Bất kể những tuyên bố công khai của cả hai bên đều chỉ nói về những điều tích cực, có một thực tế rõ ràng là phái đoàn thương mại Mỹ đã rời Bắc Kinh mà không có bất cứ thành quả cụ thể nào để “mang về báo cáo” với Tổng thống Donald Trump.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học bắt đầu khiến xã hội Nhật rối loạn?
- Cập nhật : 21/11/2017
Vấn đề nhân khẩu học của nước Nhật đang cản trở việc chuyển giao kiến thức kỹ năng, kỹ năng làm việc từ người già sang người trẻ, cùng lúc đó gây hại đến toàn bộ xã hội xung quanh.
Trong một buổi sáng mùa hè u ám vào tuần trước, mỗi điểm dừng xe bus tại quận Shibuya, một trong những quận cực kỳ trung tâm tại thủ đô Tokyo, có ít nhất 30 người đang đứng xếp hàng. Liên tục có xe bus đến nhưng tất nhiên xe nào cũng chật kín đến nỗi chẳng còn chỗ nào cho khách mới chen chân lên.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này chính là việc tuyến Den-en-toshi, một tuyến tàu vốn rất đông người đi làm buổi sáng, đã bị hoãn lại khoảng 4 tiếng rưỡi do gặp sự cố về điện. Những người đi làm mãi không lên được xe bus để đến chỗ làm bắt đầu cáu giận.
Một người nói: “Thế này là quá đủ rồi”. Một người khác điềm tĩnh hơn thì bông đùa: “Xếp hàng thế này còn lâu hơn cả đi chơi công viên giải trí ấy nhỉ.”
Bao nhiêu lâu nay, người ta biết đến người Nhật với sự đúng giờ, thế nhưng trong thời gian gần đây, tỷ lệ trễ tàu ngày một tăng cao. Trong quá khứ, trễ tàu thường có nguyên nhân từ những vụ tự tử hoặc thời tiết xấu. Thế nhưng những tháng gần đây, tình trạng sự cố điện gây muộn tàu xảy ra ngày một phổ biến hơn.
Có thể kể đến hàng loạt vụ việc như sau. Tuyến Den-en-toshi do công ty Tokyu vận hành bị mất điện vào ngày Mười chín tháng Mười. Tuyến Yamanote vận hàng bởi công ty JR East mất điện vào ngày Năm tháng Chín. Tuyến tàu phục vụ cho các hành khách ra sân bay Haneda đã bị ngừng dịch vụ vào ngày Mười hai tháng Chín cũng bởi mất điện.
Dù tất nhiên trách nhiệm trong từng vụ việc thuộc về các công ty vận hành hệ thống đường sắt, thế nhưng tất cả đều có chung một lý do: quá thiếu nhân sự vận hành mạng lưới điện.
Các công ty đường sắt là những nhà tuyển dụng khá phổ biến tại Nhật, thế nhưng hoạt động vận hành hệ thống điện không thu hút được các nhân sự trẻ vào làm việc bởi công việc này quá vất vả.
“Không có đủ nhân sự cho hoạt động bảo trì hệ thống. Và ngoài ra những nhân sự vào làm việc tại các công ty này cũng không có đủ năng lực”, giáo sư ngành kỹ thuật điện tại đại học Kogakuin ở Tokyo, ông Ryo Takagi, nhận xét.
Trong khi không có đủ nhân sự trẻ vào làm việc thì những nhân sự già về hưu ngày một nhiều khi họ đến tuổi. Những gì đang diễn ra cho thấy những vấn đề nhân khẩu học của nước Nhật đang cản trở việc chuyển giao kiến thức kỹ năng, kỹ năng làm việc từ người già sang người trẻ, cùng lúc đó gây hại đến toàn bộ xã hội xung quanh.
Nhiều người trẻ bây giờ không còn quan tâm đến lĩnh vực này. Quản lý một công ty điện tại Tokyo cho biết: “Ngày xưa từng có thời người ta cố gắng vượt qua các kỳ kiểm tra để có thể làm việc tại các vị trí quản lý, ngày nay có quá ít người muốn tham gia các kỳ kiểm tra này.”
Theo tổ chức FCIP, số lượng những người vượt qua được bài kiểm tra tay nghề cần thiết để có thể giám sát hệ thống giảm từ con số 13.008 người vào năm 1998 xuống chỉ còn 7.336 người trong năm tài khóa 2016.
Khi tình trạng thiếu nhân sự gia tăng, tất nhiên, những người đứng đầu doanh nghiệp đường sắt trong ngành không thể ngồi yên. Công ty JR mới đây đã đưa ra chương trình tuyển dụng chuyên dành cho sinh viên mới tốt nghiệp để có thể thực tập trên khắp nước Nhật cũng như được hưởng nhiều ưu đãi khác. Ngoài ra, công ty cũng đang điều chỉnh để giảm bớt áp lực công việc trong một số bộ phận.
Không chỉ ngành đường sắt Nhật đối diện với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, ngành hàng không Nhật cũng đang thiếu nhân sự trầm trọng.
Mới ngày thứ Năm vừa rồi, hãng hàng không Air Do thông báo sẽ hủy 26 chuyến bay giữa sân bay Haneda và sân bay New Chitose ở Hokkaido bắt đầu từ tháng Hai năm sau bởi quá thiếu phi công.
Trong thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười năm nay, hàng loạt phi công của hãng đã xin nghỉ hưu và hãng hàng không không thể đào tạo nhân sự đủ nhanh để có thể thay thế cho nhân sự đã nghỉ.
Trong ngành vận chuyển của Nhật, tình trạng thiếu nhân sự cũng vô cùng tồi tệ, có nhiều người nhận ca làm việc từ 4h sáng và phải làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày mà gần như không được nghỉ.
Sự an toàn và đúng giờ bao lâu nay vốn là hai ưu điểm lớn nhất của hệ thống giao thông Nhật. Giờ đây hai ưu điểm đó đang mất dần bởi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày một tồi tệ.
TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn