Báo cáo kinh tế đầu tiên được Trung Quốc công bố trong năm 2016 cho thấy ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua chu kỳ yếu kém nhất kể từ năm 2009.
Thế giới lại đứng trước bóng ma của Đại Suy thoái?
- Cập nhật : 21/06/2016
Dù đã 7 năm trôi qua, nhưng tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn chưa thể quay lại mức trước đợt khủng hoảng 2008-2009.
Theo các nhà nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nếu muốn hiểu được điều gì đang diễn ra hiện nay, hãy quay lại cách đây hơn 80 năm.
Cũng như thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930, tiềm năng tăng trưởng hiện tại đang bị kìm hãm bởi những kỳ vọng về sụt giảm lạm phát, việc ngần ngại chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp, và việc các chính phủ ngưng lại các biện pháp kích cầu. Đợt khủng hoảng tài chính 2008-2009 vẫn đang để lại dư âm là quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính bằng cách bán tài sản để trả nợ, cũng như những quy định chặt chẽ hơn trong ngành ngân hàng, từ đó làm tăng áp lực giảm phát.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà kinh tế Chetan Ahya của Morgan Stanley, đây là một “cú sốc” tương tự như điều từng xảy ra trước Đại Suy thoái: “Chúng tôi nghĩ rằng tình hình vĩ mô hiện tại có một số điểm tương đồng đáng kể so với những năm 1930, và những kinh nghiệm từ thời đó là khá phù hợp cho bây giờ. Điểm tương đồng chủ chốt giữa những năm 1930 và chu kỳ suy thoái hồi năm 2008 là ở chỗ cú sốc tài chính và các khoản nợ lớn đã làm thay đổi cách nhìn nhận rủi ro của khu vực tư nhân và buộc họ phải tìm cách cân đối lại tình hình tài chính”.
Tương tự như thời Đại Suy thoái, kết quả của các xu hướng kể trên có thể dẫn tới một giai đoạn tăng trưởng chậm chạp kéo dài, cũng như ít có hy vọng gia tăng lạm phát. Mối nguy nữa ở đây là các ngân hàng trung ương có thể quá vội vàng tăng lãi suất hoặc các chính phủ nhanh chóng cắt giảm chi tiêu, khiến cho mọi người càng lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Theo các nhà phân tích, “trong giai đoạn 1936-1937, việc hạn chế sớm các chính sách kích cầu đã làm xảy ra khủng hoảng kép tại Mỹ, dẫn tới việc quay về với tình trạng suy thoái và giảm phát. Tương tự như vậy, hiện nay các chính phủ cũng đang xiết lại chính sách tài khóa, dẫn tới việc tăng trưởng chậm lại trong những quý gần đây”.
Hồi đầu tháng 6 này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, do việc sụt giảm mức đầu tư của giới doanh nghiệp ở các nước phát triển, trong khi các công ty xuất khẩu hàng hóa ở các nước đang phát triển thì chật vật đối phó với tình trạng rớt giá. Theo đó, WB dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,4% trong năm nay, tương tự như năm 2015 và thấp hơn mức 2,9% được dự báo hồi tháng 1/2016.
Tại Mỹ, các động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) đã nhận được nhiều lời chỉ trích là diễn ra quá sớm. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã đưa ra luận điểm rằng Fed không nên nâng lãi suất cho đến khi đã “thấy tận mắt” lạm phát.
Hồi tháng 2, các bộ trưởng tài chính của những nền kinh tế lớn đã hứa hẹn về việc sẽ tìm cách đưa ra các gói kích cầu nhiều hơn. Tuy nhiên, từ đó cho tới nay, giải pháp được lựa chọn lại là việc nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương, từ Úc cho đến châu Âu.
Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, các chính phủ sẽ cần hành động nhiều hơn nữa nếu muốn thoát khỏi nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng: “Việc triển khai các chính sách tài khóa tích cực cùng lúc với các chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng có thể đem lại một chu kỳ tuyệt vời, trong đó khu vực kinh tế tư nhân tăng cường đầu tư, bảo đảm việc tạo ra việc làm và tăng trưởng thu nhập”.
Tuấn Minh
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)