Tập đoàn Teakwang Hàn Quốc ngỏ ý muốn thâu tóm Gemadept; Lo ‘bong bóng’ tín dụng; Tạm áp dụng thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch từ Lào; Sản lượng cao su Ấn Độ tăng vọt trong tháng 4
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-05-2017
- Cập nhật : 23/05/2017
Vì sao Ấn Độ ngó lơ ‘đại chiến lược’ Trung Quốc?
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết hồi tuần trước Trung Quốc (TQ) đã mời Thủ tướng Narendra Modi và sáu quan chức nội các của nước này tới dự hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” ở thủ đô Bắc Kinh.
Tuy nhiên, lời mời này đã bị từ chối và quốc gia Nam Á này tuyên bố sẽ không chấp nhận một dự án làm ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước.
Theo báo cáo của Credit Suisse, Ấn Độ với quy mô và tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ có khả năng là quốc gia được TQ rót tiền đầu tư lớn nhất trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” nếu chấp nhận tham gia. Các chuyên gia cho rằng các khoản đầu tư của TQ vào Ấn Độ có thể từ 84 đến 126 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2021, cao hơn nhiều so với Nga, Indonesia, Pakistan và các nước đã ký kết.
Các quan chức cấp cao của Ấn Độ tiết lộ TQ thậm chí chấp nhận đổi tên của dự án từ “Hành lang kinh tế TQ - Pakistan” thành “Hành lang Indus” để nhận được sự chấp thuận của New Delhi.
Theo Reuters, Ấn Độ không hào hứng với sáng kiến của TQ vì một phần của sáng kiến mở các hành lang đường bộ và đường biển nối TQ với phần còn lại của châu Á lại được tiến hành thông qua Kashmir, một khu vực thuộc chủ quyền của Ấn Độ nhưng lại bị Pakistan kiểm soát. Các chuyên gia nhận định nếu Ấn Độ tiếp tục kiềm chế kế hoạch của TQ thì tham vọng kết nối châu Á của nước này sẽ vướng phải nguy cơ lớn.
Tuy nhiên, theo các nhà bình luận TQ và một số chuyên gia Ấn Độ, động thái phản đối này của chính quyền Thủ tướng Modi có thể đẩy Ấn Độ vào thế bị cô lập khi đến lúc không thể tiếp tục dựa vào Mỹ để chống lại sự ảnh hưởng của TQ ở châu Á. Chính Mỹ cũng là một trong 60 quốc gia đã cử đại diện đến Bắc Kinh hồi tuần trước để tham dự hội nghị về sáng kiến do Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khởi xướng.
Bất chấp những nguy cơ này, ông Ram Madhav, một lãnh đạo có ảnh hưởng của đảng cầm quyền Bharatiya Janata, khẳng định New Delhi sẽ không “đánh đổi chủ quyền quốc gia” để ký kết dự án với Bắc Kinh. “Không có đất nước nào lấy chủ quyền của mình ra để thỏa hiệp chỉ vì lợi ích thương mại” - ông Madhav tuyên bố. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay cũng khẳng định Ấn Độ muốn một cuộc thảo luận kỹ lưỡng với TQ về toàn bộ dự án.(PLO)
--------------------------------------
Năng suất dừa Bến Tre giảm 70%-80%
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa Bến Tre” mới đây, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết do ảnh hưởng của hạn mặn và sâu bệnh đã làm cho năng suất vườn dừa hiện tại giảm 70%-80%.
Dừa khan hiếm, thiếu nguồn cung đã làm cho giá dừa hiện tại cao ngất ngưởng (hiện tại giá dừa thương lái thu mua tại vườn 110.000- 120.000 đồng/chục). Trong khi đó nông dân không có dừa để bán, còn doanh nghiệp không có dừa để chế biến.
“Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy đau đớn khi trên đất Bến Tre, doanh nghiệp phải đi mua dừa ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, thậm chí đi qua Indonesia để nhập dừa mọc mộng về chế biến. Càng đau đớn hơn khi 70% nông dân Bến Tre trồng dừa nhưng họ không sống được từ cây dừa” - ông Hạo nói.(PLO)
----------------------
Hải quan kiến nghị tiếp tục 'cởi trói' về kiểm tra chuyên ngành
Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, mức độ hài lòng đối với thủ tục thông quan cần được cải thiện hơn nữa.
Theo ông Vũ Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành, qua đó tiết giảm thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa, phương tiện tại cảng biển, hàng không, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục của doanh nghiệp.
Để thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt rút ngắn thời gian và chi phí thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung nguồn lực xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC, xây dựng nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại.
Đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ: Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Tổng cục Hải quan bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Ngành hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi; đồng thời trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ…, nội dung tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguồn thu, tăng cường thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, quy định hợp lý về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan… Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đến nay, ngành hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan điện tử tự động hoạt động ổn định, giải quyết hầu hết thủ tục thông quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã ký kết thu thuế điện tử với 33 ngân hàng thương mại, số thu chiếm 89% thu ngân sách của ngành, qua đó giảm thời gian nộp thuế từ 2 ngày xuống còn 15 phút. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 4 được 123 thủ tục hành chính; mức độ 3 được 3 thủ tục; mức độ 2 được 23 thủ tục và mức độ 1 được 29 thủ tục.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP, ngành hải quan đang rà soát, hoàn thiện các dịch vụ khách hàng của ngành; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên phía hải quan cũng thừa nhận: mặc dù cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của ngành hải quan thời gian qua nhưng mức độ hài lòng đối với thủ tục thông quan cần được cải thiện hơn nữa. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách, pháp luật liên quan, chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, chậm được cải cách do các bộ, ngành (ngoài Bộ Tài chính) chậm sửa đổi văn bản pháp luật, cải cách thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; sự phối hợp của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan còn chưa tốt.(TTXVN)
--------------------------------
Boeing ký nhiều thỏa thuận quốc phòng và thương mại với Saudi Arabia
Tập đoàn Boeing ngày 21/5 thông báo đã ký một số thỏa thuận quốc phòng và thương mại với Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Salman Bin Abdul Aziz (phải) ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương ngày 20/5. Ảnh: EPA/TTXVN
Đây là thương vụ mới nhất trong số hàng loạt thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD giữa các công ty Mỹ và Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Saudi Arabia đã đồng ý mua các máy bay trực thăng Chinook cùng các dịch vụ hỗ trợ, hệ thống vũ khí dẫn đường và có ý định mua thêm các máy bay trinh sát P-8.
Tuy nhiên, Boeing không cho biết tổng giá trị hợp đồng cũng như số lượng máy bay Saudi Arabia có ý định mua. Ngoài ra, Boeing cũng thông báo đang đàm phán thương vụ bán 16 máy bay thân rộng cho hãng hàng không tư nhân Saudi Gulf.
Saudi Arabia đang nỗ lực xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng và thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh này đang phát triển một nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ và đứng đầu liên minh can thiệp quân sự vào Yemen.(Baotintuc)