Ấn Độ vừa công bố một kế hoạch đầy tham vọng: tới năm 2030 sẽ thay toàn bộ xe chạy động cơ đốt trong bằng xe điện nhằm giải quyết vấn nạn về ô nhiễm, năng lượng.
Các thành phố thông minh châu Á
- Cập nhật : 30/04/2017
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, các thành phố thông minh được xem là giải pháp cho những vấn đề nhức nhối như: Đông dân, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông...
Dân số thành thị đang trên đà gia tăng trên toàn thế giới. Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, tỷ lệ người sống ở các thành phố lớn được dự đoán sẽ tăng từ 54% hiện tại lên 66% tổng dân số toàn cầu. Cùng với sự mở rộng nhanh chóng của đô thị là một loạt thách thức, trong đó có tình trạng đông dân, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn đường, áp lực đối với cơ sở hạ tầng và nhu cầu năng lượng tăng.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, các thành phố thông minh được xem là giải pháp cho những vấn đề nhức nhối này. Tuy nhiên, cách thức xây dựng các thành phố thông minh là khác nhau tùy thuộc vào từng khu vực, nhằm đáp ứng chu cầu cụ thể của người dân mỗi nước và tận dụng các công nghệ mà họ sẵn có.
Thành phố Songdo (Hàn Quốc) là thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới. Songdo phát triển ba mạng lưới nước, bao gồm nước sạch, nước thải và nước đã qua xử lý, để cung cấp cho người dân. Thành phố này cũng dùng khí tự nhiên để sưởi ấm và có một hệ thống thu lượm rác thải chạy bằng khí nén.
Tuy nhiên, có lẽ một trong những điều đặc biệt tạo nên "đẳng cấp" của Songdo lại nằm ở những chiếc chìa khóa nhà bằng thẻ thông minh, đồng thời cũng được dùng như phương tiện chi trả cho các dịch vụ tàu điện ngầm, đỗ xe, xem phim và nhiều loại hình dịch vụ khác nữa. Những chiếc thẻ này không liên quan đến danh tính người sử dụng và có thể được hủy bỏ hay cài đặt lại một cách dễ dàng trong trường hợp đánh mất.
Còn ở Nhật Bản, sau thảm họa động đất năm 2011, nước này đã đưa ra “Chính sách xanh” nhằm giải quyết những lo ngại về hiệu quả và an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách này bao gồm kế hoạch lắp đặt hệ thống quản lý năng lượng nhà ở (HEMS) trong tất cả các hộ gia đình đến năm 2030. Trong dự án Thành phố thông minh Yokohama (YSCP), gần 4.200 hệ thống HEMS, và 2.300 phương tiện giao thông chạy bằng điện đã được lắp đặt, qua đó khiến lượng CO2 giảm đến 39.000 tấn.
HEMS cho phép các hộ gia đình và tòa nhà ở Yokohama tiết kiệm năng lượng và cắt giảm hóa đơn tiền điện. Mục đích của dự án YSCP là cắt giảm mạnh lượng khí thải có carbon vốn được coi là “thủ phạm” gây ra tình trạng ấm nóng toàn cầu, theo các nhà khoa học. Giấc mơ lớn hơn đằng sau dự án YSCP là biến thành phố thông minh này trở thành một loại “hàng hóa” xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản trong tương lai, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nước này bị Trung Quốc “vượt mặt” trên bản đồ kinh tế thế giới.
Bên cạnh hệ thống đường phố sạch đẹp và các dịch vụ băng thông rộng tốc độ cao, Singapore đang đẩy mạnh việc xây dựng một quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Gần đây, “đảo quốc sư tử” đã chính thức ra mắt chung cư đầu tiên tích hợp giải pháp công nghệ LifeUp 3 trong 1 bao gồm: Nhà thông minh, Cộng đồng thông minh và Thanh toán thông minh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Giám đốc điều hành Wang Lian của Fantasia, chủ đầu tư chung cư nói trên, cho biết khác với các ứng dụng nhà thông minh trước đây, giải pháp công nghệ mới này cho phép tích hợp một cách đầy đủ nhất các tính năng bao gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển xe thông minh và khóa cửa sinh trắc học, điều chỉnh hệ thống ánh sáng cũng như nhiệt độ điều hòa và nước nóng để tiết kiệm năng lượng... Đặc biệt, giải pháp này cũng cho phép cư dân có thể thanh toán di động thông qua "ví ảo" được cài đặt ngay trên điện thoại để trả tiền các loại phí dịch vụ trong khu nhà cũng như các tiện ích thanh toán khác.
Khánh Ly (Tổng hợp)
Theo Báo Tin Tức