Hãy quên đi những đôi giày, món đồ chơi và những mặt hàng xuất khẩu khác. Trung Quốc sẽ sớm có một “mặt hàng” khác để cung cấp cho thế giới: một cuộc suy thoái kinh tế.
Gánh nặng từ làm giàu
- Cập nhật : 29/10/2015
(Xa hoi)
Môi trường ô nhiễm, sức khỏe bị đe dọa, một bộ phận giới trẻ giàu từ trứng nước sống trụy lạc là cái giá mà Trung Quốc phải trả
Theo công bố của tạp chí chuyên xếp hạng người giàu ở Trung QuốcHồ Nhuận ngày 15-10, số lượng tỉ phú tại nước này lần đầu tiên vượt qua Mỹ, bất kể nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Số tỉ phú tăng hơn gấp đôi
Hồ Nhuận cho biết Trung Quốc hiện có 596 tỉ phú (nhiều hơn Mỹ 59 người). Con số này tăng mạnh một cách kinh ngạc so với 242 tỉ phú vào năm ngoái.
Người mẫu Quách Mỹ Mỹ đi tù vì tội tổ chức đánh bạc (ảnh trên) và chú chó được chủ mua cho 2 chiếc đồng hồ Apple Watch mạ vàng (ảnh dưới). (Ảnh: SCMP, WEIBO)
Chủ tịch Tập đoàn Wanda Vương Kiến Lâm, ông trùm giải trí và bất động sản, đã truất ngôi nhà sáng lập công ty thương mại điện tử hàng đầu Alibaba Mã Vân, trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ông Vương qua mặt ông Mã sau khi giá cổ phiếu của Alibaba sụt giảm. Hiện ông Mã sở hữu số tài sản trị giá 22,7 tỉ USD, còn gia tài của ông Vương tăng hơn 50%, lên đến 34,4 tỉ USD.
Cũng liên quan đến chuyện giàu nghèo, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn báo cáo thịnh vượng toàn cầu của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) mới đây cho biết Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nước có tổng tài sản hộ gia đình lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo báo cáo này, tổng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc tăng thêm 1.500 tỉ USD lên 22.800 tỉ USD. Báo cáo trên cũng ghi nhận Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành nước có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới. Châu Á cũng được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới.
Giới trẻ chơi ngông
Dù vượt lên về sự giàu có song Trung Quốc đang phải trả giá không ít. Báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh ngày 15-10 cho biết ô nhiễm tại gần 80% thành phố nước này vượt mức cho phép trong 9 tháng đầu năm nay. Việc sử dụng than đá để sản xuất điện và khí thải từ ngành công nghiệp nặng khiến nhiều thành phố sặc sụa vì khói mù và hàng trăm ngàn người có nguy cơ chết sớm.
Hơn nữa, giàu có quá độ cũng nhào nặn ra những cậu ấm, cô chiêu bị ghét nhất Trung Quốc vì đủ trò chơi ngông. Họ được gọi là “Fuerdai” (hay “phú nhị đại”), tức là thế hệ giàu có thứ hai ở Trung Quốc, xuất thân từ gia đình những doanh nhân giàu có hoặc những nhân vật trong chính phủ. Chẳng hạn, cậu ấm Vương Kiện Lâm của Tập đoàn Wanda chi hàng chục ngàn USD mua 2 chiếc đồng hồ Apple Watch mạ vàng để… chó cưng đeo. Trong khi đó, cô người mẫu Quách Mỹ Mỹ, tình nhân của thương gia Vương Quân, từng khoe khoang về ván bài trị giá 5 triệu nhân dân tệ… Gây phẫn nộ hơn, một cô gái tung hình đốt cả cọc tiền toàn tờ 100 nhân dân tệ (100 nhân dân tệ tương đương 350.000 đồng).
“Phú nhị đại” còn bị coi là mối đe dọa kinh tế, thậm chí cả chính trị. “Họ chỉ biết khoe của chứ không biết làm ra của cải” - Ủy ban Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo. Trong lần nhắc tới “phú nhị đại” hồi tháng 5-2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng họ cần phải “suy ngẫm về nguồn gốc của sự giàu có mà mình đang tận hưởng và cư xử như thế nào cho đúng”.
Chuyển tài sản ra nước ngoài
Hãng tin Bloomberg cho biết các “phú nhị đại” đã chuyển tiền ra hải ngoại với mục tiêu lấy được quốc tịch nước ngoài. Theo thống kê của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ), số tiền Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài đã đạt mốc 450 tỉ USD trong năm 2013. Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2014 cho thấy 64% người Trung Quốc có nhiều tài sản đã di cư hoặc có ý định ra nước ngoài sinh sống.
Không chỉ lo lắng về thị trường chứng khoán sụp đổ, các cậu ấm, cô chiêu còn lo lắng về xã hội. Một công tử đến từ Thượng Hải tên Wayne Chen cho biết: “Xã hội Trung Quốc luôn có xu hướng ghét người giàu. Khi còn nhỏ, chúng tôi học trường tốt nhất nên không tiếp xúc với người nghèo. Điều này rất nguy hiểm cho xã hội”.
Ngoài ra, những người trẻ giàu có này cũng có nỗi khổ chung, đó là không vượt qua được cái bóng của cha mẹ. Dù họ thật tâm nỗ lực thì mọi thành tích cũng bị gắn mác gia đình chứ không phải năng lực bản thân.