Kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 tăng trưởng chậm. Sản xuất và đơn đặt hàng mới ở tất cả các ngành tăng trưởng chậm nhất trong vòng 3 năm.
1. Kinh tế thế giới tăng trưởng yếu nhất trong vòng 3 năm
Reuters dẫn nguồn tin Markit cho biết, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 tăng trưởng chậm. Sản xuất và đơn đặt hàng mới ở tất cả các ngành tăng trưởng chậm nhất trong vòng 3 năm.
Tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn
Ngày 2/6, NHTƯ châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản, duy trì lãi suất cho vay ở mức 0,25%, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%, và lãi suất tái cấp vốn 0%. ECB bắt đầu mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành - động thái chưa từng có tiền lệ - nhằm góp phần duy trì đà tăng trưởng cũng như cải thiện chỉ số lạm phát thấp của Eurozone.
Ngày 7/6, NHTƯ Ấn Độ tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm (6,5%) do lo ngại lạm phát tăng trong mùa mưa sắp tới.
Ngày 9/6, NHTƯ Hàn Quốc (BOK) hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng một năm qua từ 1,5% xuống mức thấp kỷ lục mới là 1,25%, trong bối cảnh kinh tế có những dấu hiệu phục hồi chậm chạp.
NHTƯ Nga cũng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 10 tháng qua từ 11% xuống còn 10,5% sau khi đồng ruble hồi phục, giá dầu ổn định và lạm phát không tăng.
Ngày 15/6, NHTƯ Hoa Kỳ quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất bởi lo ngại kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc đi hay ở lại châu Âu có thể tác động mạnh tới kinh tế Hoa Kỳ.
Ngày 16/6 NHTƯ Nhật Bản cũng quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành, theo đó tăng lượng cung tiền cơ bản hàng khoảng 80.000 tỷ yen (tương đương 648 tỷ USD) thông qua chương trình mua tài sản.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc đi hay ở lại EU (Brexit) tác động tới hoạt động đầu tư
Brexit là tâm điểm chú ý của thị trường tài chính và hàng hóa trong suốt tháng 6. Các nhà đầu tư tài chính tìm tới yen Nhật và những tài sản an toàn như trái phiếu. Fed cũng trì hoãn nâng lãi suất bởi lo ngại kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Hoa Kỳ.
Với kết quả bỏ phiếu quyết định nước Anha sẽ rời EU, thị trường thế giới đồng loạt rung chuyển, đặc biệt là thị trường tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa. Chỉ riêng vàng và trái phiếu tăng giá sau sự kiện này, còn lại đều sụt giảm mạnh, đặc biệt là các tài sản của Anh.
Các tổ chức quốc tế nhận định Brexit sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế nước Anh cũng như toàn thế giới. Với châu Á, Brexit cũng sẽ gây tác động mạnh. Số liệu của Capital Economics cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Châu Á đến Anh chiếm 0,7% GDP khu vực.
Theo kịch bản xấu nhất, việc nhu cầu nhập khẩu của Anh từ Châu Á giảm 25% có thể khiến tăng trưởng GDP của Châu Á mất khoảng 0,2%. Đặc biệt, một số nền kinh tế Châu Á sẽ chịu thiệt hại nặng hơn những nước khác nếu Brexit xảy ra, như Việt Nam, Campuchia hay Hồng Kông. Những thị trường này có quan hệ thương mại tương đối mạnh với Anh dựa trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính bằng % GDP. Tồi tệ hơn, nếu Brexit kích thích một làn sóng rút vốn tại các thị trường mới nổi Châu Á, những nước như Ấn Độ và Malaysia sẽ là các thị trường chịu thiệt hại nhiều nhất.
2. Thị trường hàng hoá: Giá tiếp tục hồi phục, nhất là nông sản
Giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số giá hàng hoá do Bloomberg theo dõi đã tăng 11%, vượt xa mức tăng khoảng 6% chỉ số giá trái phiếu và khoảng 2% chỉ số giá cổ phiếu. Đây là sự khởi đầu năm mạnh mẽ nhất kể từ giai đoạn giá hàng hoá bùng nổ năm 2008.
Trong số 22 mặt hàng tính chỉ số giá hàng hoá Bloomberg thì có tới 15 mặt hàng tăng giá trong năm nay, dẫn đầu là khô đậu tương tăng hơn 50%. Ngũ cốc đã tăng giá 16% trong năm nay do mưa lớn và lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng đậu tương ở Argentina và khô hạn dự báo sẽ làm giảm sản lượng ngô ở Brazil. Ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino ở Đông Nam Á đã bắt đầu làm khan hiếm thị trường đường thế giới.
Dầu: Giá dầu tăng mạnh trong tháng qua do tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Nigeria và Canada, sản xuất và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ giảm và đồng USD giảm giá. Dầu Brent vượt 50 USD/thùng trong phiên 2/6 – mức cao nhất trong vòng 7 tháng, và dầu WTI vượt 50 USD trong phiên 7/6 – cao nhất trong vòng gần 1 năm.
Gạo: Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ tăng mạnh trong tháng qua do đồng baht giảm giá và nhu cầu mua mạnh từ các nhà kinh doanh trong nước bởi lo ngại sản lượng giảm do thiên tai, trong khi gạo Việt Nam vững giá. Nhu cầu từ các nhà nhập khẩu vẫn yếu. Trung tuần tháng 6 khác hàng Trung Quốc bắt đầu trở lại hỏi mua gạo Việt Nam nhưng chưa có thông tin xác nhận về hợp đồng ký kết.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 418- 439 USD/tấn, cao hơn khoảng 20 USD/tấn so với một tháng trước đây. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng khoảng 10 USD/tấn lên 382-392. Gạo 5% tấm của Việt Nam loại làm làm từ lúa Đông Xuân giá hiện khoảng 370 – 375 USD/tấn, làm từ lúa Hè Thu giá 360 – 365 USD/tấn, giảm nhẹ khoảng 3-10 USD/tấn so với một tháng trước.
Hạn hán tại Thái Lan và một số quốc gia khác do El Nino gây ra trong những tháng qua, và dự báo La Nina vào cuối năm gây lũ lụt có thể khiến giá gạo tăng thêm nữa. Giá gạo trong nước và xuất khẩu của Thái Lan đã bắt đầu tăng từ tháng 4 và hiện đã tăng khoảng 17% so với đầu năm. Trong suốt 8 năm qua thị trường gạo chưa từng chứng kiến sự biến động giá mạnh theo chiều hướng tăng như lúc này.
Thái Lan đã bị hạn hán nặng từ năm 2015 và tình hình năm 2016 vẫn chưa được cải thiện. Sản lượng gạo của nước này dự báo sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp. USDA dự báo tồn trữ gạo Thái Lan sẽ giảm gần 50% trong năm 2016 xuống 5,2 triệu tấn do sản lượng gạo giảm xuống mức thấp nhất 5 năm là 15,8 triệu tấn, thấp hơn 16% so với năm trước.
Giá gạo tại Philippines mấy tháng qua khá ổn định, sau khi các cơ quan chức năng tích cực tích trữ gạo kể từ sau khi giá tăng hồi năm 2014. Nhưng sản lượng quý I đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái do hạn hán, xuống 3,9 triệu tấn. El Nino đang yếu đi, song các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo La Nina sắp tới có thể gây thiệt hại tới vụ mùa lúa cuối năm ở Philippines.
Thép: Thị trường thép thế giới có nguy cơ giảm giá trở lại khi các nhà máy Trung Quốc khôi phục sản xuất. Tháng 3 vừa qua đã đánh dấu thời điểm sản lượng thép Trung Quốc đảo ngược xu hướng giảm kéo dài suốt 14 tháng trước đó. Highsee Steel (Haixin), là “con đẻ” của ngành thép “nặng nợ” của Trung Quốc, đang đi đầu trong trào lưu mở cửa sản xuất trở lại sau khi giá thép tăng 20% chỉ trong một thời gian ngắn.
Trung Quốc thực hiện chương trình cắt giảm sản lượng thép bằng cách đưa ra những quy định mới khắt khe hơn về môi trường, kỹ thuật và điều kiện được vay tín dụng, theo đó những nhà máy không đủ điều kiện sẽ phải dừng sản xuất. Nhưng việc Highsee khôi phục sản xuất thép cho thấy lãnh đạo các địa phương coi các nhà máy thép như những đối tượng khách hàng quan trọng vì họ là những khách hàng vay tiền ngân hàng, nộp thuế và sử dụng lao động, và họ được coi trọng hơn là việc thực hiện chương trình cắt giảm sản lượng của trung ương.
Cao su: Sau khi hồi phục trong một thời gian ngắn, giá cao su thiên nhiên đã quay đầu giảm trở lại kể từ cuối tháng 4, với mức giảm khoảng 10-20% chỉ trong vòng một tháng (từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5).
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ngày 6/6 cảnh báo giá cao su có thể sẽ chưa tăng trở lại trong 3 tháng tới, trong bối cảnh sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 0,3% (thấp hơn mức tăng 0,8% của năm 2015 và 5% của năm 2014) do năng suất sụt giảm khi giá thấp kéo dài, song nhu cầu có thể vẫn yếu từ nay tới cuối năm bởi những yếu tố bất chắc trên thị trường thế giới, triển vọng không chắc chắn của thị trường dầu mỏ và tiền tệ của các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên chủ chốt giảm giá. Thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ áp dụng kể từ tháng 6/2016 đối với một số loại lốp xe ô tô do Trung Quốc sản xuất được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu cao su thiên nhiên của quốc gia này.
Nguồn: VITIC/Vinanet