Chính quyền Obama đang cân nhắc gói lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có trước giờ để chống lại doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc hưởng lợi từ chiến dịch lấy cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Người Mỹ không nên coi thường việc Trung Quốc xả kho bán nợ
- Cập nhật : 27/10/2015
(Tin kinh te)
Nhu cầu mua nợ quốc gia của Mỹ hiện đang tăng vọt.
Tất cả các cảnh báo nghiêm trọng về việc Trung Quốc thoái vốn khỏi trái phiếu Mỹ đều bỏ qua một thực tế đơn giản: Nhu cầu của Mỹ (mua lại nợ của chính mình) đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Không chỉ có các quỹ tương hỗ trong nước mua một lượng Trái Phiếu Chính Phủ (Công trái) lớn kỷ lục tại các phiên đấu giá trong năm nay, các nhà đầu tư Mỹ đang ngày càng hứng thú tham gia thị trường có giá trị 12.900 tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2012 - theo số liệu của Bloomberg cho thấy.
Việc mua nợ giữ vai trò lá chắn rất quan trọng cho chi phí tài chính của Mỹ khi Trung Quốc - chủ nợ nước ngoài lớn nhất với khoảng 1.400 tỉ USD nợ chính phủ Mỹ - lần đầu tiên đang giảm bớt số trái phiếu chính phủ Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001. Theo đó, lợi nhuận biên của trái phiếu kho bạc đã làm giới đầu tư ngạc nhiên khi tiếp tục giảm sâu hơn 2% so với tuần trước, tiếp tục đà sụt giảm mạnh trong năm nay.
Sự việc không giống với kịch bản mà các dự báo bi quan đã phỏng đoán rằng Hoa Kỳ sẽ bị tổn thất vì hành động bất ngờ của Trung Quốc. Thực tế, việc người Mỹ đang mua trái phiếu kho bạc có thể cho thấy một sự quan ngại sâu sắc hơn: nền kinh tế lớn nhất thế giới, bị cản trở bởi khả năng tăng trưởng chi phí lương mờ nhạt và hầu như không có lạm phát, không đủ sức tác động FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) tăng lãi suất.
“Trong điều kiện mọi người có một cái nhìn đầy bi quan về tăng trưởng toàn cầu, lạm phát và tỷ giá thì các nhà quản lý tài sản sẽ bắt đầu thu mua trái phiếu kho bạc" - Brandon Swensen, trưởng bộ phận Thu nhập cố định khu vực Mỹ của công ty Quản lý tài sản toàn cầu RBC, cơ quan giám sát 35 tỷ USD tài sản, cho biết.
Các chủ nợ nước ngoài
Các chủ nợ nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc mua nợ của Mỹ khi quốc gia này vay mượn rất nhiều để kéo nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Từ năm 2008, nước ngoài đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Trái phiếu Mỹ và hiện tại họ đang sở hữu khoảng 6.100 tỷ USD nợ của Chính phủ Mỹ.
Trung Quốc là quốc gia tiên phong, họ đổ hàng trăm tỷ USD vào trái phiếu kho bạc khi nền kinh tế bùng nổ để kiềm chế đà tăng đồng tiền của mình.
Mọi chuyện bây giờ đang thay đổi.
Chỉ riêng năm nay, số lượng trái phiếu Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đã giảm khoảng 200 tỷ USD vì họ cần thêm tiền để hỗ trợ cho kinh tế và thị trường chứng khoán đang suy giảm. Nếu tình hình này tiếp tục, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc giảm bớt lượng tài sản Trái phiếu Mỹ trong bảng cân đối hàng năm. Bảng ghi nhận của các nhà phân tích cũng cho thấy Bỉ là nơi lưu kí các tài khoản nợ của Trung Quốc.
Ngân hàng nhân dân Trung Hoa chuyển các câu hỏi về Dự trữ Kho Bạc của mình cho Cục Quản lý Ngoại Hối của nhà nước mà không trực tiếp bình luận về những bước đi này.
Việc thoái vốn của Trung Quốc đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi lo ngại về khả năng vay nợ và tái cấp vốn các khoản nợ của Mỹ trong tình hình lãi suất cơ bản vẫn được giữ ở mức cực thấp từ năm này qua năm khác. Động thái này của Trung Quốc đồng thời cũng khơi lại mối quan tâm lâu nay của các chính khách ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, về việc Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ sẽ trở thành mối đe dọa nền độc lập của Hoa Kỳ.
Nhà đầu tư nội địa
Nhu cầu mua Trái phiếu trong nước cho thấy tình hình không có gì để lo lắng.
Các quỹ đến từ Mỹ chiếm 42% trong 1.600 tỷ USD các giấy tờ có giá và trái phiếu được bán tại các cuộc đấu giá năm nay, mức cao nhất kể từ khi bộ phận Kho bạc bắt đầu công bố dữ liệu cách đây năm năm. Gần đây nhất là năm 2011 khi họ đã mua ít nhất là 18%.
Nhóm các nhà đầu tư Mỹ trên tất cả các kênh đã tăng lượng Trái phiếu nắm giữ lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2014.Trong năm 2015, tỷ lệ nắm giữ tài sản nợ chính phủ Mỹ của các nhà đầu từ trong nước đã tăng 2,1% lên mức 33,1%.
Tỷ lệ nắm giữ không quá nhiều nhưng mức tăng như vậy - đẩy lượng tài sản của chính phủ Mỹ được nắm giữ bởi giới đầu tư trong nước lên mức kỷ lục 4.300 tỷ USD – đã giữ nhịp độ đều đặn kể từ năm 2012.
Những nỗi lo đặt nhầm chỗ
"Những lo ngại về việc bán tháo của Trung Quốc đã được đặt không đúng chỗ" David Ader, đứng đầu Chiến lược trái phiếu chính phủ Mỹ tại CRT Capital Group LLC cho biết. "Đây là một trong những lo ngại lớn của thị trường trái phiếu, nó đang xảy ra và chúng tôi đã vượt qua."
Trong khi sự khao khát của người Mỹ mong muốn trở thành nơi chứa các khoản nợ của Hoa Kỳ đã giữ chi phí tài chính của chính phủ ở mức thấp, điều đáng lo lắng ở đây chính là biểu hiện sức khỏe của nền kinh tế, theo George Goncalves, đứng đầu Chiến lược lãi suất tại Nomura Holdings Inc - một trong 22 đại diện tham gia đấu giá tài sản công mới đây, cho biết.
Chậm lại để lâu hơn?
Chắc chắn, nước Mỹ đang tạo thêm nhiều việc làm, nhưng một loạt những chỉ số đáng thất vọng, từ bán lẻ cho đến sản xuất, cho thấy người tiêu dùng đang trở lại thời kỳ thắt chặt chi tiêu khi nhu cầu ở nước ngoài suy yếu.
Và tiền lương đang trở nên trì trệ đối với nhiều người Mỹ. Kể từ khi suy thoái kết thúc, thu nhập trung bình theo giờ có mức tăng ít hơn so với bất kỳ thời kỳ mở rộng kinh tế nào kể từ những năm 1960. Đất nước không có mức lương cao hơn để thúc đẩy chi tiêu trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp.
Áp lực giá
Các dữ liệu đấu giá cho thấy các Quỹ của Mỹ nhắm đến mục tiêu trái phiếu kỳ hạn 30 năm – loại dễ gây thương tổn nhất cho sự tăng trưởng và lạm phát – nhất là trong thời điểm trái phiếu công có xu hướng đi xuống như hiện nay. Điều đó cho thấy các nhà giao dịch cho rằng mức lạm phát sẽ tiếp tục giữ ở mức dưới mục tiêu 2% của FED trong một thập kỷ tới.
Lợi tức trái phiếu 10 năm, mức chuẩn cho hàng nghìn tỷ USD nợ trái phiếu trên toàn thế giới, đang ở mức khoảng 2.04 % vào thứ hai vừa qua - thấp hơn khoảng 1% so với cuối năm 2013.
Hiện nay, các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg dự báo có 15% khả năng Mỹ sẽ trượt vào suy thoái trong 12 tháng tiếp theo, ước tính cao nhất kể từ năm 2013.
Các nhà đầu tư tại Mỹ "đang ra một quyết định dựa trên tầm nhìn của họ, và nó cũng phản ánh nền kinh tế đang lo ngại rủi ro", Goncalves của Nomura, cho biết.
Đây cũng là điềm báo để các nhà hoạch định chính sách của Fed nên suy nghĩ lại các giả định của họ về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Trong khi chủ tịch của Fed, bà Janet Yellen, cho biết bà vẫn thấy tăng trưởng kinh tế đủ để ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay, nhưng nhiều nhà giao dịch lại tỏ ra hoài nghi. Họ dự báo có 32% khả năng FED tăng lãi suất trong tháng mười hai, trong khi tỷ lệ dự báo FED tăng lãi suất vào tháng 3 năm sau thấp hơn 50%
Một số quan chức Fed cũng cùng quan điểm. Governors Lael Brainard và Daniel Tarullo đều cho rằng FED nên đợi cho đến khi xuất hiện dấu hiệu rõ ràng hơn về khả năng đạt tỷ lệ lạm phát mục tiêu.
"Không có lý do cấp bách để FED tăng lãi suất và gánh chịu những rủi ro rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn rất mong manh," chiến lược gia đầu tư Robert Tipp – đứng đầu bộ phận Thu nhập cố định Prudential Financial, nơi đang nắm giữ 533 tỷ USD trái phiếu Mỹ, cho biết.
Theo Quí Huỳnh
Trí Thức Trẻ//CafeBiz