tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bức tranh kinh tế thế giới khi Donald Trump lên làm Tổng thống: Xám hay hồng?

  • Cập nhật : 11/11/2016

(Kinh te)

Kinh tế thế giới sẽ mang những sắc màu hoàn toàn khác biệt so với 8 năm qua.

Từ cuối tháng một năm sau, ông Donald Trump sẽ sở hữu toàn bộ quyền lực của một tổng thống Mỹ, cũng như có được sự ủng hộ của một Quốc Hội thống nhất với phần lớn thành viên theo Đảng Cộng Hoà. Vì vậy, ông Trump có thể thuận lợi tạo ra những sự thay đổi sâu sắc và lâu dài.

Tác động kinh tế ngắn hạn dưới thời tổng thống Trump có lẽ sẽ rất lớn và đắt giá. Trong thời gian ngắn, phản ứng của thị trường sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Tới đầu năm 2017, ông Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ; và vì vậy, thị trường hiện đang chờ đợi những thay đổi về chính sách.

Thị trường chứng khoán giảm điểm sau khi ông Trump trúng cử. Trong đêm bầu cử các chỉ số chứng khoán Mỹ tương lai đã rơi thẳng đứng. Tuy nhiên, tổn thất do biến động giá cổ phiếu đối với thị trường nước Mỹ và toàn cầu có lẽ đã bị phóng đại quá mức. Sau khi nước Anh bỏ phiếu cho Brexit, thị trường có dao động nhưng không đột ngột và tổn hại như những gì được dự đoán trước đó. Và lần này thị trường chỉ cần mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi để hồi phục, thậm chí là lập đỉnh trong phiên giao dịch ngay sau đó.

Hiện tại, thị trường vẫn đang mong đợi Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) nâng lãi suất trong tháng 12. Tuy nhiên, nếu thị trường không ổn định, thì khả năng này là không cao.

Ngoài ra, nền tảng chính sách của ông Trump có thể có tác động kích cầu trong trung hạn. Mặc dù các kế hoạch kinh tế của ông chưa thực sự chi tiết, nhưng có một vài điểm khá rõ ràng. Trước hết, ông Trump sẽ tiến hành một kế hoạch giảm thuế lớn. Kế hoạch giảm thuế này có lợi cho người giàu, có thể góp phần hạn chế tăng cầu. Tuy nhiên, giảm thuế gây thâm hụt ngân sách chính phủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Ông Trump còn có ý định tăng ngân sách cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, kế hoạch bắt giữ và trục xuất bộ phận dân nhập cư trái phép cũng sẽ chiếm một phần ngân sách.

Dưới thời tổng thống Obama, các khoản chi giảm dù đã có một gói kích cầu trị giá 800 tỉ đô la Mỹ - tương đương 1% GDP. Nhưng, dưới thời tổng thống Trump sắp tới, hai khoản này có xu hướng tăng lên. Và đương nhiên, phản ứng của FED trước chính sách của chính phủ mới sẽ quyết định kích thích tài khoá ở mức độ nào sẽ có lợi cho nền kinh tế.

Vai trò của FED trong nền kinh tế cũng tồn tại nhiều nguy cơ dưới thời tổng thống mới. Ông Trump từng chỉ trích lựa chọn chính sách tiền tệ của Thống đốc Janet Yellen. Nếu ông Trump đẩy hoạt động của FED theo hướng cứng rắn hơn, thì một cuộc suy thoái kinh tế ngắn hạn là không thể tránh khỏi.

Những thay đổi chính sách khác cũng có tác động tới sự phân bổ lợi nhuận kinh tế. Nếu Đảng Cộng Hoà huỷ bỏ chương trình Obamacare, thì hàng triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế. Trong trường hợp Đảng không có phương án thay thế, nhiều hệ quả nghiêm trọng về con người sẽ xảy ra.

Trong nhiệm kỳ của ông Trump, bộ phận dân nhập cư không có giấy tờ và gia đình họ sẽ lâm vào tình trạng yếu thế. Cơ hội chuyển nơi ở, thay đổi công việc, đầu tư và yêu cầu tăng lương hoặc đãi ngộ tốt hơn của họ sẽ giảm xuống.

Về các tác động dài hạn, nếu ông Trump có thể ngăn khủng hoảng kinh tế đột ngột xảy ra, thì nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ có nhiều tác động dài hạn sâu sắc.

Siêu toàn cầu hoá từ những năm đầu thế kỷ 21 đã có những tác động tiêu cực tới tăng trưởng thương mại toàn cầu. Ý định đơn phương tiến hành các biện pháp hạn chế thương mại tạm thời của ông Trump có thể sẽ đẩy các quốc gia khác vào tình thế buộc phải tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với nước Mỹ.

Bên cạnh đó, không ai có thể dự đoán được các chính sách quan trọng khác dưới thời tổng thống Trump. Có thể ông Trump sẽ không đặc biệt hứng thú với hợp tác quốc tế nhằm hạn chế tình trạng tránh thuế hay hạn chế quyền lực của các ngân hàng toàn cầu. Cũng có thể chính phủ của ông Trump sẽ sử dụng hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân Hàng Thế Giới để loại bỏ các biện pháp chống sốc trong hệ thống quốc tế.

Chẳng ai có thể chắc chắn được cách thức ông kiểm soát các xu hướng kinh tế quan trọng, ví dụ như xu hướng hợp nhất trong ngành công nghiệp nước Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng ông Trump có vẻ như sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn. Việc làm này có thể đem lại lợi nhuận, nhưng về lâu dài, sẽ gây ra tác động tiêu cực tới tiềm năng phát triển của nền kinh tế Mỹ và giảm thiểu năng lực thương lượng của người lao động.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều bí ẩn lớn khi ông Trump trở thành tổng thống. Ông sẽ nắm quyền kiểm soát quân đội mạnh nhất thế giới. Nhưng không ai có thể lường trước được cách ông sẽ sử dụng quân đội hay bộ máy ngoại giao của chính phủ. Bất cứ động thái nào thúc đẩy xung đột tại Trung Đông hay châu Á đều có thể để lại những hệ quả kinh tế nghiêm trọng: giá dầu tăng cao, suy thoái thương mại toàn cầu…

Ngay cả nếu ông Trump không châm ngòi bất kỳ cuộc xung đột hay khủng hoảng nghiêm trọng nào tại nước Mỹ hay trên thế giới, thì ông vẫn sẽ có tác động đáng kể tới tăng trưởng toàn cầu theo hướng tiêu cực.

Ông Trump có thể đảo ngược xu hướng toàn cầu hoá hiện đang có dấu hiệu chững lại. Điều này không giúp lấy lại thời hoàng kim thịnh vượng và an toàn cho người lao động, mà còn có khả năng giảm tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, phá huỷ những nấc thang phát triển và gây ra xung đột chính trị.

Khả năng dùng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gửi di dân tới các nước giàu hơn của các nền kinh tế đang phát triển sẽ sụt giảm. Đồng thời, các quan hệ hợp tác quốc tế với mục đích giảm nhẹ khủng hoảng tài chính và kinh tế sẽ sụp đổ. Tình hình biến đổi khí hậu sẽ chuyển biến xấu hơn.

Rõ ràng, viễn cảnh thế giới khi ông Donald Trump lên làm tổng thống là không mấy sáng sủa.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục