18 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến hàng loạt Chính phủ lung lay và các công ty phá sản, đồng tiền các nước trong khu vực một lần nữa lại chịu sức ép giảm giá.
Kinh tế Trung Quốc: Đón gió đổi chiều
- Cập nhật : 23/04/2018
Kinh tế của Trung Quốc đã ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 nhưng những quý sắp tới, gió có thể sẽ đổi chiều.
Hiện tượng Vũ Hán
Chỉ cách đây vài năm, Vũ Hán, một thành phố lớn thuộc tỉnh Hồ Bắc, nằm giữa các nhánh sông của sông Trường Giang, đã trở thành biểu tượng cho… nỗi ô nhục kinh tế của Trung Quốc. Khi đó, thành phố này đang gánh món nợ chồng chất. Một vị quan chức cấp cao của Vũ Hán cũng nổi tiếng với biệt danh “Người khai quật thành phố”, vì vị này quá mức nhiệt tình triển khai các công trình xây dựng đồ sộ. Một công viên chủ đề phim ảnh, với mục tiêu trở thành một biểu tượng của thành phố, đã phải đóng cửa vì quá vắng khách. Và người ta ước tính sẽ phải mất gần 10 năm mới bán hết các căn nhà tồn đọng của Vũ Hán.
Nhưng hiện nay, thành phố 11 triệu dân này đã trở thành một tượng đài biểu trưng cho sức sống bền bỉ của nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Vũ Hán đã tăng tốc mạnh mẽ thậm chí khi chính quyền địa phương ra sức kiểm soát nợ gắt gao hơn. 5 đường tàu điện ngầm đã được khai trương hoặc mở rộng chỉ riêng trong 2 năm qua và đều chật ních người đi trong giờ cao điểm. Vốn đầu tư đang ồ ạt đổ vào các công ty sản xuất chất bán dẫn, nghiên cứu công nghệ sinh học và các công ty an ninh mạng. Một lượng rất lớn các căn nhà chưa bán được nay đã có chủ.
Giống như Vũ Hán, nền kinh tế của Trung Quốc đã ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2015. Khi đó, nước này vẫn còn chao đảo sau vụ sụp đổ trên thị trường chứng khoán, chứng kiến dòng vốn tháo chạy ra khỏi lãnh thổ và lượng nợ cũng được “tích lũy” với tốc độ đáng báo động. Nhưng các con số được báo cáo vào ngày 17.4 vừa qua cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,8% trong 3 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng GDP danh nghĩa đã lên tới trên 10%. Nợ/GDP của Trung Quốc cũng đã ổn định trở lại, một dấu hiệu cho thấy rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính đã lùi lại.
Sự lội ngược dòng của kinh tế Trung Quốc xuất phát từ 3 yếu tố. Thứ nhất, Chính phủ đã bắt đầu ra tay xử lý nhiều vấn đề thăm căn cố đế. Sau một thời gian dài sản xuất dư thừa thép và than đá, các nhà lãnh đạo nước này đã triển khai một chiến dịch cắt giảm mạnh công suất chưa sử dụng, nhờ đó thu hẹp sản lượng và đẩy giá lên. Để xử lý lượng lớn bất động sản tồn đọng, chính quyền các địa phương đã mua lại hàng triệu ngôi nhà chưa bán được từ các nhà phát triển bất động sản để cấp cho người nghèo.
Trong ngành tài chính, các cơ quan chức trách đã tập trung xử lý các khoản cho vay ngoại bảng “không rõ ràng” và giải quyết các đối tượng vay nợ lớn như các nhà phát triển bất động sản. Wang Tao, thuộc Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), cho biết những nỗ lực này đã giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư. Bằng chứng là giá trị cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông đã tăng 1/3 trong suốt 2 năm qua.
Chất trọng hơn lượng
Chính phủ cũng đã đứng sau màn thu xếp giải cứu những công ty gặp khó khăn. Tại Vũ Hán chẳng hạn, một công ty thép lớn làm ăn thua lỗ đã được cho sáp nhập với một đối tác mạnh hơn ở Thượng Hải vào năm 2016. Công ty mới hậu sáp nhập hiện đang làm ăn có lãi.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang trưởng thành. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại qua thời gian khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn, nhưng những thay đổi mang tính cơ cấu cũng đang giúp cho tăng trưởng trở nên ổn định hơn. Trong khi đó, thu nhập tại Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này đang giúp tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Việc quá dựa dẫm vào vốn đầu tư đang dần nhường chỗ cho tiêu dùng, vốn ngày càng góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ngành công nghiệp nặng cũng đang nhường chỗ cho ngành dịch vụ, hiện chiếm hơn 50% GDP Trung Quốc, tăng từ mức 1/3 cách đây 20 năm.
Cùng lúc đó, Trung Quốc lại đang hái trái ngọt từ một số khoản đầu tư lớn được triển khai suốt thập niên qua như dự án đường sắt cao tốc tại các khu vực đông đúc dân cư. Qin Zunwen, chuyên gia kinh tế thuộc chính phủ tại Vũ Hán, cho biết mặc dù nợ địa phương đã tăng mạnh nhưng hầu hết đều phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng như các đường tàu điện ngầm, các cây cầu bắc qua sông Trường Giang, hay các đường cao tốc trên không, mà những dự án này hiện đang được đưa vào sử dụng.
Yếu tố thứ 3 giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc là sự hồi phục của các thị trường quốc tế. Đà tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu đã tạo động lực tăng trưởng cho các công ty Trung Quốc. Sau khi sụt giảm vào năm 2016, xuất khẩu đã tăng trở lại. Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên cũng đã mang lại nguồn thu cao hơn cho ngành công nghiệp Trung Quốc, cải thiện tình hình kinh doanh của các nhà khai thác mỏ và sản xuất kim loại, giúp những doanh nghiệp này trang trải chi phí lãi vay. Không chỉ vậy, điều đó đã giúp cho quá trình thoái nợ của nền kinh tế Trung Quốc bớt phần cam go hơn.
Trung Quốc đã kìm cương dòng vốn nóng chảy ra khỏi biên giới bằng cách siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát vốn. Nước này cũng hưởng lợi từ đồng USD yếu kể từ đầu năm 2017, vốn làm cho đồng nhân dân tệ trở nên hấp dẫn hơn.
Đà khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với thị trường tiêu dùng tỉ dân là tin vui cho những nền kinh tế có quan hệ thương mại với nước này và cũng như cho cả nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những quý sắp tới, gió có thể sẽ đổi chiều đối với Trung Quốc. Mối lo ngại lớn nhất và ngay trước mắt chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính quyền ông Trump đã tuyên bố áp mức thuế quan khoảng 50 tỉ USD lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc và có thể sẽ sớm tăng gấp 3 lần con số này. Xuất khẩu sang Mỹ hiện không chiếm tỉ trọng lớn trong GDP Trung Quốc, nhưng một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ làm chao đảo các chuỗi cung ứng toàn cầu và dấy lên tâm lý lo ngại, bi quan trên các thị trường.
Mặt trái của chiến dịch kiểm soát nợ cũng dần hiện rõ. Năm ngoái các cơ quan chức trách đã tập trung mũi tấn công vào hệ thống tài chính, chẳng hạn thẳng tay đối với các khoản vay mượn để mua trái phiếu. Năm nay, mũi nhọn chú ý lại hướng về nguồn vốn chính phủ. Điều này sẽ tạo tác động trực tiếp hơn lên nền kinh tế. Trung Quốc trước đó đã ra sức giải quyết tình trạng vung tay quá trán của các quan chức địa phương nhưng họ cũng có cách để luồn lách. Một chiêu hay sử dụng gần đây là trá hình nợ dưới hình thức hợp tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, lần này, chính sách dường như nghiêm ngặt hơn. Các công trình làm tàu điện ngầm đã bị hoãn lại ở những thành phố có nguồn tài chính quá kém. Tín dụng bị siết chặt hơn cũng có thể gây sức ép lên hoạt động đầu tư (tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015).
Trong thập niên vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tăng mạnh vốn đầu tư bất cứ khi nào nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ở mức “khó coi”. Nhưng gần đây Chủ tịch Tập Cận Bình hay nhấn mạnh tăng trưởng về chất quan trọng hơn tăng trưởng về lượng. Các quan chức tại Vũ Hán dường như thấm nhuần tư tưởng này. Tại các cuộc họp gần đây, họ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy cải tiến, làm sạch môi trường và kiểm soát nợ một cách chặt chẽ. Nhưng nói là vậy, còn phải chờ xem liệu đến khi tăng trưởng chậm lại, họ có còn giữ vững lập trường hay lại có “một phút yếu lòng”.
Đàm Hoa
Theo Nhipcaudautu.vn