tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Châu Á đã quên bài học khủng hoảng năm 1997?

  • Cập nhật : 19/06/2017

Tinh thần năm 1997 đã bị phai mờ. Châu Á đang tiến hành cải cách kinh tế rất chậm chạp, ngay cả khi đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn.

chau a da quen bai hoc khung hoang nam 1997?

Châu Á đã quên bài học khủng hoảng năm 1997?

Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo Michael Schuman tại Bắc Kinh

Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung từng nói với tôi một câu chuyện thể hiện được tinh thần cải cách đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi ông đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam thì một vị khách hoảng loạn đến từ Seoul tìm gặp ông để xin lời khuyên. Đó là Kim Woo-choong, nhà sáng lập thích phô trương của Daewoo Group, khi đó là công ty lớn thứ hai của Hàn Quốc. Trong bữa ăn sáng ở Hà Nội, doanh nhân này cho biết các công ty của ông đang gặp khó khăn về tài chính và cầu xin tổng thống giúp đỡ.

Trong quá khứ, một lời cầu xin như vậy có thể được đáp ứng. Các vị tổng thống Hàn Quốc đã thường xuyên hỗ trợ các tập đoàn lớn của đất nước, được gọi là chaebol, để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng việc kinh doanh mờ ám của họ - vốn hay dẫn đến nợ nần, dư thừa công suất và tệ hối lộ - cũng là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng. Tổng thống Kim nhận thức rằng phải có một cách tiếp cận mới, bất kể nó đau đớn như thế nào. Ông đã gửi một thông điệp đến người đứng đầu của  Daewoo khi đó rằng: Hãy tự cứu lấy mình. Daewoo tan rã ngay sau đó.

Đó là một quyết định cứng rắn - nhưng chỉ là một trong vô số những sự lựa chọn khó khăn của các chính phủ châu Á để giải cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng. Bắt đầu từ tháng 7/1997, một số nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á - Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia - rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ nghiêm trọng khiến các nhà đầu tư trốn chạy, sụp đổ tiền tệ, các công ty phá sản và kinh tế ngừng tăng trưởng.

Tôi là phóng viên ở Seoul vào thời điểm đó, và dường như những cải cách xảy ra liên tục hàng tuần. Các ngân hàng bị đóng cửa, các công ty tái cấu trúc, các tập đoàn bị chia tách và thị trường mở cửa. Indonesia đã biến đổi từ chế độ độc tài sang dân chủ. Trong một số trường hợp, các nhà hoạch định chính sách buộc phải tiến hành cải cách, và nhiều người đã bị ảnh hưởng. Jakarta tê liệt vì những cuộc bạo loạn của người dân. Những người làm công ăn lương ở Seoul, vì rất xấu hổ nếu phải nói với gia đình họ rằng họ đã sa thải, mặc những bộ quần áo công sở như thường lệ mỗi buổi sáng và đi tới các công viên ngồi cho đến hết ngày. Nhưng châu Á đã phục hồi mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng, vì phần lớn các tổng thống, các bộ trưởng và các nhà kỹ trị (technocrat) không trốn tránh những trách nhiệm khó khăn.

Thật không may, tinh thần của năm 1997 đã bị phai mờ. Châu Á trong những năm gần đây tiến hành cải cách rất chậm chạp, ngay cả khi đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn và nền kinh tế có chiều hướng xấu đi. Đối mặt với những mối đe dọa mới này, các chính phủ châu Á cần phải nhận thức sự cấp bách về những cải cách để thúc đẩy thay đổi như cách đây hai thập kỷ.

Ví dụ, hãy xem những gì đã xảy ra trong thập kỉ vừa qua ở Seoul. Ông Kim Dae-jung đã không cứu Daewoo, nhưng những người kế nhiệm gần đây của ông lại có khuynh hướng cảm thông với các lãnh đạo chaebol bị cáo buộc phạm tội, thay vì tiếp tục làm suy yếu quyền lực của họ và cải thiện hiệu quả quản trị. Hậu quả đã trở nên rõ ràng trong năm qua, khi một vụ bê bối tham nhũng khác của các chaebol đã lật đổ Tổng thống Park Geun Hye.

Sự chậm chạp của các nhà hoạch định chính sách cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Indonesia đúng ra phải là một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, nhưng vì việc có quá nhiều luật lệ và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tăng trưởng chỉ dao động ở mức 5%. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói về cải cách nhưng thường hành động không đáng kể.

Trên thực tế Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy nợ nần, vốn đã đánh gục những con hổ châu Á trong quá khứ, trong khi dường như đang phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc ở mức 257% GDP vào cuối năm 2016. Trên thực tế, nợ đã tăng lên khắp Châu Á. Mặc dù không ở mức khủng hoảng, nó đang cản trở sự tăng trưởng ở các nước như Hàn Quốc và Malaysia.

Mặc dù vậy, một làn sóng thay đổi đang diễn ra. Ông Moon Jae-in, Tổng thống mới của Hàn Quốc, đã báo hiệu rằng ông sẽ mạnh tay kiểm soát các chaebol và các gia đình kiểm soát chúng, qua đó tạo điều kiện cho các công ty nhỏ hơn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông qua chương trình ân xá thuế đầy tham vọng, và mở cửa nhiều lĩnh vực hơn cho đầu tư nước ngoài.

Cải cách luôn dễ dàng được thực hiện khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, khiến các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác. Nhưng nếu không có sự thay đổi, châu Á sẽ tiếp tục dựa quá nhiều vào nợ để tăng trưởng thay vì tăng năng suất. Ở các quốc gia nghèo hơn, đà cải thiện phúc lợi của các hộ gia đình sẽ bị đình trệ. Cũng như thời gian trước năm 1997, những bất thường về kinh tế có thể tăng lên đến mức khu vực châu Á phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. Liệu có còn một lãnh đạo  nào đủ can đảm như ông Kim Dae Jung để mà cầu cạnh?

Bá Ước
Theo nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục