tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tổng quan kinh tế thế giới tháng 5/2016

  • Cập nhật : 11/06/2016

Kinh tế thế giới tiếp diễn xu hướng tăng trưởng không đồng đều. Thị trường hàng hoá tiếp tục đà tăng giá trong bối cảnh thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới nhiều loại nông thuỷ sản.

tong quan kinh te the gioi thang 5/2016

Tổng quan kinh tế thế giới tháng 5/2016

1. Kinh tế thế giới đan xen những điểm sáng, tối
Hoa Kỳ: Kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục đón nhận những thông tin lạc quan: doanh thu bán lẻ tháng 4 tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm và người tiêu dùng đang lấy lại thói quen chi tiêu; Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,2% trong tháng 4, sau khi sụt giảm 0,1% hồi tháng 3.
 
Trung Quốc: Các số liệu kinh tế Trung Quốc tháng 4 đều gây thất vọng, làm gia tăng thêm nghi ngờ rằng liệu nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này có thực sự đang ổn định trở lại: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 4 chỉ đạt 6%, thấp hơn mức dự báo 6,5% và mức tăng trưởng 6,8% của tháng 3; Đầu tư vào tài sản cố định chỉ đạt mức tăng trưởng 10,5% trong 4 tháng đầu năm, không đạt được mức dự báo 10,9% và giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng trong quý 1; Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4, bao gồm cả khối nhà nước và tư nhân, tăng 10,1%, thấp hơn tốc độ dự báo 10,5%; Đầu tư của lĩnh vực tư nhân tiếp tục chậm lại, thể hiện sự nghi ngại của các doanh nghiệp đối với triển vọng kinh tế.

Tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn
 
EU: Trong cuộc họp ngày 21/4, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn thấp kỷ lục.

Australia: Ngày 3/5, NHTW Australia hạ lãi suất chính thức thêm 25 điểm %, xuống mức thấp lịch sử là 1,75% nhằm ngăn chặn những lo ngại về nguy cơ giảm phát.
Hoa Kỳ: Fed trong kỳ họp tháng 4 tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản tháng thứ 3 liên tiếp do lo ngại lạm phát còn thấp, và để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào kỳ họp tiếp theo. Kết quả khảo sát do Reuters tiến hành ngày 11/5 cho thấy các chuyên gia kinh tế và các thương gia nhận định Fed sẽ chưa nâng lãi suất cho đến tận tháng 9 dù nền kinh tế tiếp tục đón những thông tin tích cực, bởi Fed muốn có thêm dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đang tăng.
 
Thiên tai nhiều nơi trên thế giới
Trong khi hạn hán do El Nino tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới gây nguy cơ làm mất an ninh lương thực, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ở nhiều vùng biển gây cá chết trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thuỷ sản của nhiều quốc gia. Thủy triều đỏ đang khiến ngành ngư nghiệp Chile tê liệt. Chính phủ Chile ước tính thiệt hại khoảng 100.000 tấn cá hồi, dẫn đến giá trên thị trường thế giới tăng mạnh.

2. Thị trường hàng hoá: Giá trên đà hồi phục
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới có dấu hiệu chuyển sang chu kỳ tăng giá do một số yếu tố: Thời tiết bất lợi, đồng USD yếu đi, sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng chậm lại trong khi nhu cầu tăng nhanh, các nhà đầu tư Trung Quốc mua mạnh…Trong 4 tháng đầu năm, 17 trong số 22 hàng hóa tính chỉ số giá của Bloomberg tăng giá.
Dầu: Giá dầu tiếp tục tăng do cháy rừng tại Canada ảnh hưởng tới sản xuất dầu cát nước này, trong khi báo cáo mới nhất của IEA cho thấy nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh - tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý I/2016 so với cùng quý năm 2015, vượt mức dự báo là 1,2 triệu thùng/ngày. Từ mức 36,16 USD/thùng (dầu WTI) và 40,17 USD/thùng (dầu Brent) phiên 17/4, giá dầu đã tăng lên lần lượt 46,21 USD/thùng và 47,83 USD/thùng ngày 16/5.

Gạo: Giá gạo tiếp tục tăng do lo ngại hạn hán làm giảm sản lượng. Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 380-385 USD/tấn lên 398 – 418 USD/tấn (FOB), trong khi gạo cùng loại của Việt Nam tăng từ 365-375 USD/tấn lên 370-375 USD/tấn. Nhu cầu vẫn yếu. Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch giảm sút sau khi Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống buôn lậu qua biên giới, bắt đầu từ ngày 26/3.
Thị trường đang chờ đợi quyết định mua gạo của chính phủ Philippines sau khi kết thúc cuộc bầu cử. Philippines đã từng thông báo kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo để tăng lượng dự trữ. Sản lượng gạo nước này đã giảm 9,97% trong quý I năm nay so với cùng quý năm ngoái, xuống 3,9 triệu tấn do hạn hán gây ra bởi El Nino.
Thái Lan thông báo bắt đầu mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho thông qua loạt đấu giá trong khoảng thoài gian 2 tháng. Thông tin này đã gây lo ngại ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết số gạo dự trữ này (khoảng 80%) không đạt tiêu chuẩn làm thực phẩm, mà chỉ có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nên có khả năng ít ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Đường: Giá đường thế giới có xu hướng tăng do khô hạn ở Thái Lan và Ấn Độ và bất ổn chính trị ở Brazil. Một số tổ chức quốc tế nhận định thị trường đang chuyển sang thiếu hụt sau 5 năm dư thừa, và giá sẽ tiếp tục biến động tới 2017.

Thịt lợn: Giá thịt lợn tại Trung Quốc xác lập kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử. Riêng trong tháng 3 vừa qua, giá trung bình toàn quốc tăng 28,3% so với cùng tháng năm ngoái, riêng tại Bắc Kinh tăng 50,6%. Tính trong 4 tháng đầu năm, giá tăng 24,4%. Nguyên nhân do nhu cầu liên tiếp tăng, trong khi những quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ hơn khiến số lợn nái sụt giảm. Tính tới tháng 1 vừa qua, số lợn nái nuôi ở Trung Quốc chỉ còn 38 triệu con, giảm rất nhiều so với mức cao kỷ lục trên 50 triệu con cuối năm 2012. Để đáp ứng nhu cầu, Trung Quốc đã phải tăng mạnh nhập khẩu, riêng trong tháng 3 nhập 114.700 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng tháng năm ngoái.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định bán ra thị trường thành phố 3,05 tấn thịt lợn đông lạnh trong vòng 2 tháng bắt đầu từ ngày 5/5/2016 để hạ cơn sốt giá thịt lợn. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh bán thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ ra thị trường kể từ khi thiết lập cơ chế dự trữ các mặt hàng thiết yếu vào năm 1992 trong nỗ lực bình ổn giá cả.
Bắc Kinh cũng sẽ trợ cấp cho người chăn nuôi tới 9 NDT cho mỗi kg thịt lợn để khuyến khích người nuôi lợn tăng số lượng giết mổ thêm 20% trong khoảng thời gian bán thịt dự trữ.

3. Một số dự báo về hàng hóa thế giới

Nguy cơ mất an ninh lương thực do châu Á mất mùa lúa
Các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng gây nguy cơ làm giảm sản lượng gạo lần đầu tiên kể từ 2010. Nắng nóng đang lan rộng tại Ấn Độ, trong khi Thái Lan và Việt Nam cũng đang chịu cảnh khô hạn. Ba quốc gia này đóng góp trên 60% tổng thương mại gạo toàn cầu khoảng 43 triệu tấn.
USDA dự đoán tồn trữ gạo ở 3 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ giảm khoảng 1/3 vào cuối năm 2016, xuống 19 triệu tấn, mức giảm mạnh nhất kể từ 2003.
Lúc này thị trường chưa có phản ứng nhiều với việc thời tiết khô và nóng, bởi Ấn Độ và Thái Lan còn nhiều gạo tồn trữ. Tuy nhiên, giá đang có xu hướng tăng lên. IGC dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2016 sẽ ở mức 473 triệu tấn, giảm so với 479 triệu tấn năm 2015 và là lần giảm đầu tiên trong vòng 6 năm. Sản lượng gạo Thái Lan năm nay dự báo giảm khoảng 1/5. Tình trạng khô hạn và/hoặc nhiễm mặn ở ĐBSCL có nguy cơ làm mất mùa lúa.
IGC dự báo năm nay Indonesia tăng 60% khối lượng gạo nhập khẩu so với vài năm trước, lên 2 triệu tấn. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tốc độ mua mạnh, bởi năm 2016 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp sản lượng của Trung Quốc thiếu hụt so với tiêu thụ. Lượng dự trữ của Philippines tính tới tháng 3 vừa qua ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái mặc dù đã nhập khẩu 750.000 tấn và cơ quan lương thực quốc gia (NFA) đang lên kế hoạch mua thêm 500.000 tấn.

Nhu cầu dầu tăng mạnh song dự báo cung vẫn vượt cầu
Tiêu thụ dầu mỏ thế giới đầu năm nay tăng nhanh hơn rất nhiều so với dự báo của hầu hết các nhà phân tích, nhưng tăng không đồng đều cả về mặt địa lý cũng như chủng loại. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thế giới đã tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý I/2016 so với cùng quý năm 2015, vượt dự báo là chỉ tăng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Điều đó kết hợp với sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Canada, Nigeria, Lybia, Iraq và Venezuela, và sự sụt giảm sản lượng dầu đá phiến Mỹ là cơ sở để IEA dự báo “xu hướng thị trường dầu đang tiến tới sự cân bằng”, và dư thừa dầu thô toàn cầu sẽ giảm từ mức 1,3 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm xuống chỉ còn 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2016. Tuy nhiên, trong khi IEA cho biết tiêu thụ dầu của Mỹ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay, và Ấn Độ dự báo sẽ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, thì tổ chức này cũng cho biết nhu cầu ở các khu vực khác và các loại nhiên liệu khác như diesel vẫn ảm đạm.
Bộ trưởng Năng lượng Nga ngày 12/5 nhận định thị trường dầu toàn cầu sẽ vẫn dư thừa 1,5 triệu thùng/ngày và sẽ chưa thể cân bằng trước nửa đầu năm 2017. OPEC ngày 13/5 cũng cho rằng thị trường dầu toàn cầu đã dư thừa nhiều và có dấu hiệu lượng dư thừa sẽ tăng trong năm nay, do sản lượng của các nước thành viên OPEC tăng lên để lấp đầy phần sản lượng giảm ở những nước khác – những nơi sản xuất gặp khó khăn do giá giảm. OPEC dự báo dư thừa dầu thô trung bình năm 2016 sẽ ở mức 950.000 thùng/ngày nếu OPEC vẫn bơm dầu với tốc độ như tháng 4 vừa qua.

Thị trường đường thế giới có thể sẽ thiếu hụt lần đầu tiên trong vòng 5 năm
Platts Kingsman là tổ chức mới nhất dự báo thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay và năm tới.
Ngày 16/5 Platts Kingsman đã nâng dự báo về mức thiếu hụt trong năm tới lên 7,3 triệu tấn trên cơ sở haj triển vọng sản lượng của Thái Lan, nhưng hạ mức dự báo về thiếu hụt trong niên vụ 2015/16 (kết thúc vào 30/9) xuống 5,48 triệu tấn, tren cơ sở nâng dự báo về sản lượng của Brazil.
Theo Kingsman, sả lượng của Brazil trong niên vụ này sẽ đạt 36,4 triệu tấn đường (638 triệu tấn mía) bởi các nhà máy tăng cường ép mía đường và giảm sản xuất ethanol.
Trước đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cũng nâng dự báo về sản lượng đường Brazil niên vụ 2015/16 thêm 1 triệu tấn, nhưng lại hạ dự báo về sản lượng của Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Dự báo cung – cầu trên thị trường đường thế giới (triệu tấn):

Tổ chức

Ngày dự đoán

Niên vụ 2015-16

Niên vụ 2016-17

Platts Kingsman

16/5/2016

-5,48

-7,3

Tổ chức Đường Quốc tế

13/5/2016

-6,65

-3,8

Datagro

9/5/2016

-6,49

-6,09

Czarnikow

14/4/2016

-11,4

 

F.O. Licht

6/4/2016

-8

-4,9

Morgan Stanley

4/4/2016

-4,7

 

Green Pool Commodities

23/3/2016

-6,65

-4,95

Rabobank

14/3/2016

-6,8

 

INTL FCStone

17/2/2016

-7

 

Capital Economics

4/2/2016

-3

 

Bioagencia

4/2/2016

-3,61

 

4. Chính sách thương mại của một số quốc gia có tác động đến XNK của Việt Nam
Trung Quốc kiểm soát chặt tín dụng cho các dự án mới sản xuất thép và than đá
Chính phủ Trung Quốc ngày 21/4 thông báo sẽ kiểm soát chặt tín dụng dành cho việc mở rộng công suất sản xuất trong các lĩnh vực thép và than đá – những mặt hàng đang dư thừa nguồn cung khiến giá giảm mạnh.
Ngân hàng trung ương nước này sẽ cùng với các tổ chức chính phủ khác tăng cường hỗ trợ xuất khẩu than đá và thép để giảm bớt tình trạng dư cung.


Theo Vinanet
Trở về

Bài cùng chuyên mục