Dù kinh tế khó khăn, đất nước "Mặt trời mọc” là thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa xa xỉ đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau "đại gia" Mỹ.
Mỹ rút khỏi TPP cũng khó giúp được Trung Quốc kéo các nước vào RCEP
- Cập nhật : 22/11/2017
Hiện Trung Quốc đang tỏ ra khá sốt ruột trong việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên để nhanh chóng đạt được thỏa thuận này.
South China Morning Post đưa tin, hôm 14/11, tại Manila (Philippines), các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tiến hành một cuộc hội đàm để đàm phán về nội dung các điều khoản trong thỏa thuận và thúc đẩy những tiến bộ của thỏa thuận này.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do khu vực gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác đã có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand cam kết thúc đẩy thỏa thuận từ tháng 9/2013.
Trong vòng 5 năm qua, RCEP đã trải qua 5 cuộc họp cấp Bộ trưởng và 20 vòng đàm phán, tuy nhiên, các chi tiết của hiệp định này vẫn chưa được thống nhất và hoàn thiện nên RCEP vẫn cần phải tiếp tục được thảo luận.Điều này hoàn toàn trái với mong muốn của Trung Quốc - nước sáng lập và dẫn đầu trong việc hình thành, thúc đẩy những tiến bộ của RCEP.
Hồi tháng 3/2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã từng đưa ra hy vọng về việc sẽ hoàn thành các thỏa thuận của RCEP vào cuối năm đó, tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cuộc đàm phán lần thứ 20 của RCEP ở Manila diễn ra chỉ vài ngày sau khi 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng ý tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bất chấp việc Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Hiện Trung Quốc đang tỏ ra khá sốt ruột trong việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên để nhanh chóng đạt được thỏa thuận này.
Phát biểu tại cuộc hội đàm ở Manila, ông Lý Khắc Cường tuy không đưa ra bất kỳ mục tiêu cụ thể nào về tiến độ đạt được thỏa thuận, nhưng nói rằng các nước liên quan cần phải thúc đẩy đàm phán “một cách chủ động hơn”.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định rằng, tiến độ đạt được của RCEP đang bị chậm lại là do trở lực của TPP và bây giờ là CPTPP.Bởi bảy quốc gia đang là thành viên của cả hai hiệp định RCEP và CPTPP là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, có thể sau những tiến bộ đã đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho CPTPP chứ không phải RCEP.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo kết quả đàm phán TPP-11 (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed đã thừa nhận về một sự thay đổi trong bài phát biểu tại cuộc hội đàm về TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tuần trước rằng:
Các quốc gia nằm trong cả hai thỏa thuận TPP và RCEP đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của họ, khi hướng vào CPTPP nhiều hơn.
“RCEP là một ưu tiên sau khi TPP gần như sụp đổ mà không có Mỹ, trong khi Canada lại tỏ ra thờ ơ.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi tất cả các thành viên đều cố gắng và Canada quay trở lại.
Giờ đây, CPTPP đã có một số động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của thỏa thuận này”, ông Mustapa nói.
Ông Mustapa nói thêm rằng, trái ngược với những động lực mới của CPTPP, thì sự đồng thuận trong các thành viên của RCEP có thể sẽ còn phải mất thêm khá nhiều thời gian nữa.
Cũng đồng quan điểm với nhận định của ông Mustapa, ông Zhang Jun, Tổng giám đốc Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lo ngại rằng, mặc dù sự phục hồi của CPTPP không phải là một sự thất bại đối với RCEP, nhưng RCEP sẽ phải đối mặt với những thách thức mới từ CPTPP.
Sự lo ngại về những thách thức mà RCEP sẽ phải đối mặt khi CPTPP hồi sinh là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ lâu TPP vẫn được coi là hiệp định kiểu mới, chất lượng cao, mà việc thực hiện hiệp định này có thể định hướng nhiều hơn cho quá trình tự do hóa nền kinh tế sau này.
Bởi vậy, CPTPP khi được 11 quốc gia thành viên cơ bản thông qua các lợi ích cốt lõi đã cho thấy dòng chảy thương mại của khu vực và thế giới vẫn thông suốt.Tuy nhiên, bên cạnh sự lo ngại về những thách thức của CPTPP đối với RCEP, vẫn có những chuyên gia lại tỏ ra tin tưởng về một sự thành công của RCEP hơn là CPTPP.
Ông Jose Cuisia Jnr, cựu thống đốc ngân hàng trung ương của Philippines, nói với South China Morning Post hôm 14/11 bên lề Hội nghị Thương mại và Đầu tư ASEAN rằng:
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết, nhưng RCEP có tiềm năng để trở thành một “hiệp định thương mại thành công hơn” so với CPTPP, vì có sự hiện diện của hai quốc gia có dân số khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ.
“Có những tiêu chuẩn và quy định khác nhau mà các thành viên của RCEP phải đi đến thỏa thuận về một sự chuẩn hóa các điều khoản, bởi đó chính là những rào cản.
Tuy nhiên, RCEP vẫn là một hiệp định có sức mạnh hơn CPTPP”, ông Jose nói. [1]
Cũng giống như ông Jose, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thể hiện sự lạc quan với những cuộc đàm phán trong khôn khổ của RCEP và hy vọng hiệp định này sẽ sớm được hoàn thành.
Trong bài phát biểu khai mạc với vai trò là người chủ trì cuộc hội đàm ở Manila, ông Duterte đã nhấn mạnh mục tiêu của RCEP là nhằm tạo ra một quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi cho các bên.
“RCEP không chỉ đơn thuần là hiệp định thương mại mang tính bổ sung mà còn là hiệp định cung cấp quy mô và phạm vi để mở ra những tiềm năng tăng trưởng mới cũng như viết ra các quy tắc mới trong hợp tác thương mại quốc tế”, ông Duterte nói.
Trong khi đó, sự thận trọng trong việc đánh giá về khả năng thúc đẩy của RCEP cũng như rào cản đối với hiệp định này vẫn là chủ đề thảo luận nổi lên trong giới học giả. [2]
Ông Huo Jianguo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu WTO của Trung Quốc cho biết, để thúc đẩy được RCEP, thì điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên của hiệp định này phải hợp tác với nhau và tăng cường các cuộc đàm phán.
“Thỏa thuận thương mại không chỉ là vấn đề mở cửa kinh tế, mà còn có rất nhiều cân nhắc về địa chính trị liên quan.
Trung Quốc đang cố gắng chủ động thúc đẩy RCEP, nhưng các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản lại ít nhiệt tình hơn và dường như đang ủng hộ CPTPP nhiều hơn”, ông Huo nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Zhou Shijian, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Đại học Tsinghua lại cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với quá trình thúc đẩy của RCEP không phải đến từ Nhật Bản, mà là đến từ yếu tố Ấn Độ.
“Người hàng xóm khổng lồ của Trung Quốc đang lo lắng về việc mở rộng các ngành dịch vụ sẽ tạo ra sự mất cân bằng nền kinh tế, và không muốn chấp nhận đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất của mình”, ông Zhou nói.
Nhận định này của chuyên gia Zhou cũng phù hợp với phát biểu của ông Preeti Saran, nhà nghiên cứu về châu Á hàng đầu của Ấn Độ khi cho rằng, nước này vẫn cam kết với RCEP nhưng muốn có một kết quả “cân bằng”. [1]
Có thể nói, hiện tại cả CPTPP và RCEP đều đang trong quá trình đàm phán để tiến tới đạt được thỏa thuận.
Nhưng xem ra, CPTPP đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, vì đã đạt được sự đồng thuận cao của 11 thành viên về các nội dung cốt lõi của hiệp định, và chỉ còn lại các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý cần thiết nữa là có thể đưa CPTPP vào thực hiện.
Trong khi đó, RCEP vẫn đang trong quá trình nỗ lực đàm phán để đi tìm sự đồng thuận của các thành viên nhằm tiến tới việc ký kết thỏa thuận trong năm 2018 như dự định của các nhà lãnh đạo trong tuyên bố chung vừa qua tại Manila.
Nếu RCEP thành công, Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần một nửa dân số toàn cầu, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 17 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới. [3]
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của RCEP thừa nhận rằng, các cuộc đàm phán về RCEP tiếp tục là một nhiệm vụ đầy thử thách và khó khăn.
Bởi hiện tại, Nhật Bản và Australia đang mong muốn có một thỏa thuận chất lượng cao hơn, vượt ra ngoài những điều kiện liên quan đến mức thuế quan như các ngành dịch vụ và đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng, Nhật Bản dường như đang hướng mọi sự tập trung của họ vào CPTPP chứ không phải RCEP, coi đây là một công cụ quan trọng có thể giúp kiềm chế sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực đang phát triển đầy tiềm năng này.
Trong khi Ấn Độ và Australia lại dường như đang muốn chờ xem ý tưởng của Hoa Kỳ về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa” mà hai nước này nằm trong “tứ cực” [Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia] sẽ được thực thi như thế nào.
Ngoài ra, các quốc gia khác trong RCEP cũng đang tỏ ra nghi ngờ vào các chính sách bảo hộ mậu dịch nội địa và ghìm giá đồng nhân tệ thấp hơn giá trị thực mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm gia tăng lợi nhuận cho nước này và tạo ra thâm hụt thương mại với tất cả các đối tác của họ.
Và có lẽ, đây cũng chính là rào cản lớn nhất khiến cho RCEP khó có thể thành công hơn CPTPP, bởi lòng tin luôn là yếu tố đầu tiên và then chốt nhất để các bên xích lại gần nhau, gắn bó với nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung.
Tài liệu tham khảo:
[1] South China morning post/ China-led regional trade pact tries to make ground as restyled TPP pushes on without US.
[2] https://vi.m.wikipedia.org/ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
[3] m.theleader.vn/ RCEP dự kiến kết thúc đàm phán vào năm 2018.
[4] South China moring post/ Trans-Pacific Partnership countries agree to continue pact without Trump’s US.
PHẠM DOÃN TÌNH
Theo Giáo Dục Việt Nam