tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Venezuela đã suy sụp tới mức nào?

  • Cập nhật : 23/10/2015

(The gioi)

Đồng Bolivar của Venezuela đã mất giá đến nỗi thậm chí những tên cướp còn không muốn lấy loại tiền này, tờ New York Times đưa tin.

mot nguoi phu nu venezuela dung dong noi te de mua thuc pham trong mot cho o caracas ngay 1/10/2015 - anh: reuters.

Một người phụ nữ Venezuela dùng đồng nội tệ để mua thực phẩm trong một chợ ở Caracas ngày 1/10/2015 - Ảnh: Reuters.

 

Khi bị một nhóm cướp nhảy lên xe, anh kỹ sư Pedro Venero ở Caracas nghĩ chúng sẽ bắt anh phải tới ngân hàng để rút một lượng lớn tiền Bolivar đưa cho chúng.

Nhưng những tên cướp tay lăm lăm súng lại tin chắc rằng anh đang giữ rất nhiều USD ở nhà, và chẳng màng gì tới số Bolivar trong tài khoản ngân hàng của anh.

Việc ngay cả những tên cướp cũng “né” đồng Bolivar cho thấy người dân Venezuela đã mất niềm tin tới mức nào vào nền kinh tế và khả năng của Chính phủ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Cách đây một năm, tỷ giá trên “chợ đen” ở Venezuela là 1 USD đổi 100 Bolivar. Hiện nay, đồng nội tệ mất giá còn 1 USD đổi hơn 700 Bolivar.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới 159% trong năm nay, dù Tổng thống nước này Nicolas Maduro cho rằng mức lạm phát sẽ chỉ bằng một nửa con số mà IMF dự báo. Cũng theo đánh giá của IMF, kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 10% trong năm 2015, mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Đây thực sự là một “cú rơi” thảm họa đối với quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa ước tính thuộc hàng lớn nhất thế giới và từ lâu vẫn tự coi mình là giàu so với nhiều nước láng giềng.

Trái với sự lao dốc chóng mặt của tỷ giá đồng nội tệ trên “chợ đen”, Chính phủ Venezuela vẫn khăng khăng giữ tỷ giá chính thức ở mức 6,3 Bolivar đổi 1 USD. Sự chênh lệch “khủng” giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do khiến việc xác định giá trị thực của hàng hóa và dịch vụ ở Venezuela trở nên khó khăn. Tuy vậy, tỷ giá “chợ đen” đang giữ vai trò ngày càng lớn hơn trong việc định giá các mặt hàng.

Một vé xem phim ở Caracas có giá 380 Bolivar. Mức giá này, nếu tính theo tỷ giá chính thức tương đương 60 USD, còn nếu tính theo tỷ giá “chợ đen” sẽ chỉ là 0,54 USD. Giá một hộp bắp rang và một lon soda để thưởng thức khi xem phim sẽ có giá 1,15 USD hoặc 128 USD tùy việc áp dụng tỷ giá để tính toán là tỷ giá “chợ đen” hay chính thức.

Lương tối thiểu ở Venezuela là 7.421 Bolivar/tháng. Nếu tính theo tỷ giá chính thức của Venezuela, mức lương này không tệ vì tương đương 1.178 USD. Nhưng nếu tính theo tỷ giá tự do, mức lương đó chỉ tương đương vỏn vẹn 10,6 USD.

Theo số liệu của Trung tâm Tư liệu và phân tích xã hội thuộc Liên đoàn Giáo viên Venezuela, số tiền để mua thực phẩm cho một gia đình 5 người ở nước này trong 1 tháng vào thời điểm tháng 8 vừa qua là 50.625 Bolivar, tương đương hơn 6 lần lương tối thiểu, và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Số liệu này phản ánh rõ những khó khăn trong đời sống của người dân Venezuela hiện nay.

Một bữa ăn cho hai người tại một nhà hàng tươm tất ở Caracas có giá 30.000 Bolivar, tương đương 42,85 USD nếu tính theo tỷ giá chợ đen, nhưng lên tới 4.762 USD nếu tính theo tỷ giá chính thức.

Lạm phát tăng chóng mặt đến nỗi các công ty bảo hiểm ô tô của Venezuela cảnh báo áp dụng hợp đồng chỉ có thời hạn 6 tháng nhằm giảm thiểu rủi ro giá nhập khẩu phụ tùng tăng vọt.

Vào ngày thứ Ba, một gallon sơn trắng có giá 6.000 Bolivar. Đến ngày thứ 6, cũng tại cửa hàng đó, 1 gallon sơn cùng loại có giá hơn 12.000 Bolivar.

Tổng thống Maduro đổ lỗi cho “kẻ thù trong và ngoài nước” đang tiến hành một cuộc “chiến tranh kinh tế” đối với Venezuela. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều tin rằng nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này suy sụp là do giá dầu sụt sâu và các chính sách quản lý kinh tế sai lầm của Chính phủ, bao gồm kiểm soát chặt giá cả và tỷ giá cho hoạt động nhập khẩu. 

Một tài liệu gần đây cho thấy, kim ngạch nhập khẩu của Venezuela trong năm 2014 chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2012. Điều này đồng nghĩa với việc có ít hàng hóa trong siêu thị hơn, ít thuốc men trong bệnh viện hơn, và ít nguyên vật liệu hơn để các công ty Venezuela sản xuất hàng hóa. Tất cả cùng dẫn tới tình trạng khan hiếm các mặt hàng và giá cả ngày càng tăng cao.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Maduro vẫn không muốn thực hiện những điều chỉnh mà ngay cả các quan chức cấp cao của Venezuela cũng cho là cần thiết, chẳng hạn tăng giá xăng. 

Chính sách trợ cấp giá xăng mạnh tay của Venezuela khiến giá bán lẻ mặt hàng này gần như bằng 0. Nguyên nhân khiến ông Maduro giữ nguyên chính sách trợ cấp giá xăng có lẽ bắt nguồn từ lo ngại người dân sẽ quay lưng lại với ông trong cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm nay.

Trong khi đó, cuộc sống của người dân Venezuela trên đà đi xuống mỗi ngày.

Cần mua pin cho chiếc xe chạy điện của bạn ư? Hãy mang theo một chiếc gối vì bạn sẽ phải ngủ qua đêm bên ngoài cửa hàng pin. Một đêm gần đây, hơn 80 chiếc xe điện xếp hàng chờ ngoài một cửa hàng pin như vậy.

Cần một công việc mới ư? Nhiều người Venezuela đã nghỉ việc để chuyển sang bán những mặt hàng thiết yếu như tã giấy, bột ngô... trên thị trường “chợ đen”, và kiếm được thu nhập cao gấp 3-4 lần tiền lương.

Cần tiền mặt ư? Một số cây ATM chỉ nhả số tiền tương đương khoảng 0,57 USD nếu tính theo tỷ giá tự do. Số tiền này chỉ đủ để mua khoảng một chục quả trứng.

(Theo Diễn đàn đầu tư)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục