Trong các nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước đang có những hành động tích cực hơn cả trong việc triển khai sáng kiến "Thái Lan 4.0". VietTimes xin giới thiệu bài phỏng vấn của ông Suvit Maesincee, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của chương trình này với báo Bangkok Post
Thái Lan 4.0: Hiệp hội Internet thúc giục chính sách kinh tế số thống nhất
- Cập nhật : 28/07/2017
Chính phủ Thái Lan cần một cách tiếp cận thống nhất về chính sách và các quy định để thúc đẩy nền kinh tế số - đó là ý kiến của Hiệp hội Internet (Isoc), một tổ chức hàng đầu về chính sách internet độc lập.
Rajnesh Singh, Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nói: "Các nhà hoạch định chính sách cần phải có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế bằng cách phối hợp giữa các cơ quan và các bộ với cách tiếp cận thống nhất”.
Hiện đang có một số cơ quan riêng biệt quảng bá sáng kiến Thái Lan 4.0, bao gồm Bộ Kinh tế và Xã hội Số (DE), Ủy ban Phát thanh và Truyền thông Quốc gia (NBTC) - một cơ quan chức năng độc lập đang cố gắng điều chỉnh các nhà cung cấp dịch vụ OTT (Over-the-Top OTT) và Tổng cục Đường bộ trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Các quy định không đồng bộ đôi khi có thể gây ra vấn đề, ông Singh nói. Ví dụ, quy định của NBTC về OTT nhằm kiểm soát các công ty nước ngoài cũng tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà cung cấp nội dung địa phương.
Ông Singh cho rằng cần thành lập một ủy ban gồm DE, NBTC và các cơ quan liên quan đến kỹ thuật số để giải quyết các chính sách, quy định và các vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số. Theo ông, ủy ban này cần được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng. Naveed Haq, giám đốc phát triển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Internet cho biết, Singapore gần đây đã sáp nhập cơ quan quản lý truyền thông và thông tin đại chúng thành tổ chức riêng, bao gồm các quan chức phụ trách thông tin của tất cả các bộ.
"Chính sách kinh tế số là một vấn đề phức tạp và cần được sự tranh luận giữa các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực", ông Singh nói. "Các quy định có thể thúc đẩy và cũng có thể phá vỡ nền kinh tế kỹ thuật số, làm đông cứng tham vọng của Thái Lan trở thành một trung tâm kinh tế kỹ thuật số tại ASEAN.". Nhưng Thái Lan vẫn thiếu luật bảo mật dữ liệu, một điều quan trọng để nền kinh tế số có thể vận hành, ông nói. Luật bảo mật dữ liệu được coi là một tiêu chuẩn cho việc kinh doanh trên toàn cầu. Trong khi đó, sự gia tăng các thiết bị Internet of Things (IoT) có thể khiến dữ liệu cá nhân bị lạm dụng.
Isoc cung cấp những khuôn khổ bảo mật và bảo mật dữ liệu cho các nhà sản xuất IoT và các nhà tích hợp hệ thống để bảo vệ sản phẩm và dịch vụ của họ.
Theo Singh, người sử dụng Internet ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang quan tâm tới năm vấn đề: an ninh mạng, truy cập, bảo vệ dữ liệu, kết nối và bảo mật.
Thay vì giải quyết vấn đề kiểm duyệt trên internet, ông chỉ ra rằng các nước nên tự điều chỉnh bởi số đông những những người trong cuộc và các bên liên quan khác để thực thi luật sở tại.
Liên quan đến việc thu lợi nhuận từ hàng hóa số và hàng hóa thông thường, ông Singh nói, các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu các công ty lớn cung cấp vị trí khách hàng của họ để cải thiện tiêu dùng và thu thuế giá trị gia tăng.
Hiệp hội Internet (The Internet Society, viết tắt là Isoc) được thành lập chính thức vào năm 1992 bởi Vint Cerf và Bob Kahn, hai trong số các “Cha đẻ của Internet”. Thành phần ban lãnh đạo có nhiều người đi đầu trong lĩnh vực Internet, các nhà cách tân và kết nối toàn cầu. Sứ mệnh của Hiệp hội là thúc đẩy sự phát triển mở, tiến hóa và sử dụng internet phục vụ lợi ích của tất cả mọi người trên toàn thế giới.
Trải qua hơn 20 năm thành lập, Isoc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin và sáng tạo lịch sử Internet. Các trụ cột sáng lập của Hiệp hội là Tiếp cận cộng đồng, Công nghệ và Chính sách.
Khoa Hà
Theo bangkokpost.com, Viettimes.vn