Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới.
Bộ Tư pháp Mỹ chặn đứng thương vụ AT&T thâu tóm Time Warner
- Cập nhật : 21/11/2017
Nếu không vướng phải sự cản trở quyết liệt từ phía Bộ Tư pháp Mỹ, thương vụ AT&T thâu tóm Time Warner hẳn đã tạo ra một đế chế truyền thông cực lớn.
Bộ Tư pháp Mỹ trong ngày thứ Hai đã công bố bác bỏ thương vụ hãng viễn thông AT&T mua lại tập đoàn truyền thông Time Warner của Mỹ với giá 85,84 tỷ USD.
Bằng việc đưa ra phán quyết này, Bộ Tư pháp Mỹ đang cho thấy một cách tiếp cận mới với vấn đề chống độc quyền, khác với những gì mà chính quyền Tổng thống Obama đã làm trước đây.
Nếu không vướng phải sự cản trở quyết liệt từ phía Bộ Tư pháp Mỹ, thương vụ AT&T thâu tóm Time Warner hẳn đã tạo ra một đế chế truyền thông cực lớn.
Bản thân AT&T hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại lớn nhất nhì nước Mỹ. Sau khi thâu tóm DirecTV vào năm 2015, AT&T đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Mỹ.
Nếu AT&T mua lại được Time Warner, tập đoàn truyền thông mới này sẽ có khả năng cực lớn trong việc tiếp cận đến người tiêu dùng thông qua các chương trình tin tức và giải trí.
Time Warner hiện đang sở hữu HBO, hãng sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng; Warner Bros, hãng sản xuất phim Harry Porter; Turner Broadcasting, hãng sở hữu kênh truyền hình tin tức CNN và truyền hình thể thao TNT.
Một trong những quan chức hàng đầu trong Bộ Tư pháp Mỹ, ông Makan Delrahim, khẳng định rằng Bộ Tư pháp Mỹ phản đối thương vụ thâu tóm của AT&T bởi lý do sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp trên sẽ không hề có lợi cho công chúng Mỹ.
Ông Delrahim tuyên bố: “Vụ sáp nhập sẽ gây hại cho người tiêu dùng Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ sẽ có thể phải trả phí xem truyền hình cao hơn, đồng thời cùng lúc đó có thể nội dung và sự sáng tạo trong hoạt động không còn được như trước.”
Còn theo một quan chức khác thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này vẫn sẵn sàng đối thoại với các bên. Để có thể giành được sự chấp thuận từ cơ quan chống độc quyền, các bên liên quan cần phải bán đi một số tài sản.
Với việc ngăn cản thương vụ thâu tóm trên, Bộ Tư pháp Mỹ đã cho thấy một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất để ngăn chặn tình trạng độc quyền suốt từ khi cơ quan này ngăn cản thương vụ AT&T mua lại T-Mobile vào năm 2011.
Từ đó đến nay AT&T không ngừng cố gắng mở rộng quy mô bằng cách thâu tóm nhiều đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong lĩnh vực viễn thông. Trước đây, dưới thời của Tổng thống Obama, Bộ Tư pháp Mỹ không chấp nhận cho AT&T mua lại T-Mobile bởi lo ngại khi cạnh tranh giảm đi, giá dịch vụ trên thị trường sẽ tăng lên.
Tất nhiên về phía mình, AT&T phản đối phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ,.
AT&T khẳng định liên minh giữa AT&T và Time Warner sẽ giúp tạo ra một công ty mới đủ khả năng cạnh tranh với nhiều công ty Internet cực lớn hiện nay như Facebook hay Google trong lĩnh vực quảng cáo số và dịch vụ trực tuyến.
Không chỉ có vậy, thương vụ sẽ giúp tạo ra một công ty mạnh trong dịch vụ video và quảng cáo, vẫn theo lập luận của AT&T.
TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn