Sáng kiến thành phố thông minh sẽ là dòng chủ lưu thúc đẩy nền kinh tế ASEAN phát triển lên một tầm cao mới.
New York Times: 'Kinh tế Triều Tiên vẫn đang khởi sắc'
- Cập nhật : 01/05/2017
Sau hàng thập kỷ bị cô lập và trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên vẫn có những tín hiệu khởi sắc tích cực, thông tin từ một bài báo mới nhất trên tờ New York Times.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên ngày 26-4 vừa qua - Ảnh: KCNA/Reuters
Tờ New York Times (NYT) của Mỹ đã chỉ ra những tín hiệu rõ rệt thông qua số liệu, nhận định của giới chuyên gia về sự phát triển của nền kinh tế theo xu hướng thị trường của Triều Tiên.
Từ đó chỉ ra những thách thức mà chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang đối mặt khi phải giải quyết những xung đột lợi ích trong việc thực hiện một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Từ 5 năm trước, khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, hàng chục khu chợ đã được mở ra tại khắp các thành phố của Triều Tiên. Cùng với đó là sự nở rộ của một tầng lớp các thương nhân, doanh nhân được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền.
Thủ đô Bình Nhưỡng náo nhiệt với nhiều công trường xây dựng đồng loạt khởi công. Tại đây người ta cũng thấy ô tô đi lại trên phố đông đúc tới mức đủ để một bộ phận người dân có thể mưu sinh bằng công việc cọ rửa loại phương tiện này.
Mặc dù các số liệu thống kê về kinh tế của Triều Tiên không được giới truyền thông quốc tế tin cậy, tuy nhiên thông qua nguồn tin từ những người rời bỏ nước này, những du khách thường xuyên qua lại Bình Nhưỡng và đánh giá của các chuyên gia kinh tế học, có thể thấy, các động lực kinh tế thị trường mới hình thành đã bắt đầu định hình nên một vóng dáng mới cho Triều Tiên.
Do đó, tờ NYT cho rằng, ngay cả khi tổng thống Mỹ cam kết siết các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn, nhất là thông qua Trung Quốc, để ngăn chặn việc Triều Tiên phát triển các loại tên lửa đạn đạo gắn được đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ, thì sự phát triển của kinh tế Triều Tiên cho thấy chính quyền tại Bình Nhưỡng sẽ vẫn đủ sức đương đầu với các áp lực trừng phạt đó.
Tăng trưởng kinh tế thường niên 1-5%
Mặc dù nền kinh tế Triều Tiên còn rất nhiều khó khăn, nhưng ước tính tỉ lệ tăng trưởng thường niên của nước này dưới thời cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn đạt 1-5%, tức là tương đương với một số nền kinh tế đang phát triển nhanh mà không bị kìm chân bởi các lệnh trừng phạt như họ.
Nhà lãnh đạo 33 tuổi Kim Jong Un từng cam kết với người dân trong nước sẽ không bao giờ để họ phải rơi vào cảnh ‘thắt lưng buộc bụng’ lần nữa. Tuy nhiên trong khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân được mở rộng quy mô làm ăn, nhà lãnh đạo trẻ cũng đối mặt với các thách thức không nhỏ để có thể kiểm soát sự phát triển hợp lý của một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, cha của ông Kim Jong Un, đã từng có quan điểm lưỡng lự với việc phát triển các khu chợ tại Triều Tiên ở giai đoạn trước khi ông qua đời năm 2011.
Đôi lúc ông Kim Jong-Il chấp nhận điều này để tăng nguồn cung thực phẩm trong nước, làm dịu bớt tác động tiêu cực của những lệnh trừng phạt do LHQ áp đặt với Triều Tiên. Nhưng có lúc ông lại ngăn cản điều đó.
Tuy nhiên kể từ năm 2010, số chợ được chính phủ cho phép hoạt động tại Triều Tiên đã tăng gấp đôi, lên 440 chợ. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy số chợ này phát triển về quy mô tại hầu hết các thành phố.
