm gần đây, mặc dù có hơi chậm lại trong năm 2015.
Điều này thật đáng chú ý. Hầu hết các nước phát triển nhanh đều gặp khó khăn vào một lúc nào đó. Trong giai đoạn nền kinh tế Mỹ trỗi dậy vào những năm 1800, Mỹ cũng phải chịu đựng nhiều lần suy thoái và hoảng loạn (lúc ấy đã có định nghĩa về suy thoái). Ngược lại, hiện nay Trung Quốc đã kinh qua cả cuộc Đại Suy thoái 2009 và đợt vỡ bong bóng thị trường chứng khoán của chính mình nhưng nước này chưa tăng trưởng âm lần nào.
Làm thế nào mà Trung Quốc làm được kỳ tích này? Chắc chắn Trung Quốc đã dùng chính sách tiền tệ để làm công cụ ổn định, nhưng lãi suất của Trung Quốc không thay đổi quá nhiều hoặc đột ngột. Trung Quốc cũng sử dụng chính sách tài khóa trong cuộc Đại Suy thoái năm 2009, duy trì mức thâm hụt tài khóa khoảng 7% GDP. Nhưng gói kích thích tài khóa này cũng nhanh chóng kết thúc, khi Trung Quốc duy trì một mức thặng dư nhỏ vào năm sau. Chính sách tài khóa có thể có tác dụng, nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện.
Ngoài việc chi tiêu nhiều hơn, Trung Quốc cũng chỉ đạo các ngân hàng cho vay nhiều tiền hơn nữa. Ngân hàng thế giới WB ước tính khoản tín dụng ngân hàng được tăng thêm này chiếm khoảng 40% gói kích thích của Trung Quốc. Phần lớn các khoản vay là do bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc phát hành.
Các khoản vay này chảy vào cơ sở hạ tầng, bất động sản và đủ loại dự án doanh nghiệp khác, phần lớn các dự án này lại là do các tập đoàn nhà nước thực hiện. Các khoản vay này thường lãng phí và có thể làm ảnh hưởng đến năng suất, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng khi có thể cứu nền kinh tế khỏi rơi xuống vực thẳm, đặc biệt là khi một cuộc suy thoái trầm trọng có thể đe dọa đến sự ổn định chính trị trong nước.
Trong những năm sau cuộc khủng hoảng, Trung Quốc hết lần này đến lần khác sử dụng chính sách tín dụng để ổn định nền kinh tế - khuyến khích ngân hàng cho vay thêm khi có nguy cơ suy thoái và kiểm soát chặt chẽ các khoản tín dụng khi bong bóng bất động sản đe dọa sẽ mất kiểm soát. Trong năm 2011, chính phủ nước này đã thắt chặt cho vay để ngăn ngừa xảy ra bong bóng nhà đất, một lần nữa vào năm 2013, và lần nữa năm 2017.
Năm 2014, Trung Quốc nới lỏng cho vay để kích thích nền kinh tế. Năm 2016, nước này giảm mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để kích thích mở rộng tín dụng. Gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ, thế là nước này lại giảm mức dự trữ bắt buộc và đưa ra một số chỉnh sửa trong chính sách để khuyến khích cho vay.
Bài học cho các nước phát triển?
Mặc dù khá khó để có một bức tranh rõ ràng về tổng thể chính sách tín dụng của Trung Quốc, vì có rất nhiều các đòn bẩy chính sách, và vì có rất nhiều chuyện được làm trong vòng bí mật, nhưng có vẻ Trung Quốc đang định hình được một một cách tiếp cận mới để ổn định kinh tế vĩ mô. Phương pháp này tập trung vào giá tài sản, tài chính ngân hàng, bất động sản và kiểm soát hành chính các ngân hàng.
Nhiều nhà kinh tế học sẽ thấy phương pháp tiếp cận này mang tính đối phó, ngẫu nhiên và can thiệp quá sâu, không phải một thứ mà các nước phát triển có thể dựa vào. Nhưng có vẻ như nó đã lèo lái Trung Quốc thành công qua nhiều cuộc khủng hoảng, luôn giúp Trung Quốc ngăn chặn các cuộc đổ vỡ tài chính thảm khốc mà các nhà quan sát nước ngoài đã cảnh báo trong nhiều năm.
Các nước như Nhật Bản và thành viên Liên minh châu Âu EU sử dụng tài trợ từ ngân hàng rất nhiều. Mỹ thì có xu hướng thích dùng trái phiếu hơn, nhưng ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn vẫn cực kỳ quan trọng trong khu vực bất động sản, một khu vực vốn là yếu tố rất quan trọng trong chu kỳ kinh doanh.
Các quốc gia phát triển liệu có thể tạo ra nhiều công cụ chính sách hơn để thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn khi xảy ra suy thoái và cắt giảm khi có nguy cơ xuất hiện bong bóng hay không? Hay là đây là phương pháp độc đáo của riêng của Trung Quốc, một mô hình không thể sao chép? Liệu sự can thiệp liên tục của Trung Quốc vào thị trường tín dụng có làm giảm dần năng suất, đến cuối cùng sẽ làm sụp đổ cả hệ thống? Không có cách nào để biết được câu trả lời bây giờ.
Nhưng những nhà kinh tế học vĩ mô nên suy nghĩ về việc dùng chính sách tín dụng làm một phần bổ sung quan trọng cho các công cụ truyền thống như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để chống lại suy thoái.
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn