Một số chia nhỏ ra và nhờ người nhà mang hộ, số khác dùng quầy đổi tiền ở Hong Kong, trong khi có người liều lĩnh mang cả vali tiền hay quấn tiền quanh người để đạt mục đích.
Phú nhị đại - những đứa trẻ siêu giàu bị ghét bỏ ở Trung Quốc
- Cập nhật : 31/10/2015
(Doanh nhan)
Rời hộp đêm lúc 1h30 sáng, Mikael Hveem lấy điện thoại đặt xe Uber. Anh chọn chiếc rẻ nhất và kinh ngạc khi thấy một chiếc Maserati đắt tiền màu xanh tím than trờ tới.
Lái xe còn trẻ, mặt búng ra sữa, tự giới thiệu là Jason. Hveem hỏi tại sao cậu ta lại lái Uber, rõ ràng cậu không cần tiền. Jason trả lời, cậu chỉ muốn gặp gỡ mọi người, đặc biệt là các cô gái. Lái xe lòng vòng quanh các hộp đêm ở Bắc Kinh, cậu cho rằng sẽ gặp được cô gái bị quyến rũ bởi anh chàng 22 tuổi trẻ măng lái xe thể thao.
Christopher Beam, phóng viên Bloomberg, cho biết khi nghe một người bạn ngồi cùng xe với Hveem kể lại, anh chủ động xin thông tin của Jason. Beam làm quen với cậu qua WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, và xin phỏng vấn Jason.
Cậu ta lập tức trả lời bằng một loạt ảnh chụp phụ nữ ăn mặc thiếu vải kèm lời nhắn "Những gái điếm ngon nhất Bắc Kinh :),". Beam giải thích lại với Jason cậu đã hiểu lầm ý của anh, và họ hẹn gặp nhau.
Tại một quán cà phê ở trung tâm Bắc Kinh, Jason cho biết tên thật là Zhang. Cậu làm việc tại một công ty truyền thông chuyên sản xuất chương trình truyền hình thực tế, nhưng không có vẻ gì là người bận rộn. Jason từng học ở Mỹ, trường dạy golf tại Florida, và cậu bỏ học sau hai năm. Bố cậu là chủ tịch một công ty nhân sự lớn, còn mẹ là quan chức chính phủ.
Zhang đeo một chiếc đồng hồ IWC trị giá 5.500 USD và giải thích, cậu đeo chiếc này vì lỡ làm mất cái đắt tiền rồi.
Beam hỏi Zhang cậu có bao nhiêu tiền. "Tôi không biết", Zhang nói. "Nhiều hơn số tôi tiêu được".
Jason là điển hình của fuerdai - Phú nhị đại, thế hệ giàu có thứ hai ở Trung Quốc. Phú nhị đại ở Trung Quốc như Paris Hilton ở Mỹ một thập kỷ trước. Cứ vài tháng một lần, lại nổi lên một vụ bê bối của phú nhị đại nào đó, chẳng hạn như một cô nàng đốt hàng xấp 100 tệ (khoảng 16 USD); hay thành viên câu lạc bộ xe thể thao nở nụ cười chế giễu, tạo dáng bên cạnh chiếc Lamborghini.
Chơi ngông
Năm 2013, cả Trung Quốc xôn xao và tỏ ra khinh miệt khi các phương tiện truyền thông đưa tin về bữa tiệc sex của phú nhị đại ở bãi biển khu nghỉ dưỡng Tam Á. Quách Mỹ Mỹ, mỹ nữ nổi tiếng Trung Quốc vừa bị kết án 5 năm tù vì tội đánh bạc, trước đó đăng hình lên mạng chụp cùng 5 triệu nhân dân tệ, ngay lập tức, đối thủ của cô đăng ảnh kèm con số 3,7 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản ngân hàng lên.
Gần đây nhất, con trai của Vương Kiện Lâm - ông trùm bất động sản và là người giàu nhất Trung Quốc, khiêu khích cả nước bằng tấm hình chụp chó cưng đeo hai chiếc đồng hồ vàng của Apple.
Phú nhị đại không chỉ khiến cả quốc gia xấu hổ, mà còn bị coi là mối đe dọa kinh tế, thậm chí cả chính trị. Chủ tịch Tập Cận Bình từng khuyên bảo thế hệ nhà giàu thứ hai này "suy nghĩ về nguồn gốc của cải của họ, và cư xử sao cho đúng mực".
"Họ chỉ biết khoe của chứ không biết cách tạo ra của cải", Ủy ban Mặt trận Thống nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo trong một bài xã luận. Một vài chính quyền địa phương đang từng bước giáo dục lại thế hệ giàu có này. Hồi tháng 6, theo Beijing Youth Daily, 70 người thừa kế các công ty lớn của Trung Quốc đã nghe giảng về lòng hiếu thảo và vai trò của giá trị truyền thống trong kinh doanh.
Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng từ năm 2012 đã kiềm chế bớt những hành động phô trương của cải thái quá, tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo vẫn hiện rõ mồn một trên đường phố Bắc Kinh, giữa những xe ba gác bán trái cây dạo và những chiếc Audi đen bóng.
Câu lạc bộ phú nhị đại
Sau vài tuần thâm nhập giới phú nhị đại, Beam thuyết phục được một thành viên nhóm này mời đến dự bữa tiệc gặp mặt thường xuyên. Khi đến nơi, Beam tưởng mình đến nhầm chỗ. Đó là một khu đồ nướng ngoài trời phía bắc Bắc Kinh, nơi người dân ngồi trên những chiếc ghế thấp đến nỗi, mới nhìn cứ tưởng họ đang ngồi xổm, uống bia Yanjing rẻ tiền và nhai thịt cừu xiên nướng.
Nhìn quanh quất, Beam khó khăn lắm mới phát hiện đám triệu phú đang ngồi ở giữa. Họ ăn vận giống hệt những người khác, với áo ba lỗ, quần bò, xỏ dép lê. Thứ duy nhất làm họ khác biệt là rượu tự mang đi, gồm vang Pháp và một chai Mao Đài - loại rượu trắng hảo hạng và đắt tiền.
Martin Hang, chủ xị bữa tiệc, là biên tập viên một tạp chí gọi là Thế hệ Giàu có, giới thiệu các thành viên. Có khoảng một chục người, gồm Wang Daqi, 30 tuổi, con trai của một nhà tư vấn kinh doanh nổi tiếng, người gần đây viết một cuốn sách về con nhà giàu ở Trung Quốc. Albert Tang, 20 tuổi, sinh viên khoa Triết học ở đại học tư thục Bard nổi tiếng ở Mỹ, có bố điều hành một công ty xuất bản lớn ở Bắc Kinh. Sophia Cheng, 27 tuổi, phụ nữ duy nhất trong nhóm.
Beam chưa rõ tiêu chuẩn để được xếp vào nhóm phú nhị đại, nhưng Cheng quả quyết là cô đủ điều kiện, mặc dù Hang không đồng tình. Cheng nói bố mẹ cho cô một số tiền lớn, hơn 100 triệu tệ (gần 16 triệu USD), để cô đầu tư vào phim ảnh, trò chơi di động, và một công ty chế biến thịt.
Họ uống rượu, nướng thịt và tán dóc, cảm giác vô cùng thân thiết, cứ như đã biết nhau từ lâu. Hang là trung tâm bữa tiệc, anh cho biết là thành viên nổi bật của Hội tiếp sức thế hệ tinh hoa Trung Quốc (Relay), một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động như một câu lạc bộ xã hội, kết nối thế hệ phú nhị đại.
"Chúng tôi cố gắng giúp thế hệ thứ hai cùng nhau tốt hơn", Hang nói, rõ ràng và chính xác, mặc dù đã uống khá nhiều. Thành lập năm 2008, tổ chức này giúp thế hệ nhà giàu thứ hai gặp gỡ nhau, tâm sự về những khó khăn khi làm con nhà giàu.
Để tham gia, họ phải đóng 200.000 tệ (3.150 USD) tiền phí, và phải chứng minh rằng doanh nghiệp gia đình hàng năm đóng thuế ít nhất 50 triệu tệ (7,9 triệu USD). Họ tổ chức diễn đàn vài lần một năm, thính giả ngồi nghe giảng về những chủ đề như làm thế nào giảm tối đa tiền thuế hoặc tối đa hóa lợi nhuận (bằng cách hợp pháp, một thành viên đảm bảo); và đến thăm công ty của người khác.
"Đa phần những diễn đàn đó rất nhàm chán", Hang nói. Anh lập ra tạp chí riêng năm 2011, hy vọng thúc đẩy mặt tích cực của phú nhị đại hơn là mặt suy đồi mà các phương tiện truyền thông đưa tin.
Thành viên của Relay bỏ chữ "fu-phú", thay bằng chữ "chuan-truyền", tự gọi là Truyền nhị đại, nghĩa là doanh nhân thế hệ thứ hai. Mỗi tháng, tạp chí lại ra số mới, hình bìa thường là nam giới. Số tháng 6 là một thanh niên dựa lưng vào chiếc Audi.
Mục đích của hội này, Hang cho biết, là khuyến khích thế hệ thứ hai kế nghiệp gia đình, hoặc ít nhất, đảm nhận vai trò nào đó trong việc quản lý. Những công ty như vậy cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, Hang nói. Họ không chỉ làm ra 85% doanh thu của các doanh nghiệp phi quốc doanh, mà đặt mục tiêu thành công theo từng quý.
Thoát khỏi cái bóng của cha mẹ
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp gia đình đó là, con cái họ không muốn làm việc cùng cha mẹ. Hang đưa ra số liệu thống kê của Đại học Giao thông Thượng Hải năm 2012, có tới 82% thế hệ thứ hai không sẵn sàng kế nghiệp gia đình.
"Họ không sẵn lòng làm điều đó, nhưng vẫn buộc phải làm", Hang nói. Hơn ai hết, Hang hiểu thấu điều này. Cha anh sở hữu một công ty quảng cáo, thành lập năm 1993 và là một trong những công ty lớn nhất tỉnh Giang Tây. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hang chọn học tiếp quản lý tài chính ở Hà Lan và mua lại quyền kinh doanh Norron, một trò chơi trực tuyến ở Bắc Âu. Lúc đó, Hang rất tự mãn về sự nhạy bén kinh doanh của mình.
"Tôi cho rằng mình rất giỏi", Hang nói. "Tôi là phú nhị đại, tôi không thích nói chuyện với người khác". Khi trò chơi thất bại ở Trung Quốc, Hang quyết định vào công ty của bố làm việc.
"Tôi được lựa chọn", Hang nói. "Tôi có thể làm việc khác, nhưng điều đó sẽ khiến bố mẹ tôi vất vả thêm. Họ chưa bao giờ nói tôi phải kế nghiệp, nhưng tôi cảm thấy mình phải làm việc đó".
Tất cả phú nhị đại đều đối mặt với một vấn đề chung, rằng họ có mọi thứ, ngoại trừ năng lực vượt qua cái bóng của cha mẹ. Mọi thành tựu của họ sẽ được ghi nhận cho gia đình, chứ không phải bản thân họ. Hang mô tả mình luôn được giới thiệu là "con trai của ông Hang".
Khi Wang viết một cuốn sách và tìm nhà xuất bản, anh không biết liệu họ thực sự muốn xuất bản sách của anh vì nó viết hay, hay là vì cha anh nổi tiếng.
"Mọi người luôn nói rằng bạn thật có phúc vì đầu thai vào một gia đình giàu có", Wang nói. "Tôi nói rằng chẳng liên quan. Giàu có không có nghĩa là hạnh phúc. Bạn chỉ có thể biết thế nào là hạnh phúc bằng cách trải nghiệm nó".
Không có gì ngạc nhiên rằng hầu hết phú nhị đại, sau khi du hí khắp Bali và trượt tuyết ở Alps, học triết tại Oxford và nhận bằng MBA của Stanford, lại miễn cưỡng về tiếp quản công ty gia đình.
Ping Fan, 36 tuổi, phó giám đốc điều hành của Relay, chuyển đến Thượng Hải để lập công ty riêng, còn hơn làm việc trong công ty bất động sản của bố ở tỉnh Liêu Ninh. Anh chọn Thượng Hải vì "nó xa gia đình tôi".
Evan Jiang, 28 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Columbia, từng cân nhắc về làm cùng mẹ kinh doanh kim cương. Tuy nhiên, họ không đồng thuận về hướng phát triển công ty. Jiang tới Merrill Lynch làm việc, sau đó quay về Thượng Hải khởi nghiệp, lập công ty chăm sóc khách hàng lấy cảm hứng từ dịch vụ American Express hồi cô từng sống ở Manhattan.
Liu Jiawen, 32 tuổi, có bố mẹ sở hữu một công ty thời trang lớn ở tỉnh Hồ Nam, cũng lập một công ty sản xuất nhãn hiệu thời trang riêng sau khi tốt nghiệp.
"Tôi muốn chứng tỏ năng lực của mình", Jiawen nói. Công ty của cô thất bại.
Ngoài giàu có, phú nhị đại còn thừa kế những hậu quả của chấn thương tình cảm. Thế hệ doanh nhân Trung Quốc đầu tiên trưởng thành trong quãng thời gian Cách mạng văn hóa đầy khó khăn. Do đó, họ thường lạnh lùng và nghiêm khắc, và giáo dục con theo cách này. Nhiều phú nhị đại có tính cách giống hệt cha mẹ, "rất khó làm bạn với họ", Wang nói.