Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều điều để kỷ niệm cột mốc 50 năm ra đời: tiến bộ kinh tế - xã hội, vị thế khu vực sản xuất và mức ổn định chính trị tương đối.
Thái Lan 4.0: Không cải cách hành chính thì khó đạt được mục tiêu
- Cập nhật : 03/08/2017
Trong các nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước đang có những hành động tích cực hơn cả trong việc triển khai sáng kiến "Thái Lan 4.0". VietTimes xin giới thiệu bài phỏng vấn của ông Suvit Maesincee, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của chương trình này với báo Bangkok Post
Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan Suvit Maesincee: Bộ máy hành chính cần phải được hiện đại hóa và chấm dứt thói quan liêu
Suvit Maesincee, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của chương trình được quảng bá rộng rãi Thái Lan 4.0 - chiến lược quốc gia tập trung vào giá trị gia tăng, công nghệ cao và đổi mới. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cải cách kinh tế xã hội của đất nước. Dưới đây là cuộc trò chuyện của ông với phóng viên báo Bưu điện Bangkok về những bước phát triển mới nhất trong tiến trình chuyển đổi của Thái Lan.
- Bước tiếp theo để thực hiện cải cách kinh tế và xã hội của Thái Lan là gì?
- Ngày 22/6 vừa qua, Quốc hội Lập pháp (NLA) đã thông qua dự luật về chiến lược quốc gia và dự luật cải cách quốc gia. Cần ít nhất 11 tháng để triển khai công cuộc cải cách như đã nêu trong hai đạo luật, vì việc đầu tiên của chính phủ là soạn thảo các chương trình cải cách quốc gia và chiến lược quốc gia 20 năm. Theo dự thảo, Ủy ban Cải cách Quốc gia, Chiến lược Quốc gia và Hoà giải, do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch, vẫn sẽ được duy trì.
Để công việc có hiệu quả hơn, chính phủ sẽ yêu cầu hợp tác trong việc thực hiện cải cách từ khu vực tư nhân theo mô hình hợp tác công - tư Pracha Rat. Năm người đã đồng ý giúp chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách. Chủ tịch Toyota Motor Thailand Ninnart Chaithirapinyo sẽ phụ trách điều hành bộ các chỉ số hoạt động chủ chốt (KPIs) mới cho khu vực công. Ông Taweesak Koranantakul, cựu Giám đốc Cơ quan Phát triển Công nghệ Quốc gia sẽ chịu trách nhiệm về chính phủ số hóa, trong khi đó Chủ tịch SCG Rungroj Rangsiyopas sẽ giám sát việc phát triển nguồn nhân lực. Chủ tịch Công ty AIS (nhà mạng lớn nhất Thái Lan) Kan Trakulhoon, sẽ chịu trách nhiệm cải cách pháp luật và nhân lực trong khu vực công. Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Tevin Vongvanich chịu trách nhiệm về cắt giảm thủ tục trong kinh doanh, và ông Borwornsak Uwanno, Tổng Thư ký của Viện Hoàng gia Prajadhipok, sẽ đưa ra tư vấn cải cách pháp lý.
- Lĩnh vực nào cần thực hiện cải cách trước tiên?
- Ủy ban Cải cách Quốc gia, Chiến lược Quốc gia và Hoà giải nhất trí rằng nếu không cải cách được nền hành chính quan liêu thì khó có thể thúc đẩy đất nước đạt được mục tiêu sáng kiến Thái Lan 4.0, kế hoạch chiến lược 20 năm đầy tham vọng, mà thậm chí ngay cả cải cách giáo dục cũng khó đạt được.
Cuộc họp chung giữa các nhà đầu tư trong khu vực tư nhân sẽ được tổ chức sớm để thu thập thông tin phản hồi về cách thức tiến hành cải cách đang được thực hiện.
Trong một cuộc họp gần đây của Ủy ban,Tướng Prayut cũng đã nêu rõ, trước hết cần phải cải cách bộ máy hành chính quan liêu và yêu cầu cần phải có những tiến bộ trong vòng sáu tháng tới.
Hệ thống hành chính cần phải được hiện đại hóa và thích ứng hơn, bớt phiền hà hơn. Bộ máy hành chính mới hay còn gọi là “Bộ máy hành chính Thái Lan 4.0" cần có tính hiệu quả cao, năng lực đủ mạnh để hỗ trợ Thái Lan 4.0 vì các chương trình nghị sự mới của quốc gia như sự già hóa dân số và chính phủ điện tử số sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Văn phòng của Ủy ban Phát triển Khu vực công sẽ được giao nhiệm vụ như một cơ quan nhà nước trọng yếu để thực hiện cải cách bộ máy.
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước sẽ phải chỉnh sửa lại chức năng nhiệm vụ và dịch vụ của họ trong vòng ba tháng, sau đó đệ trình lên Ủy ban.
Các cơ quan nhà nước chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu, đồng thời tiết giảm các công việc không phải là thiết yếu cho các bên thứ ba hoặc các cơ sở gia công. Một cuộc điều tra ban đầu cho thấy, có tới 30-40% các dịch vụ hành chính hiện nay có thể được chuyển giao cho các đơn vị dịch vụ gia công.
- Chính phủ đã đạt được những tiến bộ nào trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh?
- Liên quan đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, chính phủ vẫn cần thiết lập trung tâm dịch vụ một cửa cho đăng ký kinh doanh, với khoản đầu tư 1,4 tỷ baht (42 triệu USD) vào phần mềm liên kết hệ thống máy tính của các cơ quan nhà nước.
Trung tâm dịch vụ một cửa cũng sẽ cho phép công chúng rộng rãi liên hệ với chính phủ thông qua internet. Vì thế, theo khái niệm Thái Lan 4.0, chính phủ cần phải được số hoá.
Nhưng hiện, việc phát triển một hệ thống quản lý dữ liệu lớn đang bị trì hoãn. Chính phủ cam kết thiết lập hệ thống trong năm nay, bởi vì 'chính phủ số hóa' và 'dữ liệu lớn' sẽ giúp tạo ra nhiều sự minh bạch hơn. Các cơ quan nhà nước cũng cần phối hợp phát triển nguồn nhân lực và cắt giảm chi tiêu.
Có thể cần thiết chuyển giao các nguồn lực hiện có của chính quyền trung ương cho các đối tác cấp tỉnh và chính quyền địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới, nơi các thành phố lớn phát triển nhờ biên mậu, đầu tư và các khu kinh tế đặc biệt.
Thái Lan cần được thúc đẩy hơn nữa như một cửa ngõ vào Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hợp tác nhiều hơn có thể tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Thái Lan trong khi nâng cao thu nhập của các nước láng giềng.
- Chính phủ đã cải thiện các chỉ số hành động chủ chốt mới (KPIs) giữa các cơ quan nhà nước như thế nào?
- Bộ KPIs hiện tại của các cơ quan nhà nước là không có tính thực tế bởi vì mỗi cơ quan đều đưa ra bộ chỉ số riêng. KPIs hiện tại cũng không phản ánh được kỳ vọng của khu vực công và khu vực tư nhân.
Bộ chỉ số KPIs mới cần được nâng cấp trở thành KPIs chiến lược phù hợp với Chiến lược phát triển quốc gia 20 năm và các cuộc cải cách quốc gia.
- Chính phủ đã hỗ trợ cải cách như thế nào?
- Hiện có ba tiểu ban đang được thành lập. Các tiểu ban này sẽ đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Cải cách Quốc gia, Chiến lược Quốc gia và Hoà giải. Cũng sẽ có một tiểu ban về cải cách khu vực công và một tiểu ban nâng cao nhận thức về Thái Lan 4.0 và một tiểu ban về các dự án đặc biệt được xây dựng theo chương trình Pracha Rat.
Chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay, trong khi các dự án đặc biệt bao gồm phát triển lưu vực sông Nan và kế hoạch đầu tư công - tư cho một dự án vận tải khối lượng ở Khon Kaen.
Những dự án đó sau này sẽ được mở rộng sang các tỉnh khác nếu thành công.
Theo Bangkok Post/Viettimes.vn