tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bài toán “cân não” của kinh tế Trung Quốc

  • Cập nhật : 03/04/2017

Vừa phải thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải cố tránh một cuộc khủng hoảng tài chính là bài toán khó đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Wall Street Journal.

theo oecd, trung quoc co the se can toi hon 3 nam de giai quyet tinh trang bong bong bat dong san tai cac thanh pho nho

Theo OECD, Trung Quốc có thể sẽ cần tới hơn 3 năm để giải quyết tình trạng bong bóng bất động sản tại các thành phố nhỏ

Những rủi ro “sát sườn”

Theo báo cáo kinh tế 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro tài chính ngày càng lớn trong khi các biện pháp mới nhằm bình ổn nền kinh tế không mang lại hiệu quả như mong đợi. 

Những rủi ro “sát sườn” nhất như dư thừa sản xuất công nghiệp nặng, bong bóng bất động sản và các thị trường tài sản khác, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. OECD dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,3% năm 2018. 

Nước này cũng đang trải qua thời điểm nhạy cảm khi vừa phải thúc đẩy tăng trưởng vừa phải cố tránh một cuộc khủng hoảng tài chính do nợ công tăng nhanh và sau nhiều năm duy trì các biện pháp kích thích kinh tế. 

Đồng thời, mùa thu năm nay, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ quyết định những nhân vật chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo khóa mới của nước này. 

Theo báo cáo trên, Trung Quốc có thể sẽ cần tới hơn 3 năm để giải quyết tình trạng bong bóng bất động sản tại các thành phố nhỏ. 

Trong hai tháng đầu năm 2017, giá nhà tại đây tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng của tháng 12/2016 là 16,8% so với cùng kỳ. Tình trạng tăng trưởng này vẫn kéo dài bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn chặn đầu cơ bất động sản của chính quyền Bắc Kinh. 

Nợ doanh nghiệp gia tăng, chủ yếu là của các công ty nhà nước, cũng là hiểm họa lớn đối với sự ổn định tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. 

Đầu năm 2016, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc tương đương với 170% GDP, cao hơn nhiều so với mức 100% cuối năm 2008. Đây cũng là mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. 

OECD không phải tổ chức đầu tiên đưa ra những cảnh báo như vậy. Giữa năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đang là vấn đề nghiêm trọng và có chiều hướng xấu đi. 

Tình hình này đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh cần có những giải pháp kịp thời nếu muốn tránh những rủi ro hệ thống cho chính kinh tế nước này và toàn cầu. 

Năm ngoái, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp kích thích tiền tệ và rót tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Kêu gọi minh bạch

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6,7%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Mục tiêu nước này đặt ra cho năm 2017 là khoảng 6,5%. Theo OECD, việc bơm các gói kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn sẽ dẫn tới sự mất cân bằng trong dài hạn. 

“Trung Quốc đã và đang có những cải cách đáng kể” và “cần nhiều hơn nữa”, Alvaro Santos Pereira, một giám đốc của OECD nói.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu “đổi mới, sáng tạo” làm ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng, dù nỗ lực này không mấy hiệu quả. Nước này đã dành 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển, nhiều hơn so với một số nước trong OECD, nhờ đó, lượng đăng ký sáng chế mới tăng vọt. 

Tuy nhiên, đa phần những sáng chế này không có sự đổi mới sáng tạo và không giúp tăng năng suất lao động.

Theo OECD, mỗi ngày Trung Quốc có 15.000 công ty đăng ký mới, do đó cần có môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Ở nước này, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hạn chế gây cản trở cho sự đổi mới, sáng tạo, bất chấp việc các tòa án đặc biệt được thành lập để bảo vệ bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu, báo cáo của OECD cho hay. 

Theo giám đốc của Candy Intelligent Technology Co., một hãng sản xuất đồng hồ thông minh nhỏ ở nam Thâm Quyến, cho biết chính phủ cần trợ cấp, giảm thuế và tăng cường bảo vệ các doanh nghiệp sáng tạo nhỏ. 

“Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc hiện cực kỳ tồi tệ, cứ như chẳng có luật pháp gì cả”, Zheng Hanbo, tổng giám đốc của Candy Intelligent, nhận xét. 

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế phá sản hiệu quả cũng là nhân tố cản trở sự sáng tạo và tăng trưởng lành mạnh của các doanh nghiệp, báo cáo trên nhận định. 

OECD cũng kêu gọi Trung Quốc tăng sự minh bạch trong nhiều lĩnh vực, từ số liệu tài chính cho tới hoạt động doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp bảo vệ sát sao hơn những người tố cáo hành vi bất lương của công ty. 

Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, nước này chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng của toàn thế giới. Tuy nhiên, nước này cần tập trung giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người bị tụt lại phía sau, OECD nhận định. 

Kim Tuyến
Theo Vneconomy.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục