Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Đối thoại TPP – Cơ hội nào cho DN tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 17-3.
Giấc mơ hàng Việt ở nước láng giềng
- Cập nhật : 04/03/2016
(Tin kinh te)
Hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn loay hoay đương đầu với hàng Trung Quốc, Thái Lan trên sân nhà.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao nhận định, DN Việt và hàng Việt đã khẳng định được thương hiệu, tạo hệ thống phân phối và đã có chỗ đứng nhất định trong lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng trong nước.
Nhưng thực tế cho thấy, hàng Việt vẫn chỉ loay hoay trên “sân nhà”, lo cạnh tranh với hàng tiêu dùng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đang tràn ngập thị trường nội. Nếu so sánh, thì thị trường Việt Nam giống như vùng trũng, để hàng hóa nước bạn chảy vào, còn hàng Việt Nam rất khó khăn để trôi ngược sang nước láng giềng.
Từ những lần tham dự hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở một số nước bạn láng giềng cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng, ngành Công Thương đã tổ chức tốt hội chợ tại nhiều nước như Campuchia, Myanmar, Lào… cũng như các hội chợ trong nước, lượng khách hàng nước bạn đến hội chợ xem và mua sắm rất đông, nhưng lượng hàng hóa DN mang sang trưng bày và bán luôn thiếu, nhiều DN nhỏ, ít kinh nghiệm tham gia hội chợ nước ngoài, mang hàng ít đều thấy tiếc khi hội chợ bước sang ngày thứ ba đã hết hàng để bán.
Một thực tế là sau khi kết thúc hội chợ, không mấy DN (nhất là DNNVV) có bạn hàng riêng hay đối tác phân phối tại nước bạn, để duy trì việc đưa sản phẩm sang bán lâu dài tại đây. Hết hội chợ cũng là xong luôn. Hàng hóa Việt Nam giống như đốm lửa, cháy nhanh rồi tắt, dù người tiêu dùng nước bạn có muốn thì cũng không có kênh để tiếp cận.
Thực tế, chỉ có những DN lớn như Vissan, Tường An, Vifon, Thắng Lợi… có tiềm lực kinh tế, nhân lực mạnh mới duy trì kênh phân phối (mở đại lý, đưa hàng đến chợ...). Còn lại, DNNVV đành chào thua vì không chịu nổi chi phí.
Áp vào thực tiễn thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam có thể thấy, hàng hóa Thái Lan đã nhanh chân không thua gì hàng Trung Quốc trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài hàng tiêu dùng Trung Quốc chiếm thị phần lớn, còn lại là hàng Thái Lan, Campuchia, một phần nhỏ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Hàng của DN trong nước, tiêu thụ tại thị trường nội vẫn phải cạnh tranh một cách chật vật chứ chưa nói đến tiếp cận thị trường của họ.
Rất dễ để tìm hiểu, so sánh vì sao hàng Trung Quốc, Thái Lan có mặt ngày càng nhiều và đa dạng chủng loại tại Việt Nam. Cụ thể, tại các siêu thị điện máy Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Gia Thành, phần lớn hàng điện tử, điện máy, điện lạnh chủ yếu là hàng Nhật lắp ráp tại Thái Lan hay Trung Quốc. Có đến cả trăm loại hàng gia dụng xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan.
Trong đó, gần như không có hàng Việt Nam. Ở kênh mua sắm thông dụng hơn như chợ, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm, đồ dùng gia đình luôn đa dạng, chất lượng tốt, giá chỉ hơn hàng Việt Nam khoảng 15%, nhưng nhìn hình thức bắt mắt hơn hẳn.
Bà Nguyễn Phi Vân, Tổng giám đốc Công ty Retail & Franchise nhận định, hiện đang có một làn sóng nhượng quyền thương hiệu từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam. Đặc biệt, DN các nước (Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar…), ngoài việc được Chính phủ hỗ trợ những điều kiện tốt nhất (về vốn, chính sách, thông tin thị trường…), họ còn rất tự chủ, năng động trong tiếp cận những thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam.
DN sản xuất hàng Thái Lan từ 5 năm trước đã xem Việt Nam là thị trường nội địa nối dài của họ. Hàng hóa đưa vào Việt Nam không chỉ được lòng người tiêu dùng và nhà phân phối, mà hàng Thái Lan còn được nâng đỡ bởi tiếng tăm các nhà phân phối lớn từ những thương vụ mua bán sáp nhập đình đám (Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Berli Jucker mua cổ phần FamilyMart và mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart, hay mua 19 siêu thị Metro Cash & Carry…). Như vậy, hàng Thái dễ dàng có mặt tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam.
Nếu nhìn ngược lại, hàng Việt Nam khi đến các nước ASEAN thì gần như bằng không. Bởi hàng Việt tại thị trường nhà vẫn còn chống chọi đuối sức với làn sóng hàng ngoại, nói gì đến việc “đem chuông đi đánh xứ người”.
Nhật Minh
(Thời báo Ngân hàng)