Bên cạnh các thách thức, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội dựa trên mức tăng trưởng GDP của năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nhiều cơ hội, lắm nguy cơ
- Cập nhật : 08/07/2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung về mặt lý thuyết sẽ đem lại cơ hội nhiều cho ngành dệt, da giày, may mặc Việt Nam. Tuy nhiên, đó vẫn đang là “cơ hội”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp các đơn hàng trước đây đặt sản xuất ở Trung Quốc chuyển sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành da giày, may mặc. Trong ảnh: sản xuất túi xách cao cấp xuất đi Mỹ của Tập đoàn TBS (Việt Nam) - Ảnh: ĐẶNG ĐẠI
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu sau 0h sáng 6-7 (giờ Mỹ) khi quyết định áp thuế của Mỹ với 34 tỉ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 hàng Mỹ - từ ôtô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỉ USD.
Hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội để các nước khác - trong đó có Việt Nam - xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế BÙI TRINH
Việt Nam hãy thay đổi, cải cách mình trước rồi mới nên nhìn ra bên ngoài xem chiến tranh Mỹ - Trung Quốc đem lại cơ hội gì
Cơ hội nào cho hàng Việt?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Xuân Trúc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - cho biết việc Trung Quốc ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo nhập từ Mỹ khiến thịt heo Mỹ phải đối mặt mức thuế nhập khẩu lên đến 71% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây chắc chắn sẽ là cơ hội cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam.
Dù tìm cách đánh thuế thịt heo của Mỹ nhưng nhu cầu của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm quốc gia này cần nhập khẩu hơn 2 triệu tấn và Trung Quốc chắc chắn không bỏ qua thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đẩy mạnh đi tới ký kết hiệp định thú y với Trung Quốc, chỉ khi đạt được thỏa thuận này sản phẩm chăn nuôi của chúng ta mới được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, khi đó sẽ giúp các đơn hàng dệt may của nước ngoài mà trước đây đặt ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam nhiều hơn. Đây sẽ là cơ hội cho dệt may Việt Nam tăng trưởng.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai quốc gia trên còn là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc.
Ông Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho biết hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa nằm trong tốp các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất.
Với Trung Quốc, nếu nhà đầu tư của họ gặp khó khăn trong nước, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Có nhiều ý kiến lo ngại về dòng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt thì sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển.
Với Mỹ, vốn đầu tư thực hiện tại Việt Nam ước chỉ khoảng 5 tỉ USD so với 180 tỉ vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện tại Việt Nam cho thấy đây là một con số khiêm tốn. Việt Nam rất cần nguồn vốn đầu tư từ Mỹ vì đây là quốc gia có nguồn tài chính tốt, công nghệ hiện đại.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích: một khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, đó là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, mua được nguyên - nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết phụ tùng rẻ, qua đó tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU (Liên minh châu Âu) tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JSC) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lo hàng Trung Quốc "đội lốt"
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng chúng ta đang đối mặt nỗi lo lớn vì hàng hóa Trung Quốc "chất lượng Mỹ" không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam.
Lo ngại hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam xuất sang Mỹ cũng được ông Phạm Xuân Hồng đề cập. Thực tế hiện nay, quần áo, giày dép hay túi xách Trung Quốc đang đi vào Việt Nam bằng nhiều con đường, rất nhiều trong số đó là hàng nhập lậu.
"Chúng tôi lo ngại về tình trạng hàng dệt may Trung Quốc chuyển qua Việt Nam, sau đó lấy nhãn mác của chúng ta xuất sang Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam đừng vì lợi ích trước mắt mà kết nối với những kênh hàng hóa này, nếu bị Mỹ phát hiện sẽ ảnh hưởng tới uy tín cả ngành dệt may" - ông Hồng khuyến nghị.
Cho rằng ảnh hưởng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tác động không lớn tới ngành thép, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép - vẫn lo lắng, nếu quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này căng thẳng, cơ quan quản lý Mỹ sẽ rất lưu ý xuất xứ hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Nhà nước cần quản lý tốt hoạt động xuất nhập khẩu, đừng để sản phẩm của Trung Quốc chuyển sang bên Việt Nam, sau đó lấy thương hiệu Việt xuất đi Mỹ.