Theo một nghiên cứu của Viện thống nhất quốc gia về Triều Tiên, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, trong một đất nước có khoảng 25 triệu dân như Triều Tiên, đã có khoảng 1,1 triệu người là những nhà bán lẻ hoặc những người quản lý trong các khu chợ này.
Nhà nghiên cứu Cha Moon-seok của Viện Giáo dục thống nhất của Hàn Quốc ước tính chính phủ Triều Tiên thu được khoảng 222.000 USD/ngày tiền thuế từ các khu chợ do họ quản lý.
Cùng với đó, các hoạt động buôn bán không chính thức cũng nở rộ. Mọi người sản xuất, buôn bán giày dép, quần áo, bánh kẹo, bánh mỳ ngay tại nhà họ; các chợ nông nghiệp truyền thống họp theo phiên cứ 10 ngày một lần tại các vùng nông thôn; những nhóm buôn lậu chào bán các hàng hóa chợ đen kiểu như băng đĩa phim Hollywood, phim bộ truyền hình Hàn Quốc và điện thoại thông minh có thể sử dụng ở khu vực gần biên giới Trung Quốc….
Tại phiên họp kín báo cáo thông tin trước các nghị sĩ quốc hội hồi tháng 2 năm nay, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, ông Lee Byung-ho cho biết, ít nhất 40% dân cư Triều Tiên đang tham gia một dạng thức doanh nghiệp tư nhân nào đó. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ ở Hungary và Ba Lan trong giai đoạn ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
“Cạnh tranh khắp nơi”
Theo ước tính của bà Kim Young-hee, người đứng đầu bộ phận kinh tế Triều Tiên tại Ngân hàng Phát triển Korea tại Hàn Quốc, 80% lượng hàng hóa tiêu dùng được bán tại các chợ của Triều Tiên có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Ung đã thúc giục các nhà sản xuất trong nước tạo thêm nhiều hàng hóa nội địa để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Cũng theo thông tin từ một số người đã trốn khỏi Triều Tiên, giày dép, rượu, thuốc lá, tất, bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm và mỳ ăn liền sản xuất tại Triều Tiên cũng đã giành chiếm được một số thị phần so với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc.
Một số người có dịp qua lại Triều Tiên thường xuyên cho rằng, tại thủ đô Bình Nhưỡng, diện mạo của một nền kinh tế tiêu dùng thực sự đã bắt đầu xuất hiện.
Nhà kinh tế học Rüdiger Frank của Đại học Vienna, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên gần đây đã có dịp tới thăm một khu trung tâm thương mại tại Bình Nhưỡng nói: “Cạnh tranh ở khắp nơi, trong đó có sự cạnh tranh giữa các hãng lữ hành, doanh nghiệp taxi và các nhà hàng”.
Một nhà mạng di động khai trương năm 2008 tới nay đã có hơn 3 triệu thuê bao. Trong bối cảnh mạng lưới điện quốc gia còn nhiều trục trặc, việc nhập khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời đã trở thành một biểu tượng của tầng lớp trung lưu trong xã hội Triều Tiên.
Người ta vẫn nhớ khi ông Kim Jong Un đứng trên lễ đài theo dõi buổi duyệt binh tháng 4 vừa rồi, đứng cạnh ông là hai quan chức, Hwang Pyong-so, Giám đốc tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên và thủ tướng phụ trách kinh tế Pak Pong-ju.
Hình ảnh đó là biểu tượng cho thấy quan điểm về đường lối phát triển đất nước của nhà lãnh đạo trẻ, đó là theo đuổi và phát triển song song hai mục đích: phát triển kinh tế và xây dựng sức mạnh kho vũ khí hạt nhân.
Bởi theo ông Kim Jong Un, chỉ có sức mạnh hạt nhân mới giúp Triều Tiên đủ sức mạnh phòng vệ trước Mỹ và giúp đất nước này tập trung vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
D. KIM THOA
Theo tuoitre.vn