Tỉ giá phải linh hoạt và có lợi
Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng cuộc chiến này sẽ đem tới những bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu rất nhiều từ Trung Quốc. 15 ngày gần đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,18% so với đồng USD, trong khi đó đồng Việt Nam chỉ mất trên 1%.
Điều đó có nghĩa hàng Trung Quốc rẻ hơn Việt Nam 3% nhờ chênh tỉ giá. Ví dụ, một đơn hàng nhập từ Trung Quốc trước đây có giá 100 triệu đồng, giờ doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 97 triệu.
Đó là lý do khiến dòng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục tăng lên. Thâm hụt mậu dịch giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng nặng sẽ làm xói mòn cơ hội việc làm, cơ sở sản xuất của Việt Nam. Thiệt hại này đối với Việt Nam sẽ cực kỳ lớn.
Do vậy, ông Sơn nêu quan điểm không phải cứ giữ ổn định tỉ giá 1% là tốt, mà cái quan trọng trong điều hành chính sách tỉ giá là phải đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Chính sách tỉ giá phải điều chỉnh để có lợi cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có quan điểm thay đổi khi điều hành tỉ giá, không nên chỉ chú trọng tới tỉ giá giữa VND với USD mà phải "nhìn ngó" với đồng nhân dân tệ.
Hơn ai hết, theo ông Sơn, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu nguyên tắc tuyệt đối không được tham gia chuyện giúp Trung Quốc "qua mặt" Mỹ như tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Nếu phát hiện, Mỹ sẽ kết tội và cấm vận. Hiệu ứng xấu này sẽ lan tới cả nền kinh tế.
Ngành gỗ Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ, mở rộng thị phần - Ảnh: N.BÌNH
Chưa sớm được hưởng lợi
Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động đến doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, phải ít nhất 6 tháng nữa các quyết định này mới thẩm thấu vào thị trường.
"Tuy nhiên, trong một thị trường hàng hóa, rủi ro của người này là cơ hội cho người khác, vấn đề là có biết nắm bắt cơ hội hay không" - ông Hạnh nói.
Thời gian gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Sự dịch chuyển này là những động thái nhằm tránh các chính sách về thuế của Mỹ áp dụng cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam.
Theo Hawa, thặng dư thương mại của Việt Nam trong mặt hàng gỗ từ Mỹ đạt trên 2 tỉ USD. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang có nguy cơ đưa Việt Nam vào "tầm ngắm" của Chính phủ Mỹ.
Do đó, không đợi đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc "mượn" Việt Nam để xuất khẩu gỗ đã có trong thời gian qua.
"Vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, không tận dụng ưu thế nhân công, chi phí giá rẻ để tránh bị lợi dụng", theo ông Hạnh.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại quan trọng và lớn nhất của Việt Nam. Cho nên, chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia ít nhiều dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến các nước có giao dịch với hai nước này.
Xét về tác động tích cực, cuộc chiến tranh thương mại phát ra sẽ thúc đẩy chính sách đầu tư "Trung Quốc + 1" mà nhiều nhà đầu tư đang ở Trung Quốc thực hiện thời gian qua, đặc biệt với ngành công nghiệp hàng tiêu dùng lao động chuyên sâu như quần áo, giày dép và điện tử.
Các nước hưởng lợi từ chuyển dịch dòng vốn FDI này sẽ có Việt Nam.
Việt Nam có thể trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư hơn khi các nhà sản xuất tiếp tục cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ để giảm tác động từ thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, rủi ro cho Việt Nam cũng có khi Mỹ áp đặt mức thuế lớn hơn đối với Trung Quốc, nó sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xuyên biên giới, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc làm đầu vào cho xuất khẩu của Trung Quốc.
Với chính sách thuế mới, các mặt hàng từ Mỹ như thịt bò, thịt heo, cá, trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và ôtô chạy bằng điện sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tìm hàng hóa để thay thế, cơ hội cho nông sản hoàn toàn có nếu Việt Nam làm ăn bài bản, đầu tư nghiêm túc để xuất khẩu chính ngạch.
Trong trường hợp nếu thuế quan bị hạn chế nghiêm ngặt đối với Trung Quốc và không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xuyên biên giới, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn và sẽ gia tăng nhu cầu về sản phẩm của họ, đặc biệt là hàng dệt may.
N.BÌNH
THÚY LINH
Theo Tuoitre.vn